Thời gian gần đây, xảy ra hiện tượng một số đối tượng mạo danh cán bộ của cơ quan Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cơ quan T.Ư và địa phương, mạo danh thân nhân của các lãnh đạo để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo trục lợi. Thủ đoạn phổ biến nhất là "chạy" dự án để lừa đảo, vay nợ rồi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dưới hình thức mạo danh đã và đang có những diễn biến phức tạp, gây hậu quả không chỉ cho bị hại mà còn làm xáo động dư luận xã hội. Điều đáng nói là việc phòng ngừa nghiệp vụ đối với loại tội phạm này không dễ dàng, vì vậy mỗi người dân cần chủ động cảnh giác.
Đặc thù của loại tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” này là kẻ gian thường mạo danh cán bộ công quyền, người nhà lãnh đạo, khoe khoang có nhiều mối quan hệ thân thiết với những người có chức, có quyền. Sau màn “tự giới thiệu” là việc gợi ý có thể lo giải quyết những việc khó, chủ yếu trong các lĩnh vực như xin việc, “chạy” chức, “chạy” dự án, “chạy” án.
Thông thường, Công an không thể phát hiện tội phạm vì trong quá trình giao dịch, cả đối tượng lẫn nạn nhân đều chủ động che giấu. Phía tội phạm đương nhiên không muốn nhiều người biết, thậm chí còn chủ động dùng thủ đoạn khiến nạn nhân thấy việc “chạy” là kín đáo, là ưu tiên riêng. Nạn nhân cũng không muốn nhiều người biết về việc bỏ tiền ra để “chạy”, sợ mang tiếng, hỏng việc. Khi tiền đã mất mà không được việc, nạn nhân mới đến trình báo công an. Lúc này, hoặc là tội phạm đã “cao chạy xa bay” hoặc tài sản đã bị tẩu tán, tiêu dùng cá nhân, khó thu hồi được.
Một điều đáng nói nữa là nạn nhân trong các vụ lừa đảo có tính chất mạo danh cũng rất đa dạng. Không chỉ người có trình độ hiểu biết thấp mới bị lừa. Nhiều cá nhân là cán bộ nhà nước, là chủ doanh nghiệp cũng dễ dàng rơi vào “bẫy”. Sở dĩ vẫn có tình trạng như trên là do còn tồn tại tâm lý “chạy” ở một bộ phận không nhỏ người dân. Những người này tiếp nhận thông tin thất thiệt về những hiện tượng tiêu cực trong bộ máy công quyền nhưng không tỉnh táo, nên khi bị kẻ gian hứa hẹn “chạy” được là tin ngay, không thẩm tra, xác minh.
Do đặc thù trên của các vụ lừa đảo mạo danh, cơ quan công an hầu như không thể tổ chức chuyên đề phát hiện sớm, phòng ngừa, ngăn chặn bằng nghiệp vụ. Việc hạn chế loại tội phạm này phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân.
Bấm play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh.