Cảnh giác
Báo động tình trạng vi phạm pháp luật của khách du lịch Trung Quốc
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh, đến Đà Nẵng bằng visa du lịch, nhưng thực chất nhằm mục đích thực hiện các hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật đang diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo ra sự lo lắng, bất an trong nhân dân.
Việc liên tục phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến du khách vừa qua là nỗ lực đáng ghi nhận của lực lượng Công an, đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức to lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm người nước ngoài...
Chỉ là "phần nổi của tảng băng"
Những năm trước, tại Đà Nẵng từng xảy ra một số vụ người nước ngoài, chủ yếu từ châu Phi, sử dụng chiêu “nhuộm đen đô la”, hoặc làm quen các quý bà quý cô qua internet để lừa tình, lừa tiền. Nhưng vài năm gần đây, hầu hết tội phạm người nước ngoài là đến từ Trung Quốc.
Đối tượng này gây lo ngại nhiều hơn bởi số lượng đông hơn, không chỉ “phạm tội từ xa” mà ăn ở, hoạt động tội phạm và thực hiện các hành vi trái pháp luật khác ngay tại nơi lưu trú. Không chỉ thuê những căn hộ độc lập hay phòng nghỉ, nhiều nhóm đối tượng còn thuê trọn gói cả khách sạn trong thời gian dài, biến nơi lưu trú thành những “hang ổ” kín đáo khó bị phát hiện.
Đối tượng trộm cắp hơn 400 triệu đồng trên máy bay bị bắt giữ tại sân bay Đà Nẵng. |
Cuối 2015, dư luận ở Đà Nẵng từng xôn xao việc người Trung Quốc lách luật, lợi dụng các công ty do người Việt Nam đứng tên mà ông chủ thật sự là người Trung Quốc để gom mua 246 lô đất ven biển dọc bờ tường sân bay quân sự Nước Mặn. Phần lớn những lô đất này đã được xây dựng thành những khách sạn, quán ăn, cơ sở mát xa phục vụ người Trung Quốc.
Rồi nhiều khu đất khác đắc địa về kinh tế, hoặc gần với các khu vực nhạy cảm về an ninh và quân sự cũng được người Trung Quốc mua hoặc thuê để sử dụng. Cũng thời gian này, xảy ra vụ một người Trung Quốc là Feng Long Chun dùng súng bắn chết đồng hương là Li Mo Zi tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà do mâu thuẫn trong kinh doanh.
Người Trung Quốc đến Đà Nẵng rất đông, nhiều năm liền đứng đầu lượng khách nước ngoài đến TP và hiện nay đang chiếm vị trí thứ 2, sau khách Hàn Quốc. Không thể phủ nhận, đây là nguồn khách quan trọng, góp phần vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, ở khía cạch tiêu cực, không ít người lợi dụng visa du lịch đến Việt Nam nhưng đã thực hiện các hoạt động trái mục đích nhập cảnh như làm hướng dẫn viên du lịch “chui” cho các đoàn khách Trung Quốc, qua đó xuyên tạc chủ quyền của Việt Nam, nhờ người Việt đứng tên để kinh doanh khách sạn, nhà hàng, buôn bán trái quy định.
Không chỉ vậy, nhiều người Trung Quốc đã bị phát hiện về hành vi phạm pháp hình sự trộm cắp, cướp giật tài sản, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo qua điện thoại và mạng internet đối với người Việt Nam; thao túng chứng khoán, tổ chức đánh bạc, lừa đảo qua mạng nhắm đến người Trung Quốc ở nội địa...
Ngày 14-9-2019, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện, tạm giữ hình sự 5 đối tượng người Trung Quốc và một phiên dịch nữ người Việt Nam về hành vi “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Nhóm đối tượng này do Trương Huệ Mẫn (38 tuổi) cầm đầu. Với sự giúp sức của nữ phiên dịch Sầm Thị Sen, cũng là nhân tình của Mẫn, các đối tượng thuê một căn nhà 4 tầng ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà để ở và biến thành một “phim trường” để thực hiện các hành vi phạm pháp và bệnh hoạn.
Bằng chiêu thức “tuyển lao động việc nhẹ, lương cao”, các đối tượng đã dùng tiền lôi kéo một số cô gái trẻ đến đây thực hiện các hành vi “khoe thân”, thậm chí quan hệ tình dục để “livestream”, truyền hình ảnh trực tiếp lên mạng xã hội để thu lợi bằng các “phần thưởng” hoặc “quà tặng” ảo, có thể quy ra tiền.
Trong số những cô gái bị đối tượng lợi dụng quan hệ tình dục và đưa hình ảnh trực tiếp lên mạng có một thiếu nữ mới bước qua tuổi 15. Cơ quan Công an đã bắt giữ khẩn cấp Sầm Thị Sen và 5 đối tượng Trung Quốc về hành vi giao cấu với trẻ vị thành niên. Đây là lần đầu tiên, phương thức phạm tội nêu trên của các đối tượng Trung Quốc được phát hiện, xử lý tại Đà Nẵng và có thể là trên cả nước.
Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2018 đến nay, Công an TP Đà Nẵng buộc xuất cảnh hơn 500 trường hợp là người Trung Quốc có hoạt động trái mục đích nhập cảnh. Đáng chú ý, trong số này có 35 người Trung Quốc đang bị truy nã, 20 người từng phạm pháp hình sự.
Bên cạnh đó, đã khởi tố, bắt giữ các trường hợp vi phạm pháp luật của Việt Nam; trục xuất, bàn giao cho phía Trung Quốc xử lý nhiều đối tượng sang Việt Nam thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật nhắm đến người Trung Quốc ở nội địa.
Quản lý lơi lỏng, sẽ trả giá đắt
Tháng 6-2019, Công an TP Đà Nẵng đồng loạt kiểm tra 6 địa điểm, phát hiện 35 người Trung Quốc sử dụng mạng internet để lừa đảo, tổ chức đánh bạc. Mới đây nhất, ngày 15-9-2019, Công an quận Ngũ Hành Sơn cũng phát hiện 34 người Trung Quốc nhập cảnh với mục đích du lịch nhưng thuê trọn khách sạn Chula trên đường Võ Nguyên Giáp để thực hiện các hoạt động thao túng chứng khoán tại Trung Quốc. Để che giấu những hoạt động mờ ám, đối tượng chủ mưu vẫn thuê lễ tân và nhân viên bảo vệ khách sạn, tạo vỏ bọc hoạt động kinh doanh lưu trú bình thường. Nhưng khi có khách đến hỏi, lễ tân đều trả lời là hết phòng.
Công an TP Đà Nẵng bắt giữ Trương Huệ Mẫn, đối tượng cầm đầu vụ dụ dỗ bé gái vị thành niên giao cấu và livestream. |
Việc phát hiện, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật thường là cả một quá trình với không ít trở ngại, thách thức bởi đối tượng luôn sử dùng nhiều cách đối phó, bao gồm cả sự tiếp tay, giúp sức của một số người Việt.
Đối với tội phạm hoạt động qua mạng internet, trong thời điểm bị “đột kích”, các đối tượng liên quan luôn tìm cách “cố thủ” bên trong và nhanh chóng xóa dấu mọi chứng cứ trong khoảng thời gian rất ngắn. Công an TP Đà Nẵng từng phát hiện nhiều vụ người Trung Quốc thuê khách sạn đắt tiền để ở, dùng cả trăm sim điện thoại 4G để tạo riêng đường truyền internet tốc độ cao để hoạt động tội phạm qua mạng.
Nhưng đến khi quản lý khách sạn hợp tác, giúp mở được những cánh cửa phòng thì hàng chục máy tính mà khách Trung Quốc đang sử dụng đều đã ngắt kết nối và không lưu lại chứng cứ gì đáng kể. Việc chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm qua mạng internet hoặc mạng viễn thông chưa bao giờ là dễ dàng.
Thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các địa phương, trong đó có Đà Nẵng đã làm rõ, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật, nhiều hoạt động trái quy định của người Trung Quốc. Trong đó, có nhiều vụ việc rất đáng chú ý, như vụ thuê xưởng để sản xuất ma túy quy mô lớn vừa bị lực lượng Công an phát hiện trong tháng 8 vừa qua tại huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum, thu giữ 13 tấn hóa chất, tiền chất ma túy; vụ 9 đối tượng, đa phần mang quốc tịch Trung Quốc bị Công an quận 2, TP Hồ Chí Minh bắt giữ về hành vi cho vay lãi nặng; Vụ triệt phá đường dây đánh bạc với số tiền giao dịch lên đến 10.000 tỷ đồng do người Trung Quốc điều hành tại khu đô thị Our City (quận Dương Kinh, TP Hải Phòng), tạm gữ 395 người Trung Quốc; vụ dụ dỗ trẻ “đóng phim sex” tại Đà Nẵng...
Câu hỏi lớn về việc người Trung Quốc làm gì ở Việt Nam, làm gì ở Đà Nẵng phần nào được trả lời qua hàng loạt vụ việc được phát hiện trong thời gian qua. Nhưng thật khó để có một câu trả lời đầy đủ...
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng được xác định là một địa bàn trọng điểm về việc người nước ngoài đến cư trú, trong đó nhiều nhất là người Trung Quốc và Hàn Quốc. Chúng ta hoan nghênh người nước ngoài đến du lịch, đầu tư và kinh doanh, nhưng phải thực hiện đúng quy định, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, không thể chỉ kêu gọi sự tự giác của từng người nước ngoài, mà phải làm tốt công tác quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến ANTT, thậm chí là an ninh quốc gia.
Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, thường xuyên kiểm tra công tác quản lý người nước ngoài theo các quy định của Bộ Công an. Tháng10-2018, Công an TP cũng tham mưu để chính quyền địa phương ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn TP.
Quy chế này nêu rõ các nội dung phối hợp, từ công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn; phân cấp rất rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành cũng như các quận, huyện trong công tác quản lý người nước ngoài. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các cơ quan vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý người nước đến cư trú có thời điểm còn lơi lỏng...
Việc thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý người nước ngoài rõ trách nhiệm, đưa ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm là người nước ngoài hiệu quả hơn đang được đặt ra cấp thiết. Công an Đà Nẵng đang tăng cường công tác quản lý lưu trú đối với người nước ngoài, trong đó có việc kiểm tra, xác định trách nhiệm quản lý địa bàn của lực lượng Công an cơ sở.
“Nếu Công an các phường, các quận không làm hết trách nhiệm, để người nước ngoài đến địa bàn cư trú không khai báo và thực hiện các hành vi trái quy định của pháp luật, khi xảy ra các vụ việc liên quan đến ANTT sẽ bị xử lý nghiêm khắc”- Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cảnh báo.
Nguồn: Thân Lai/Báo CAND