Cảnh giác
Những thủ đoạn mới của đối tượng cho vay 'tín dụng đen'
Thời gian qua, Công an TP Hà Nội và nhiều địa phương liên tục tấn công các ổ nhóm hoạt động cho vay lãi nặng theo kiểu “tín dụng đen”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và những kẽ hở của luật pháp để hoành hành, khiến không ít người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nhà tan cửa nát...
Đủ chiêu “lách luật”
Trong đơn trình báo gửi Phòng Cảnh sát hình sự, anh Hoàng Long (sinh viên năm thứ ba, Đại học N.T) trình bày, đầu năm 2019, do cần tiền nên anh đến một dịch vụ “tư vấn tài chính” trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Đón tiếp Long là một thanh niên dong dỏng cao, mặt mũi “dễ coi” với nụ cười thường trực. Long nói muốn vay số tiền khoảng 50 triệu đồng và thế chấp chiếc xe SH 150i. Người thanh niên bảo: “Ok, tiền nong là chuyện nhỏ, ta vào việc luôn nhé”.
Đầu tiên, Long phải trình giấy CMND, cùng với đăng ký xe, giấy phép lái xe. Sau khi đối chiếu, thấy “chuẩn” rồi, người thanh niên bảo: “Ok, bên anh sẽ cho em vay 50 triệu, lãi suất 3,5 ngàn đồng/triệu/ngày, em đồng ý không?”.
“Sao cao vậy anh, bình thường em cầm trên Đặng Dung có 2 ngàn đồng/ triệu/ngày”.
“Thôi là chỗ quen của X., bên anh lấy 3 ngàn, nếu ok thì ký vào đây”.
Thanh niên chìa ra tờ giấy mua bán xe, bảo Long ký vào. Lúc đầu Long giãy nảy, bảo em chỉ vay tiền thôi chứ không muốn bán xe. Thanh niên này giải thích: “Đây chỉ là hình thức thôi, nếu em trả đủ tiền, đúng ngày thì cứ việc lấy xe về, giấy này sẽ bị xé đi. Còn lãi suất chỉ anh với em biết với nhau thôi nhé, kẻo sau lại lắm chuyện”.
Vì cần tiền gấp, Long đành ký vào giấy bán xe với nội dung bán chiếc xe Honda SH 150i BKS 29D... với giá 50 triệu đồng (giá thị trường khoảng 55 triệu). Tuy nhiên, Long chỉ được nhận về 45 triệu đồng (do bị cắt luôn tiền lãi trong 1 tháng và “phí” gửi xe). Long cũng phải để lại giấy đăng ký. Giấy tờ và chiếc xe này sau đó sẽ được cất vào kho.
Một số tang vật trong đường dây của Nguyễn Kim Tiến. |
Sau 1 tháng, do chưa “xoay” được tiền để lấy xe nên Long gọi điện thoại nói khó, xin nợ thêm 10 ngày nữa. Lãi suất lập tức vọt lên 10 ngàn đồng/triệu/ngày. Vay mượn khắp nơi, cuối cùng Long cũng “nhổ” được xe ra, song vẫn phải nộp vào gần 60 triệu đồng (gồm tiền lãi và tiền “phạt” do chậm trả). Vậy là chỉ trong vòng 40 ngày, vay 45 triệu nhưng Long đã bị “tín dụng đen” lấy đi gần 15 triệu đồng!
Tương tự, do thua cá độ bóng đá, cậu sinh viên Trần Minh P. (trú tại Nam Định) mượn xe ô tô của một người bạn để vay số tiền 300 triệu đồng, chỉ sau hơn 2 tháng anh này phải trả cả gốc lẫn lãi lên tới gần 540 triệu đồng. Càng chậm trả bao nhiêu thì số tiền sẽ càng tăng lên bấy nhiêu. Lãi suất bị gộp vào từng ngày. Đến thời hạn mà chủ xe không thể “nhổ”, chiếc xe lập tức bị rao bán mà không cần biết khổ chủ có đồng ý hay không!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường dây “tư vấn tài chính vay 365”... chuyên nhận “cắm” xe ô tô, xe máy dưới hình thức mua bán xe. Đường dây này còn đầu tư cả một nhà “kho” với diện tích hàng ngàn m2 để trông giữ xe.
Cũng dưới hình thức cho vay thông qua việc mua bán ô tô, xe máy, song một đường dây tài chính khác H.V. ngoài việc tính lãi suất cắt cổ thì còn “cho thuê” lại chính chiếc xe đã cắm. Xe máy thường được cho thuê lại với giá 200 ngàn đồng/ngày, ô tô thì khoảng 1 triệu đồng/ngày. Chỉ một phép tính đơn giản, lãi suất 3-5 ngàn đồng/triệu/ngày, cộng với tiền thuê lại chiếc xe sẽ khiến cho khách hàng nhanh chóng trở thành “chúa Chổm”.
Qua khảo sát của chúng tôi, ngoài những mẩu giấy dán khắp các cột điện, bốt điện với nội dung “alo là có tiền”, “tín dụng đen” còn len lỏi bằng cách thuê người “rải truyền đơn” tại các ngã tư với nội dung nghe rất “khiêu khích”: “Đừng vứt đi, có ngày bạn sẽ cần đến tôi”...
Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, hiện những đường dây “tín dụng đen” lách luật bằng việc cho vay thông qua việc mua bán xe máy, ô tô, còn việc tính lãi suất chỉ “nói mồm” nên việc xử lý hình sự giao dịch này theo pháp luật hình sự là không hề dễ.
“Ma trận” app vay tiền
Ngoài việc vay tiền qua các dịch vụ “tư vấn tài chính” hiện tại người dân còn có thể vay tiền “siêu tốc” thông qua các app (ứng dụng) trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android hoặc iOS. Chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm trên “Chợ ứng dụng”, người ta có thể nhận được hàng vài chục ứng dụng cho vay khác nhau, song gần như cùng một “giuộc” là vay nhanh với lãi “cắt cổ”.
Minh Phương, sinh viên năm thứ nhất Đại học KHXH và NV run run kể lại với chúng tôi. Mấy tuần trước cô cài ứng dụng Id... để vay 2 triệu đồng. Phương phải tạo lập một tài khoản trong ứng dụng, cung cấp nhiều thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại... phải chụp 2 mặt của giấy CMND, cung cấp số điện thoại của người thân... Sau đó sẽ được bên tín dụng giải ngân qua tài khoản ngân hàng.
Mặc dù được quảng cáo là lãi suất 0% nhưng khi vay 2 triệu đồng, thực chất Phương chỉ được giải ngân 1,7 triệu đồng. Số dư kia sẽ bị phía app cắt luôn, chi trả cho “phí dịch vụ”. Sau 1 tuần Phương chưa có tiền trả liền bị những số điện thoại “lạ” liên tục dồn ép, xúc phạm, thậm chí còn gọi vào số điện thoại của người thân để “khủng bố”.
Một trường hợp khác, chị Hoài Anh (nhân viên một spa) do muốn vay khoảng 30 triệu đồng nên phải cài đến 15 ứng dụng mới vay đủ. Sau chừng 2 tuần, tổng số tiền chị này phải trả cho các app lên tới gần 40 triệu đồng mà vẫn chưa hết nợ. Đồng thời chồng chị cũng bị nhiều số điện thoại gọi đến thúc ép, dọa dẫm theo kiểu giang hồ khiến cho gia đình lục đục, mâu thuẫn nặng nề.
Một số app vay tiền trên “chợ ứng dụng” mà hoạt động không khác gì một đường dây “tín dụng đen”. |
Theo một chuyên gia tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước, các app cho vay tiền hiện đang nở rộ trên các chợ ứng dụng thực chất là một loại “tín dụng đen” biến tướng. Nó không được phép của các cơ quan chức năng mà là các ứng dụng tự phát, ẩn dưới các doanh nghiệp tư vấn tài chính. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, xử lý rất có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Đánh mạnh các ổ nhóm
Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết, xác định hoạt động “tín dụng đen” là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy và tệ nạn xã hội, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã và các đơn vị nghiệp vụ khác thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 231.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự, trên địa bàn thành phố hiện có 1.247 cơ sở cầm đồ, 669 cơ sở kinh doanh tài chính, cùng với đó là gần 600 cá nhân hoạt động cho vay được đưa vào danh sách quản lý. Hầu như tất các các cơ sở, cá nhân nêu trên đều cung cấp dịch vụ cho vay tài chính.
Từ kết quả điều tra cơ bản, Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị của Công an TP Hà Nội đã kịp thời tổ chức phân công, phân cấp quản lý, tập trung vào các cơ sở kinh doanh, cá nhân, ổ nhóm có biểu hiện phức tạp, đã từng vi phạm hoặc đối tượng cầm đầu có nhiều tiền án, tiền sự. Đồng thời, Cơ quan công an cũng đã tổ chức nhiều đợt đánh mạnh vào những ổ nhóm tội phạm có dấu hiệu cho vãy lãi nặng, đòi nợ thuê - điển hình như ổ nhóm của Quang “Rambo”.
Qua công tác nghiệp vụ, tháng 8-2019 Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện đối tượng Đỗ Văn Quang (tức Quang “Rambo”, sinh năm 1984, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là đối tượng hình sự, đã quy tụ nhiều đàn em từ tỉnh ngoài như Thanh Hóa, Hưng Yên... về Hà Nội hoạt động cho vay lãi và nhận “cáp” đòi nợ thuê. Đáng chú ý, Quang có quan hệ thân thiết với nhóm Dũng “trọc”, Huấn “hoa hồng”, Khá “bảnh”...
Nhóm của Quang thường xuyên lên Facebook để livestream (phát hình ảnh trực tiếp) hình ảnh xăm trổ, đầu trọc, đeo kính đen, đeo dây chuyền, nhẫn to, khoe tiền... để khuếch trương thanh thế. Trang Facebook, kênh YouTube của Quang có nhiều người theo dõi và cổ vũ, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, nhất là giới trẻ học sinh, sinh viên.
Nhóm đối tượng trong đường dây “tín dụng đen” tại Thạch Thất bị bắt giữ. |
Đặc biệt, Cơ quan công an phát hiện Đỗ Văn Quang có hành vi câu kết với đối tượng Nguyễn Đức Nhân (sinh năm 1986, trú tại phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội - cũng là đối tượng lưu manh côn đồ, hoạt động thu nợ). Nhóm này được thuê đòi hơn 1,1 tỷ đồng cho đối tượng Đỗ Văn Thịnh (sinh năm 1986, trú tại xã Bình Thanh, huyện Kiến Xương, Thái Bình). Sau khi thu thập đủ tài liệu chứng cứ, ngày 9-8 Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt và tạm giữ hình sự 5 đối tượng trong ổ nhóm.
Cuối tháng 8, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng đã khám phá, bắt giữ ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen” tổ chức đánh bạc, thu giữ hơn 1 tỷ đồng và nhiều tang vật liên quan. Từ cuối năm 2018, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Công an huyện Thạch Thất phát hiện ổ nhóm tội phạm hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi và tổ chức đánh bạc với quy mô lớn, hoạt động tinh vi.
Khẩn trương áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm, Công an huyện Thạch Thất đã thu thập tài liệu về ổ nhóm tội phạm này do Nguyễn Kim Tiến (SN 1977, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) cầm đầu. Ổ nhóm này hoạt động tinh vi, tổ chức chặt chẽ, cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ lần, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Sau nhiều tháng tập trung đấu tranh, ngày 22-8 ban chuyên án đã triển khai 15 tổ công tác với 100 cán bộ chiến sĩ đồng loạt bắt giữ Nguyễn Kim Tiến và 16 đối tượng liên quan. Tại thời điểm bắt giữ, Cơ quan công an thu giữ tang vật gồm hơn 1 tỷ đồng, 16 điện thoại di động, 12 ô tô, 9 xe máy và nhiều tài liệu liên quan đến việc vay nợ, đánh bạc và cầm cố tài sản.
Bước đầu tại cơ quan Công an, Tiến và đồng bọn khai nhận tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi “số đề” qua việc nhắn tin bằng điện thoại di động, với giao dịch mỗi ngày hơn 900 triệu đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn tổ chức cho vay nặng lãi, bốc “bát họ” với lãi suất từ 50% - 180%/năm.
Trước đó, tháng 7, Công an thị xã Sơn Tây cũng phá thành công chuyên án, đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp đối tượng Phan Thanh Hưng và đồng bọn về các hành vi “Cướp tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản” và cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Từ tháng 5, Công an thị xã Sơn Tây đã phát hiện, dựng lên ổ nhóm tội phạm chuyên cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do Phan Thanh Hưng (sinh năm 1977, trú tại phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), thường gọi là Hưng “Tân Mãi” cầm đầu.
Ngày 18-7, chuyên án được mở, cơ quan Công an đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp đối với đối tượng Hưng và đồng bọn về hành vi cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trong 6 tháng phá hơn 430 vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an toàn quốc đã khởi tố 436 vụ với 766 bị can về các tội danh liên quan đến “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê; khởi tố 214 vụ, 947 bị can về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự (theo Điều 201 Bộ luật Hình sự).
Đồng thời, lực lượng Công an cũng áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, làm tan rã nhiều băng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” trên cả nước. Cụ thể, đã làm tan rã 1.400 đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi có hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.
Nguồn: M. Tiến - M. Trí/Báo CAND