Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201812/dung-de-quan-he-vay-muon-tro-thanh-tin-dung-den-828326/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/canh-giac/201812/dung-de-quan-he-vay-muon-tro-thanh-tin-dung-den-828326/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đừng để quan hệ vay mượn trở thành 'tín dụng đen' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 10/12/2018, 15:31 [GMT+7]

Đừng để quan hệ vay mượn trở thành 'tín dụng đen'

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hoạt động cho vay tiền lãi suất cao xuất hiện tại nhiều địa phương và có xu hướng mở rộng tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS nhưng việc ngăn chặn, xử lý gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong các quy định pháp luật.

Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm đầu mối cho vay, bán hàng nợ với lãi suất cao, với hàng ngàn người vay, mua nợ hàng hóa lãi suất cao, trong đó có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tục đơn giản, vay tín chấp, không cần cầm cố tài sản và hình thức vay nhanh gọn như: Liên lạc qua số điện thoại trong các tờ rơi quảng cáo hoặc cho mua nợ vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu…), hàng hóa phục vụ sinh hoạt (xe máy, gạo, hàng tiêu dùng…).

Lãi suất vay theo thỏa thuận giữa 02 bên với nhau (thỏa thuận miệng) thường từ 2% đến 5%/tháng (tương đương 24% đến 60%/năm). Đối với vay tiền mặt; một số trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản nhưng ghi lãi suất thấp, thực tế theo thỏa thuận cao gấp nhiều lần. Trong trường hợp người dân mua nợ vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… tuy không tính lãi suất nhưng giá mua luôn cao hơn giá thị trường.

Sau khi vay mượn, người dân trả bằng tiền mặt (trả theo thỏa thuận giữa người vay và người cho vay, có thể trả theo tiền góp hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng, tới hẹn trả gốc); hoặc người dân chấp nhận bán sản phẩm nông nghiệp (tiêu, cà phê, mì…) cho chủ nợ (giá thấp hơn giá thị trường). 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trường hợp số lượng không đủ để trả nợ thì số tiền nợ còn lại sẽ tiếp tục tính lãi suất cao cho đến mùa thu hoạch sau. Cá biệt, một số trường hợp người vay không đủ tiền trả lãi thì sẽ trả bằng tiền công lao động của mình cho chủ nợ, giá công lao động do hai bên thỏa thuận (người vay thường bị ép giá công lao động thấp hơn so với thị trường).

Mặc dù biết hậu quả, rủi ro và nhiều hệ lụy khi vay tiền, hàng hóa lãi suất cao, nhưng hoạt động này vẫn tồn tại và phát triển mạnh trong thời gian qua. Nhiều người dân chọn hình thức này bởi vì nó dễ dàng, nhanh gọn, không cần thế chấp và làm thủ tục gì, chỉ việc phải ký vào sổ ghi nợ là được vay tiền. Điều này là khác hẳn với việc đi vay vốn ngân hàng, phải đáp ứng những điều kiện chặt chẽ theo quy định.

Sau khi vay tiền, nhiều người không có khả năng trả nợ, có trường hợp người cho vay ép người vay sang nhượng tài sản có giá trị (nhà, đất..) hoặc người cho vay tiếp tục tính lãi suất cao, khiến lãi mẹ đẻ lãi con, người vay mất khả năng chi trả. Một số trường hợp bỏ trốn, gia đình lâm vào cảnh khó khăn do tài sản (đất, rẫy) phải “cấn” cho chủ nợ.

Bên cạnh đó, những hệ lụy phát sinh từ vay lãi suất cao, “tín dụng đen” dẫn đến nhiều hành vi vi phạm khác như: Bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích,gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản… gây mất ANTT.

Theo thống kê của lực lượng Công an, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến vay lãi suất cao. Công an tỉnh đã khởi tố 05 vụ, 11 bị can. Xử phạt vi phạm hành chính 33 đối tượng về hành vi treo, dán quảng cáo với số tiền 49,5 triệu đồng (liên quan đến hoạt động cho vay); thu giữ 9.739, tháo dỡ 7.363 tờ rơi, quảng cáo cho vay.

Điển hình, trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/2018, Công an thành phố Pleiku đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ 02 vụ gồm 7 đối tượng ở địa bàn tỉnh và từ các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương vào tạm trú tại các phường Hoa Lư, Ia Kring, Phù Đổng (nhóm 1 gồm các đối tượng Hoàng Văn Cường, quê Hải Phòng, Nguyễn Thế Tùng và Lãnh Văn Hồng quê Hải Dương, Trần Hữu Trọng quê Gia Lai; nhóm 2 gồm các đối tượng Đặng Hữu Quyết, Nguyễn Đình Tuấn, Nguyễn Thái Hưng đều trú tại Hải Phòng) về hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép, cho vay nặng lãi, thu giữ 01 khẩu súng quân dụng K59 và 02 khẩu súng tự chế, 100 tờ rơi quảng cáo cho vay tiền góp.

Hiện Công an Pleiku đã khởi tố vụ án tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép đối với nhóm đối tượng Cường và củng cố hồ sơ, xử lý hành chính nhóm đối tượng Quyết.

Mặc dù hoạt động cho vay tiền lãi suất cao xảy ra tại nhiều địa phương, nhưng việc xử lý của lực lượng chức năng gặp khó khăn do vướng mắc của các quy định pháp luật cũng như khó khăn trong việc xác định mức lãi suất cho vay. Mặt khác, đa số các vụ vay lãi suất cao là sự thỏa thuận giữa 02 bên, nên trong nhiều vụ việc nạn nhân không khai báo, hợp tác với lực lượng chức năng…Chỉ khi xảy ra các vụ việc phạm tội thì cơ quan chức năng mới biết, lúc này hậu quả đã quá lớn...

Để ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động cho vay tiền, hàng hóa lãi suất cao tại nhiều địa phương, thiết nghĩ, ngoài trách nhiệm của lực lượng Công an, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào DTTS về phương thức, thủ đoạn hoạt động cho vay lãi suất cao và hậu quả, hệ lụy của nó để người dân nâng cao cảnh giác.

Đồng thời từng sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, nhất là người nghèo, người DTTS dễ dàng tiếp cận, vay vốn đầu tư sản xuất, tái canh, tái sản xuất...; cũng như các tổ chức đoàn, hội nghiên cứu, thành lập các quỹ, câu lạc bộ tự nguyện hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo, như: Quỹ giúp nhau phát triển kinh tế, Quỹ vì đồng đội, Quỹ vì người nghèo, Quỹ đồng hành cùng phụ nữ nghèo để người dân có nguồn vốn phát triển kinh tế hoặc giải quyết cấp bách một số nhu cầu cấp thiết của mỗi gia đình.

.

Nguồn: Công an Gia Lai