Kinh tế xã hội
Cần chấm dứt tình trạng 'phạt, cho tồn tại'!
(Congannghean.vn)-Thời gian vừa qua, trên địa bàn Nghệ An, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Vinh, xảy ra tình trạng nhiều công trình, dự án xây dựng vượt tầng, sai với thiết kế, quy hoạch đã được phê duyệt. Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính rồi hợp thức hóa hồ sơ cho sai phạm tồn tại. Điều này không chỉ gây dư luận không tốt mà còn làm suy giảm tính nghiêm minh về kỷ cương trật tự xây dựng.
Nhiều công trình vượt tầng, vi phạm trật tự xây dựng
Theo báo cáo trả lời chất vất cử tri tại kỳ họp thứ XV, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra vào ngày 21/7 của Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn có 8 dự án cao tầng (chung cư) xây dựng sai quy hoạch, vượt 1 tầng so với thiết kế. Các dự án này bao gồm: Khu nhà ở xã hội, liền kề và dịch vụ thương mại xã Nghi Phú của Công ty TNHH Trường Thành; Trung tâm thương mại và Chung cư cao cấp Trung Đức Tower tại phường Hưng Bình của Công ty CP Xây dựng Trung Đức; Khu chung cư cao tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền - Vinh Tân tại phường Vinh Tân của Công ty CP Danatol; Chung cư Bông Sen tại số 39 Quang Trung của Công ty CP Du lịch Nghệ An; Chung cư Tecco số 215, Lê Lợi của Công ty CP Phát triển đô thị Vinh; Chung cư CT1A thuộc dự án Cải tạo xây dựng lại Khu chung cư Quang Trung của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội 30; Chung cư Mường Thanh Diễn Châu và chung cư thuộc Khu tổ hợp trung tâm thương mại khách sạn cao tầng, văn phòng cho thuê, chung cư cao tầng và nhà ở liền kề của Công ty CP Phú Mỹ Trung tại phường Quán Bàu.
Trung tâm thương mại và Chung cư cao cấp Trung Đức Tower, một trong 7 công trình xây vượt tầng nhưng được phép tồn tại trên địa bàn TP Vinh |
Tất cả các dự án này, sau khi bị phát hiện xây vượt tầng, đã được các cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, sau đó thay vì cưỡng chế, bắt cắt gọt tầng theo đúng công năng, thiết kế thì các cơ quan hữu quan đã tiến hành kiểm định chất lượng. Với kết luận công trình vẫn đảm bảo an toàn chịu lực dù xây vượt tầng, UBND tỉnh đã chấp thuận điều chỉnh quy hoạch đối với 7 trong số 8 công trình nói trên. Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng, tính đến ngày 30/6/2020, trong số 89 công trình chung cư cao tầng đã hoàn thành đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hiện còn 11 công trình chưa được kiểm tra, chấp thuận nghiệm thu hoàn thành. 8 công trình chủ đầu tư chưa hoàn thành khắc phục các tồn tại về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo kết quả kiểm tra.
Thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu tiên qua tiến hành các đợt thanh, kiểm tra tại các dự án xây dựng mới phát hiện ra sai phạm. Trước đó, tại nhiều dự án khác, quá trình thực hiện chủ đầu tư đã cố tình xây dựng sai thiết kế, vượt tầng hoặc thay đổi công năng sử dụng nhưng cơ quan chức năng của TP Vinh đã hoặc không biết, hoặc phớt lờ trong việc xử lý, để khi “sự đã rồi” mới tiến hành phạt hành chính, sau đó hợp thức hóa cho tồn tại. Đơn cử, Trung tâm thương mại và Chung cư Bông Sen tại số 39, Quang Trung (TP Vinh) đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng 7 năm nay nhưng đến nay, người dân vẫn phải “ở trọ” trong chính ngôi nhà của mình khi chưa được chủ đầu tư cấp GCNQSDĐ. Nguyên nhân, dự án này xảy ra quá nhiều sai phạm, đến nay vẫn chưa khắc phục được. Trong đó, ngoài việc xây dựng chung cư vượt diện tích theo quy hoạch, thiết kế cơ sở được duyệt, dự án còn tự ý thay đổi công năng sử dụng từ tầng 3 đến tầng 5, từ dịch vụ thương mại thành chung cư, đồng thời thay đổi công năng sử dụng tầng 22 và xây dựng thêm tầng 23.
Hàng loạt sai phạm tại Chung cư Bông Sen dẫn đến người dân mua nhà đã 7 năm nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ |
Tại Kết luận thanh tra số 551/KL-UBND ngày 13/9/2019 của UBND tỉnh, đã yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty CP Du lịch Nghệ An, tổ chức kiểm định công trình vi phạm, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh thiết kế cơ sở đúng với hiện trạng. UBND TP Vinh lập biên bản hành chính, đồng thời xem xét thỏa thuận điều chỉnh quy hoạch đối với công trình nói trên. Mới đây nhất, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chấp thuận cho Công ty CP tập đoàn T&T "hợp thức hóa" sai phạm trong việc xây dựng tòa cao ốc Khu hỗn hợp Trung tâm Thương mại, dịch vụ văn phòng, nhà ở và căn hộ cao cấp (Khu C) tại số 1, đường Quang Trung, phường Quang Trung (TP Vinh) từ 25 lên 28 tầng. Tương tự, dự án Tổ hợp nhà ở và Trung tâm Thương mại, tại 176, đường Nguyễn Du, khối 11, phường Bến Thủy, TP Vinh (Nghệ An) do Công ty CP phát triển Gia Thịnh Phát làm chủ đầu tư, quá trình xây dựng đã tự ý thay đổi kích thước trụ, dầm và mặt bằng phân phòng từ 16 căn hộ thành 18 căn hộ từ tầng 4 đến tầng 5 của toà nhà. Phát hiện sự việc, UBND TP Vinh phạt hành chính, đình chỉ thi công nhưng sau khi nghiệm thu, có ý kiến từ Bộ Xây dựng, dự án vẫn tiếp tục được xây dựng, doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ thay đổi thiết kế cơ sở theo hiện trạng nên được chấp thuận, cho tồn tại.
Cần chấm dứt tình trạng “phạt, cho tồn tại”!
Đối với nhiều dự án xây dựng khác, tình trạng phát hiện sai phạm, phạt rồi cho tồn tại cũng xảy ra tương tự. Có thể kể đến dự án Bệnh viện HNĐK Nghệ An giai đoạn 2 của Công ty CP Bệnh viện HNĐK Nghệ An, theo hồ sơ thiết kế chỉ được xây dựng nhà bệnh viện tổng chiều cao công trình là 34 m. Tuy nhiên, công ty này đã xây dựng tổng chiều cao xây dựng công trình là 38 m, vượt 4 m so với quy định. Sau khi phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng, thay vì yêu cầu tháo dỡ theo đúng thiết kế phê duyệt thì UBND TP Vinh cũng chỉ yêu cầu chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng theo hiện trạng rồi cho tồn tại. Một dự án khác là Dự án “Nhà thi đấu và nhà điều hành thể thao” do Công ty CP Trung Long làm chủ đầu tư. Quá trình xây dựng, chủ đầu tư dự án này đã tự ý tăng kích thước chiều rộng, chiều dài và chiều cao, làm tăng diện tích sử dụng của công trình lên đến hàng trăm m2. Sau khi phát hiện, phạt hành chính và đình chỉ thi công trong một thời gian dài, đến nay dự án đã hoàn tất, đưa vào vận hành, sử dụng với diện mạo hoàn toàn khác so với thiết kế, giấy phép xây dựng đã được phê duyệt.
Thực tế cho thấy, tình trạng “phạt cho tồn tại” đối với vi phạm về trật tự xây dựng đang rất phổ biến. Điều này làm suy giảm tính nghiêm minh về kỷ cương trật tự xây dựng. Để xảy ra tình trạng này, dư luận đang băn khoăn, đặt câu hỏi liệu có sự ưu ái, bao che cho doanh nghiệp, hay lực lượng quản lý đô thị yếu kém về mặt chuyên môn dẫn đến ngày càng nhiều công trình xây dựng trên địa bàn sai phạm. Có ý kiến cho rằng, nếu có sự tiếp tay, bao che thì phải trị phần gốc là xử lý cán bộ chứ không nên chỉ tập trung “cắt ngọn” công trình sai phạm, vì đây chỉ là giải pháp tình thế. “Cắt ngọn” công trình phải đồng thời cắt chức vụ của những người có trách nhiệm.
Liên quan đến việc xử lý các công trình xây dựng không phép, xây dựng vượt tầng, không cấp sổ đỏ đúng thời hạn, vi phạm quy hoạch, bàn giao nhà không đúng tiến độ, trước đây theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng có quy định “phạt và cho phép tồn tại” sau khi chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép. Tuy nhiên, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản đã bỏ quy định “phạt cho tồn tại,” mà buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại. Cụ thể, theo Khoản c, Điểm 11, Điều 15, Nghị định 139, đối với những công trình xây dựng trái phép, xây dựng không đúng nội dung trong giấy phép, sai quy hoạch (mà hành vi vi phạm đã kết thúc) thì buộc phải tháo dỡ công trình, khôi phục lại tình trạng ban đầu, phải có biện pháp khắc phục hậu quả. Quy định là vậy nhưng tại Nghệ An vẫn xảy ra tình trạng vượt luật, “vượt rào” khi vẫn tiếp diễn tình trạng, phạt rồi cho tồn tại.
THIỆN THÀNH