Cảnh giác

Cảnh báo về tác hại của 'bóng cười', shisha

09:37, 19/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau các thành phố lớn, giờ đây bóng cười đã xuất hiện tại TP Vinh và được bán công khai tại một số quán bar, cà phê. Hút shisha và ngậm “bóng cười” đang dần trở thành “mốt” của một bộ phận giới trẻ ăn chơi trên địa bàn mà không biết tác hại khủng khiếp của nó đến sức khoẻ và tinh thần của người chơi.

Số bình chứa khí N2O mà Công an TP Vinh thu giữ tại quán Viktor the Pub
Số bình chứa khí N2O mà Công an TP Vinh thu giữ tại quán Viktor the Pub

“Bóng cười”, shisha tác hại khó lường

“Bóng cười” thực chất là quả bóng bay được bơm khí Nitrous oxide (N2O), nó không được xem như một dạng tiền chất ma tuý dù tác hại của nó đối với não bộ giống như việc sử dụng các dạng ma tuý tổng hợp. Còn shisha thực chất là loại thuốc được dùng từ cỏ và các loại hương vị trái cây, xuất xứ từ Ấn Độ và lan truyền sang các nước. Trên thế giới đã có nhiều báo cáo về khói shisha độc hại không thua kém gì so với thuốc lá, thậm chí còn độc hại hơn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Ung thư Mỹ, lượng khói cơ thể hít vào khi sử dụng shisha trong 1 giờ đồng hồ tương đương với 1 người bình thường sử dụng từ 100 - 200 điếu thuốc lá. Đồng thời, tỉ lệ nicotine trong shisha sẽ ngấm vào cơ thể nhanh hơn so với thuốc lá đến 70%. Hiện nay, 1 bình shisha thường được hút trong vòng 40 phút, tương đương từ 50 - 200 lần hít vào. Lượng khói trong vòng 40 phút này tương đương với 0,15 - 0,5 lít khói. Sau shisha, trò hít “bóng cười” được giới trẻ rỉ tai nhau sử dụng tại các quán bar ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm trước. Thời gian gần đây, shisha và đặc biệt là “bóng cười” đã xuất hiện, bán công khai tại TP Vinh và đang được một bộ phận giới trẻ ăn chơi trên địa bàn sử dụng như một dạng chất kích thích.

Theo kết quả điều tra của phóng viên, giá 1 quả “bóng cười” được bán tại các quán bar, karaoke dao động từ 50.000 - 70.000 đồng, còn shisha có giá từ 250.000 - 500.000 đồng/bình. Với “bóng cười”, người chơi dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng, hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên. Cứ như vậy lặp lại khoảng 4 - 5 lần, chất khí nitrous oxide trong quả bóng sẽ khiến người sử dụng có cảm giác phấn khích, tạo ảo giác và gây cười. Còn với shisha, người chơi chỉ việc cầm chiếc vòi được cắm nối với bình có chứa shisha được đốt nóng rồi làm lạnh để hít khí vào và từ từ nhả ra qua đường miệng hoặc mũi. Nếu hít nhiều 2 loại khí này và dùng kèm với chất kích thích khác như bia, rượu sẽ gây cảm giác hưng phấn ảo, giống như cảm giác phê ma túy.

Có lẽ vì tác dụng của chúng gây ảo giác giống một số chất ma tuý tổng hợp nhưng nó lại không được xem là ma tuý, không bị cấm nên shisha, “bóng cười” đang trở thành trào lưu ưa thích của 1 bộ phận giới trẻ thành Vinh thích ăn chơi, đua đòi trong thời gian gần đây. Mặc dù theo quy định của pháp luật, shisha hay N2O đều không nằm trong danh mục hóa chất đặc biệt cần quản lý nghiêm ngặt, không phải chất ma túy, nhưng dưới góc nhìn của các nhà khoa học và cả trên thực tế thì bản chất của chúng là 1 thú chơi có thể gây nghiện và gây hại cho sức khỏe.

Ngăn chặn shisha, “bóng cười” cần có sự chung tay vào cuộc

Trước những tác hại cũng như hiện tượng bày bán shisha, “bóng cười” công khai trên địa bàn, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã có công văn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương vào cuộc, đặc biệt là sự phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát PCCC, tăng cường kiểm tra, phát hiện các điểm bán khí N2O để có biện pháp xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, được biết, theo Công ước quốc tế về ma túy, shisha hoặc chất N2O chưa được xếp vào danh mục tiền chất hay chất gây nghiện tương tự ma túy, cho nên rất khó trong việc xử lý. Do đó, ngoài việc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở, quán bar, quán cà phê bán “bóng cười” về quy định an toàn PCCC, mua bán hàng hoá hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường tuyên truyền về tác hại của “bóng cười” để các thanh, thiếu niên tránh xa.

Tại TP Vinh, theo ghi nhận của phóng viên, đã xuất hiện việc bán công khai shisha, “bóng cười” tại một số quán bar, karaokê cà phê trong thời gian qua như Bar di động Like, Viktor the Pub… Bên cạnh đó, tình hình tội phạm ma tuý trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là tình trạng tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma tuý tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, các sự kiện lễ hội có đông người tham gia, các cơ sở lưu trú, nơi công cộng… có chiều hướng gia tăng. Cùng với đó, tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên sử dụng một số chất mới có độc tính cao, có tác dụng kích thích, gây ảo giác nhưng chưa được quy định trong danh mục chất ma tuý hoặc chất cấm do Chính phủ ban hành như shisha, “bóng cười”…

Trước tình trạng trên, Công an TP Vinh đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; chỉ đạo các đội nghiệp vụ, Công an các phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi đến quần chúng nhân dân, nhất là bộ phận giới trẻ, học sinh, sinh viên trên địa bàn về tác hại của việc sử dụng shisha cũng như khí N2O. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với các lực lượng chức năng quyết liệt vào cuộc để xử lý nghiêm, bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Điển hình, hồi 21 giờ 30 phút ngày 29/10, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP Vinh nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, tại quán Viktor the Pub thuộc khối 1, phường Trường Thi có hoạt động kinh doanh mua bán  khí N2O (tức “bóng cười”) không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (SN 2000) trú tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn đang bán “bóng cười” cho khách. Được biết, Hoa chính là nhân viên phục vụ của quán này. Kiểm tra khu vực quán Viktor the Pub, Tổ công tác phát hiện 11 bình khí loại lớn chứa khí N2O. Tại thời điểm kiểm tra, quản lý của quán không xuất trình được giấy phép kinh doanh khí N2O cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của loại hàng hoá thuộc danh mục hạn chế sử dụng trong công nghiệp này.

Đây chỉ là 1 trong những vụ việc liên quan đến phát hiện, xử lý bán “bóng cười” của Công an TP Vinh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, chỉ có thể xử lý ở mức độ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, chính vì vậy mức độ răn đe đối với nguồn “cung” còn hạn chế.

Thiết nghĩ, về lâu dài, cần có chế tài để xử lý nghiêm đối với việc kinh doanh, mua bán cũng như sử dụng các chất độc hại như shisha, “bóng cười” nhằm giúp cơ quan chức năng ngăn chặn tận gốc việc lan truyền các dạng chất độc hại trong xã hội… Còn hiện tại, việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh shisha, “bóng cười” rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm “cứu” nhiều bạn trẻ thoát khỏi “cơn nghiện” shisha, “bóng cười” đang có nguy cơ lan rộng trên địa bàn.

Thuỳ Anh

Các tin khác