Cảnh giác
Cảnh giác: Nạn mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo
Đã có rất nhiều người phải ôm hận vì nộp cho chúng số tiền mồ hôi nước mắt cả đời họ mới tích cóp được.
Khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều người dân đã thoát bẫy nhờ sự phối hợp của ngân hàng và cơ quan công an.
Dù đã có những tín hiệu tích cực, song người dân vẫn cần nâng cao cảnh giác trước nạn giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo. |
Như chợt tỉnh cơn mê
Một ngày cuối tháng 7-2020, Công an phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tiếp nhận thông tin từ chi nhánh một ngân hàng trên phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) về việc nhân viên cơ sở tín dụng này đang tiếp một khách hàng có những biệu hiện rất đáng chú ý. Một cụ bà tuổi cao, ôm theo chiếc túi to yêu cầu chuyển hơn nửa tỷ đồng vào một tài khoản của ngân hàng khác.
Dù nhân viên ngân hàng khéo gợi hỏi một số thông tin từ cụ bà như: “Chủ tài khoản nhận tiền có phải là người thân của cụ không? Vì sao cụ bà đi một mình đến ngân hàng?... Song “vị khách” một mực lắc đầu không trả lời. Khi đếm tiền hai tay cụ còn run run...
Những dấu hiệu này khiến nhân viên giao dịch cảnh giác liên hệ ngay đến thông tin cảnh báo tội phạm lừa đảo mà Cơ quan công an thường xuyên trao đối, khuyến cáo, thậm chí còn niêm yết công khai tại phòng giao dịch và đã liên hệ...
Tiếp nhận thông tin, Công an phường Phạm Đình Hổ đã tổ chức lực lượng nhanh chóng có mặt tại phòng giao dịch ngân hàng. “Chúng cháu bên công an phường, bác có thể thông tin về người sẽ nhận số tiền lớn này không? Bác nên cảnh giác, vì thời gian gần đây có nhiều người đã bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn, sau khi nghe điện thoại của đối tượng tự xưng là điều tra viên...”. Vừa nghe đồng chí chỉ huy công an phường trao đổi, cụ bà như bừng tỉnh cơn mê và quyết định tạm dừng việc gửi tiền.
Khi đã bình tĩnh, cụ bà Hoàng Thị T. (gần 80 tuổi, thường trú tại phố Tăng Bạt Hổ, phường Ngô Thì Nhậm) mới kể lại. Sáng 30-7, có mấy người liên tiếp gọi điện vào máy di động của cụ. Ban đầu giới thiệu là nhân viên bưu điện, sau đó đến lượt một “cán bộ Công an Hà Nội” cầm máy. Những người này tuyên bố người nhà cụ T. đang liên quan đến vụ án ma túy và phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chứng minh vô tội. Lo lắng cho người thân, cụ T. tất tả vay mượn, rút tiền tiết kiệm và ngay chiều hôm sau đã gom đủ 600 triệu đồng rồi thuê “xe ôm” chở đến phòng giao dịch ngân hàng trên phố Ngô Thì Nhậm với ý định chuyển hết tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu.
Rất may, những biểu hiện lo lắng bất thường của cụ T. đã được nhân viên ngân hàng nhận biết và thông báo đến Công an phường Phạm Đình Hổ để xác minh, ngăn chặn...
Tương tự cụ T., đầu tháng 8-2020 bà Phạm Thị M. (60 tuổi, trú trên địa bàn quận Hai Bà Trưng) nhận được cuộc điện thoại giới thiệu là điều tra viên Công an TP Hồ Chí Minh. Sau lời giới thiệu, đối tượng lập tức hỏi: “Điện thoại của bà còn pin không, nếu hết thì phải cắm sạc ngay để làm việc với cơ quan điều tra”. Bà M. thật thà trả lời mới sạc đêm hôm qua vẫn còn đầy thì đối tượng tiếp tục tra vấn:
“Hiện bà sống một mình hay có ai ở cùng không?”.
“Thưa tôi sống một mình” - bà M. trả lời.
“Một mình sao tôi nghe thấy có tiếng người?” - đối tượng tiếp tục chất vấn, giọng rất hung dữ.
“Đó là tiếng từ tivi” - bà M. giải thích
Đến khi đó đối tượng mới hạ giọng, nói rằng họ đang điều tra một chuyên án ma túy, rửa tiền đặc biệt lớn. Viện kiểm sát đã ra lệnh bắt giam. Cùng lúc đối tượng gửi ảnh lệnh tạm giam qua mạng xã hội Zalo cho bà H., thông báo vài ngày tới sẽ cơ quan chức năng sẽ thực hiện lệnh này.
Nghe những thông tin trên, đọc lệnh tạm giam đúng tên, số CMND, địa chỉ... bà H. tái mặt, toát mồ hôi liên tục khẳng định không hề liên quan gì. Đối tượng lúc này mới bảo, bà H. phải kê khai hết các loại tài sản như nhà đất, vàng, đô la, sổ tiết kiệm... chuyển thành tiền mặt rồi gửi cho “cơ quan điều tra”. Sau khi đã xác định đúng là không có liên quan thì sẽ gửi lại cho bà.
“Việc cộng tác của bà có tác động thành bại cho chuyên án, bà phải thực hiện hết sức bí mật, nghiêm chỉnh. Nếu hé răng kể cho ai, hoặc không cộng tác nghiêm túc khiến chuyên án đổ vỡ thì bà phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bà có thể bị truy tố, đi tù 5-10 năm” - gã đàn ông tiếp tục hăm dọa.
Tấm biển khuyến cáo người dân cảnh giác tội phạm lừa đảo giả danh có tác dụng thực tiễn cao. |
Run rẩy, bà H. vội vàng ra ngân hàng rút gần một tỷ đồng tiền tiết kiệm định chuyển cho đối tượng. Song một nhân viên ngân hàng đã kịp thời đưa cho bà một bản thông báo của Cơ quan công an về nạn lừa đảo giả danh, cùng một bài báo cảnh báo về vấn nạn này. Sau khi đọc xong những văn bản này, bà H. vội rút điện thoại gọi cho người cháu đang công tác tại một cơ quan bảo vệ pháp luật. Nói chuyện xong, bà H. lập tức chặn số điện thoại của các đối tượng và không rút tiền gửi cho chúng nữa.
Bà H. cho biết, ngoài số tiền gần một tỷ đang gửi trong sổ tiết kiệm, bà còn làm thủ tục để rao bán căn nhà đang ở để định gửi cho các đối tượng. “Rất may tôi đã kịp thời được cảnh báo và không sa bẫy của chúng nữa” - bà H. nói giọng không giấu vẻ vui mừng.
Vẫn cần nâng cao cảnh giác
Theo một chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, nhiều năm nay nạn lừa đảo giả danh cơ quan chức năng bùng phát rất mạnh. Không chỉ người dân ở các thành phố lớn mà ở nhiều tỉnh thành nông thôn, miền núi cũng đã sập bẫy của chúng, bị chiếm đoạt số tiền từ vài trăm triệu lên đến vài tỷ đồng. Thậm chí có những bị hại ở TP Hồ Chí Minh còn chuyển cho các đối tượng hàng chục tỷ đồng và bị chiếm đoạt. Mặc dù Cơ quan công an đã nhiều lần khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, song dường như lại chỉ mới đến được một bộ phận nhân dân.
Có những tuần mà Cơ quan công an nhận được hàng chục đơn trình báo của các bị hại về việc bị lừa đảo bằng hình thức này. Bị hại không chỉ dừng lại ở những người trình độ dân trí chưa cao, thiếu hiểu biết hay các cụ ông cụ bà nhiều tuổi thiếu minh mẫn mà ngay cả nhiều giáo sư tiến sĩ, những người có chức vụ trong cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng dính bẫy của các đối tượng. Đặc biệt, thời gian qua các đối tượng trong các đường dây lừa đảo giả danh liên tục thay đổi, bổ sung các chi tiết trong màn kịch của chúng, để khiến cho bị hại mất cảnh giác.
Trước đây thủ đoạn của tội phạm thường là tự xưng là nhân viên bưu điện, nhân viên sân bay, ngân hàng... gọi điện vào máy điện thoại cố định, điện thoại di động thông báo “người bị hại” đang nợ tiền cước điện thoại, nợ tiền thẻ tín dụng, nợ vay ngân hàng hoặc có bưu phẩm, quà tặng gửi ở các bưu điện, sân bay lâu ngày không đến nhận,...
Công an quận Hoàn Kiếm tuyên dương cán bộ ngân hàng tích cực tham gia tuyên truyền phòng, chống tội phạm. |
Khi “người bị hại” thắc mắc không có những việc như trên thì đối tượng hướng dẫn, nối máy cho bị hại nói chuyện với “cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án,...”. Sau đó, đối tượng yêu cầu “người bị hại” gọi điện đến tổng đài 1080 để kiểm tra số điện thoại mà đối tượng cho sẵn có phải là của cơ quan công an không. Cuối cùng là chúng bắt bị hại phải chuyển tiền cho “cơ quan công an” để “kiểm tra” rồi chiếm đoạt.
Cũng có trường hợp, các đối tượng yêu cầu họ cài đặt ứng dụng có giao diện “Bộ Công an” theo đường dẫn mà chúng gửi cho bị hại qua tin nhắn. Quá trình gọi điện thoại cho bị hại, đối tượng luôn tạo cho bị hại có cảm giác lo sợ, không có thời gian suy nghĩ về các nội dung mà đối tượng cung cấp, từ đó “điều khiển” bị hại đến phòng giao dịch ngân hàng rút tiền từ tài khoản tiết kiệm để chuyển vào số tài khoản đối tượng cho sẵn.
Sau khi nhận được tiền, đối tượng sẽ rút số tiền chiếm đoạt được hoặc sử dụng Internet banking chuyển đến nhiều tài khoản khác nhau. Phần lớn số tài khoản thụ hưởng, các đối tượng mua của những người không quen biết, do vậy công tác điều tra truy xét gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm hiện tại, các đường dây lừa đảo đã tinh ranh hơn rất nhiều. Đầu tiên, các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại xem lại pin điện thoại, nếu pin yếu phải cắm sạc để liên lạc không bị gián đoạn. Sau đó nếu bị hại đang sống cùng gia đình thì đối tượng yêu cầu phải ra chỗ khác, nói chuyện “riêng tư”, không để người khác xen vào câu chuyện. Tiếp đó, chúng sẽ làm giả các lệnh bắt khẩn cấp của cơ quan chức năng, gửi cho bị hại, khiến bị hại rất sợ hãi.
Trong khi nói chuyện với bị hại qua điện thoại, bọn chúng cũng giả các tiếng động tại cơ quan công an, thậm chí “livestream” (phát trực tiếp) hình ảnh lực lượng cảnh sát đang làm việc để khiến cho bị hại tin rằng đang nói chuyện với công an “xịn”. Đặc biệt, các đối tượng luôn sử dụng chiêu bài “chuyên án bí mật”, phải “lặng lẽ thực hiện”, “không được tiết lộ cho ai” nhằm buộc bị hại không dám hé răng nói với người khác, không nhận được sự tự vấn của người hiểu biết để lật tẩy màn kịch của chúng.
Trước tình trạng này, Phòng Cảnh sát hình sự đã có nhiều biện pháp nhằm phòng, chống tội phạm lừa đảo giả danh, trong đó đã ra nhiều thông báo đến công an các quận, huyện, thị xã, công an phường... về việc tăng cường đưa các thông tin cảnh báo đến người dân và đặc biệt là đến từng chi nhánh ngân hàng để phối hợp ngăn chặn; tăng cường thông tin với các phương tiện thông tin đại chúng...
Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân luôn nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn của đối tượng, bởi chúng luôn có những màn kịch tinh vi hơn, khó lường hơn. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cần phải vào cuộc tích cực; các giao dịch viên cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm. Thấy có những biểu hiện nghi ngờ cần phải khuyến cáo cho khách hàng, đồng thời liên hệ cơ quan chức năng...
Nguồn: Báo CAND