Giới chơi lan lại vừa xôn xao về buổi đấu giá 1 kie lan (mầm con tách ra từ cây mẹ) mang tên "huyền thoại" Bướm Đại Ngàn được một người chơi ở Bình Dương trả giá 11,7 tỉ đồng.
Mặt hoa Bướm Đại Ngàn được đưa ra trong buổi đấu giá. (Ảnh: VietnamNet) |
Theo thông tin từ VietnamNet, anh Chính Trương, chủ nhân của Resort Hoa Lan Chính Trương vừa tổ chức livestream buổi đấu giá từ thiện 1 kie lan huyền thoại Bướm Đại Ngàn có trong vườn nhà.
Anh Chính Trương tiết lộ, giá tối thiểu nhất người chơi trả cho kie Bướm Đại Ngàn là 50 triệu đồng. Và mức giá tối đa cho kie lan này thì không giới hạn. Sau 12h livestream đấu giá 1 kie Bướm Đại Ngàn đã có rất nhiều người chơi lan trả các mức giá "khủng " khác nhau. Người thắng cuộc là anh Trần Thế Hưng (facebook Hưng Trần) ở Bình Dương. Anh Hưng là người trả giá cao nhất mua 1 kie Bướm Đại Ngàn trên với giá 11,7 tỷ đồng.
Trong cộng đồng người yêu hoa lan, anh Chính Trương (Trương Quốc Chính) là một người chơi hoa phong lan có tiếng, và là cái tên không hề xa lạ với nhiều giao dịch "khủng".
Lan đột biến được nhiều người săn lùng dù giá cao chót vót. |
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh các giao dịch mua bán lan đột biến với giá cao ngất ngưởng. Câu hỏi đặt ra: Giá trị thật hay chỉ là chiêu trò thổi giá “câu khách”? Vì sao lan đột biến lại có giá trị cao như vậy? Làm sao để tránh bị lừa đảo, bỏ tiền thật mua hàng giả, kém chất lượng...?
"Quý thì như vàng, không thì như ngọn rau muống"
Với nhiều tên gọi mĩ miều như Hồng mĩ nhân, Bạch tuyết cánh trắng, "người đẹp" Bình Dương, Á hậu, Tiên vũ, Quế lan hương... phong lan được giới mê cây cảnh ráo riết săn lùng, trong đó loài lan var (lan đột biến) đang khiến thị trường "lên cơn sốt" với hàng loạt giao dịch trị giá tiền tỉ diễn ra liên tiếp.
Lan phi điệp đột biến gen (bên trái) và hoa lan phi điệp thường (bên phải). |
Mới đây, tại "vựa" hoa lan lớn nhất nhì miền bắc ở Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng diễn ra giao dịch mua bán lan đột biến với trị giá lên tới 20 tỷ đồng. Đó là giò lan Bạch Tuyết Á Hậu trổ hoa tuyệt đẹp ngay tại một nhà vườn ở Đông La.
Theo chia sẻ của ông Tạ Công Thực - Chủ tịch Hội nhà vườn hoa lan Đông La, giá trị của lan được xác định dựa trên độ quý, hiếm và vẻ đẹp độc đáo của nó. Giới chơi lan mới hiểu được giá trị của loài hoa quý, trong đó có lan var (đột biến gen).
Ông Tạ Công Thực - cũng là chủ nhà vườn Thực Hà ở Đông La - cho hay, chăm lan công phu, tỉ mỉ như chăm con nhỏ. "Nuôi lan như nuôi lợn nái quý hiếm. Cũng có khi bắt được "lợn vàng" đẻ được "quý tử" nhưng cũng có khi phải chịu thua lỗ vì cây không may chết hoặc trổ hoa không ưng ý... Cây lan quý thì như cây vàng, còn không thì cũng như ngọn rau muống mà thôi", ông chủ nhà vườn Thực Hà nói.
Cây lan nhìn như... ngọn rau muống nhưng giá lại đắt hơn vàng ròng. |
Ông Tạ Công Thực cũng cảnh báo người chơi rằng, hoa var vô cùng quý hiếm, nếu người mua không tinh ý sẽ dễ bị lừa, bỏ cả đống tiền mà hoa lan rước về lại không có giá trị lớn đến thế.
Ông chủ nhà vườn Thực Hà còn tư vấn thêm, khách mua lan đột biến cần phải chú ý đến truy xuất nguồn gốc của cây. Và chuẩn nhất, nếu khách mới chơi, thì cần phải xem trực tiếp hoa trên cây (vì đã có trường hợp hoa "gắn" trên cây rồi!).
Tránh lừa đảo, biến tướng bằng cách nào?
Anh Trịnh Đắc Toàn - chủ nhà vườn hoa lan Trịnh Toàn ở thôn Đồng Nhân, xã Đông La cho rằng, giá trị những kie lan đột biến lên đến hàng tỉ đồng là do độ quý hiếm của nó. Người ta phải mua cả tấn lan rừng mới sổ ra được vài mặt hoa đột biến, trong khi đó, cả ngàn bông hoa đột biến mới có một bông xuất sắc.
Anh Trịnh Đắc Toàn - chủ nhà vườn hoa lan Trịnh Toàn |
Bản thân anh Toàn cũng chi đến 4 tỷ đồng để mua một giò lan "mẹ" về chăm sóc công phu với hy vọng sẽ "đẻ" ra nhiều kie con để bán thu hồi vốn và sinh lời. Giá lan đột biến cao, thị trường đang rất nóng, một phần là do người mới chơi vào nhiều, một phần là do sự xuất hiện của nhiều giống hoa đẹp, độc đáo, ai cũng muốn sở hữu. Lan đột biến đắt ở vẻ đẹp độc đáo và độ hiếm của nó, anh Toàn nhận định.
Ông chủ nhà vườn Trịnh Toàn cho hay, không ít người đã phải nếm trải "trái đắng" khi không tìm hiểu kỹ mà đã bỏ ra số tiền lớn để mua lan đột biến. Đối với những chủ vườn uy tín thì họ bảo hành cho để lúc lan trổ hoa, nhưng cũng có những giao dịch chóng vánh theo kiểu trục lợi thì người mua là người "gánh họa" khi lan không trổ bông đúng như cam kết trong khi người bán đã cao chạy xa bay, chẳng biết phương nào mà tìm.
Mới đây, Công an tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành văn bản nhận định, hoạt động chuyển nhượng, mua bán hoa lan trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo Công an tỉnh Tuyên Quang, giá trị hoa lan được định giá tự do, không có căn cứ, cơ sở pháp lý, là cơ hội cho các hành vi lợi dụng để "thổi giá", gây sự hấp dẫn giả tạo để dẫn dụ nhiều người chơi mới, kém hiểu biết tham gia vào thị trường lan.
Thị trường hoa lan đang sôi động với nhiều giao dịch mua - bán lan đột biến lên tới vài tỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng. |
Các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nguy cơ biến tướng theo mô hình đa cấp, hoặc tội phạm rửa tiền lợi dụng hoạt động.
Không có sự bảo đảm, chứng nhận hợp pháp về chất lượng hoa lan; các giao dịch chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận bởi người bán với người mua, dễ phát sinh lừa đảo, mâu thuẫn, tranh chấp sau giao dịch.
Nhiều người tham gia đầu tư vì vụ lợi, mong muốn làm giàu nhanh, thiếu kiến thức, bất chấp rủi ro huy động vốn từ người thân, bạn bè, vay mượn ngân hàng, các nguồn vốn ngoài xã hội, thậm chí “tín dụng đen” để đầu tư dễ dẫn đến nguy cơ có thể vỡ nợ dây truyền và phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật từ hoạt động tín dụng đen.
Việc mua bán hoa lan với số tiền giao dịch lớn, không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước tạo nên "bong bóng" đầu tư.
Đã có những cảnh báo về sự tan vỡ "bong bóng" hoa lan. |
Từ thực tế trên, Công an tỉnh Tuyên Quang nhận định các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa lan đột biến như trên là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hệ lụy rất lớn, tiềm ẩn những nguy cơ cao, làm phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, gây mất ổn định xã hội./.