Cảnh giác

Cẩn trọng chơi facebook: Tài khoản ảo nhưng mất tiền thật

16:18, 14/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Đa phần những người chơi facebook đều cho rằng, đó là môi trường để giao lưu, kết bạn hoặc có thể theo dõi cuộc sống hàng ngày của những người mình yêu quý, nhưng ít ai lường trước được, việc sử dụng facebook có thể khiến người dùng trở thành “miếng mồi” béo bở cho tội phạm…

Giao dịch mua bán trên không gian ảo

Hiện nay, người dùng facebook đã quá quen với việc mua hàng online. Chỉ cần người bán đăng các sản phẩm lên trang cá nhân, hoặc “fan page” là có thể tiếp cận được khách hàng. Việc giao dịch hết sức đơn giản. Khách hàng đặt mua sản phẩm, người bán sẽ thuê vận chuyển hàng tới tay người mua, giao dịch tiền được thực hiện bằng việc chuyển khoản hoặc trực tiếp cho nhân viên giao hàng. Với những tiện ích đó, mua hàng online đang phát triển nở rộ hơn lúc nào hết.

Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi là rủi ro khi giao dịch mua bán online. Người mua rất có thể mua phải sản phẩm lỗi, sản phẩm không như quảng cáo, hoặc thậm chí là hàng giả, hàng “nhái”. Nhưng việc này không nghiêm trọng bằng việc tội phạm lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Không ít người đã mất một số tiền rất lớn khi mua hàng online
Không ít người đã mất một số tiền rất lớn khi mua hàng online

Vì không gian ảo nên có thể xuất hiện những trang cá nhân ảo. Người mua hoàn toàn không biết họ là ai nhưng vì tin tưởng nên đặt mua những sản phẩm đắt tiền. Với những sản phẩm có giá trị cao, người bán sẽ yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản. Và rồi… tiền mất mà hàng thì chẳng thấy đâu.

Hoặc có những trường hợp khách hàng mua nhiều loại mặt hàng như điện thoại di động, máy tính xách tay, túi xách… với số lượng lớn. Ban đầu, các đối tượng có thể thực hiện đúng như giao ước. Sau khi lấy được lòng tin của người mua, tội phạm lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển số tiền lớn, có khi lên đến cả tỉ đồng rồi “ôm” tiền chạy mất. Facebook là ảo mà bỗng nhiên người mua mất tiền thật.

Tự nhiên… trúng thưởng

Thêm một trường hợp người dùng facebook bị lừa, đó chính là những tin nhắn thông báo trúng thưởng. Thủ đoạn của các đối tượng là tạo lập các website với mã nguồn có sẵn trên mạng internet có nội dung của một chương trình mở thưởng. Sau đó, chúng gửi tới trang cá nhân của người dùng, yêu cầu nhập dữ liệu cá nhân để lấy lòng tin của bị hại.

Phần thưởng đưa ra là những chiếc xe máy đắt tiền. Để lấy phần thưởng, chúng yêu cầu bị hại chuyển khoản thanh toán các loại phí như phí trước bạ, phí vận chuyển, nộp thuế…

Bằng cách thức này, nhiều người đã trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Hacker tấn công facebook trong vai trò người thân

Cho đến nay, có rất nhiều trường hợp facebook cá nhân bị hacker tấn công. Sau đó sử dụng tài khoản cá nhân đó tìm hiểu các mối quan hệ quanh chủ sở hữu cũ rồi gửi tin nhắn vay tiền.

Không ít người đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo.

Mặc dù số tiền chiếm đoạt bằng thủ đoạn này không nhiều, nhưng hành vi này gây bức xúc cho người dùng mạng xã hội.

Cẩn trọng khi sử dụng facebook

Trao đổi với PV ANTĐ, Thượng tá Hà Thị Hằng – Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết:

Đối với trường hợp khách hàng mua sắm online, người mua hàng cần truy cập vào các trang web chính thống của các công ty thương mại điện tử có tick xanh (website được đảm bảo).

Nếu mua của cá nhân thì phải là người quen, thân, có uy tín. Bản thân người mua phải biết rõ chủ nhân của trang facebook, tên, tuổi, địa chỉ của người này để nếu có sai sót có thể đổi trả hàng, tránh việc bị lừa đảo mua hàng không đúng như quảng cáo.

Cẩn trọng khi thấy những thông tin trúng thưởng được gửi đến
Cẩn trọng khi thấy những thông tin trúng thưởng được gửi đến

Ngoài ra, đề nghị người mua hàng cần giữ lại toàn bộ các tin nhắn trao đổi mua bán hai bên, đặc biệt là các số điện thoại, hoặc số tài khoản ngân hàng mà các đối tượng cung cấp, để nếu có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an có căn cứ để điều tra, xác minh. 

Trong trường hợp có thông báo trúng thưởng, Thượng tá Hà Thị Hằng khẳng định: các cơ quan chức năng không bao giờ làm việc qua điện thoại, tin nhắn, hoặc yêu cầu nộp các khoản phí, thuê qua tài khoản cá nhân. Nếu khách hàng trúng thưởng, đơn vị mở thưởng sẽ yêu cầu đến làm việc trực tiếp, khi nộp sẽ có biên lai thu tiền. Do vậy, người dùng mạng xã hội hết sức cẩn trọng khi thấy những thông tin này.

Cũng theo Thượng Tá Hằng, khi nhận được thông tin trúng thưởng bằng bất cứ hình thức nào thì phải gọi điện lại cho đơn vị mở thưởng xác nhận, không gọi vào số điện thoại mà các đối tượng cung cấp. Bên cạnh đó, khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng, tránh việc bị tấn công tài khoản cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội.

Khi xảy ra tình trạng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần phải báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời tiếp nhận thông tin, đồng thời chụp lại toàn bộ màn hình các tin nhắn, nội dung email và số tài khoản các đối tượng cung cấp để cơ quan chức năng có căn cứ điều tra.

Nguồn: Báo An ninh Thủ đô

Các tin khác