Được gọi điện mời đi spa, trải nghiệm sản phẩm mới miễn phí, với những liệu trình làm đẹp hiện đại nhất, tiên tiến nhất, sau đó được nhân viên tư vấn mời mua một bộ mĩ phẩm không rõ tên tuổi, thương hiệu với giá vài chục triệu, trả tiền luôn, hoặc trả góp… không ít khách rơi vào hoàn cảnh bị “khủng bố tiếp thị” từ trung tâm spa, thẩm mỹ viện…
Thế nhưng không phải ai cũng tỉnh táo từ chối những lời mời hấp dẫn từ các trung tâm thẩm mỹ viện làm đẹp. Nhiều người vì hai chữ “miễn phí” mà ngay lập tức đồng ý đến trung tâm thẩm mỹ để làm đẹp, rồi phải ngậm “trái đắng”.
Khi xã hội phát triển, đời sống được nâng cao, nhiều chị em phụ nữ có điều kiện, thời gian để đi làm đẹp. Đáp ứng nhu cầu đó, nhiều dịch vụ làm đẹp, spa từ vip đến bình dân được mở ra. Không chỉ tận dụng mạng xã hội để quảng bá, nhiều trung tâm còn sử dụng chiêu bài cho nhân viên gọi điện, mời mọc đi spa miễn phí, gây phiền nhiễu cho nhiều người.
Chia sẻ bức xúc với phóng viên, chị T.X.M (Láng Hạ, Đống Đa) cho hay: “Không hiểu làm sao họ biết số mình, một ngày có đến cả chục cuộc gọi chăm sóc khách hàng, nào là bảo hiểm, nào là ngân hàng, nào là spa… Nhiều nhất là spa, toàn nghe cái tên lạ hoắc, rồi lại bảo chị được miễn phí nọ kia tại trung tâm spa… Mình chối suốt, lại còn cố tình mời, nếu chị không đi chị có thể nhường lại hoặc giới thiệu cho ai đấy. Nhiều lúc bực mình còn cáu bảo từ sau đừng gọi lại nữa rồi cúp máy”.
Tương tự như trường hợp của chị M, chị Đ.G (Kim Liên, Hà Nội) cũng nhiều lần bị gọi điện mời chào đi spa, mua bảo hiểm… Có lần chị không buồn nghe, tắt luôn điện thoại nhưng cũng không ít lần chị cố tình trả lời vòng vo thật lâu để trêu nhân viên và “câu tiền” điện thoại.
Thận trọng với mọi lời chào mời spa miễn phí hoặc giảm giá. |
Không ít người rơi vào hoàn cảnh bị “khủng bố tiếp thị” từ các ngân hàng, bảo hiểm, trung tâm spa, thẩm mỹ viện… Thế nhưng không phải ai cũng tỉnh táo từ chối những lời mời hấp dẫn từ các trung tâm, thẩm mỹ viện làm đẹp. Nhiều người vì hai chữ “miễn phí” mà ngay lập tức đồng ý đến trung tâm thẩm mỹ để làm đẹp, rồi phải ngậm “trái đắng”.
Như trường hợp của chị T.T.H (Thường Tín, Hà Nội) được một nhân viên trung tâm thẩm mỹ gọi điện và thông báo, chị được tặng một buổi chăm sóc miễn phí da mặt tại trung tâm và hẹn ngày giờ cụ thể mời chị đến để trải nghiệm.
Bán tín bán nghi, chị có hỏi đi hỏi lại, nhưng nhân viên này cho biết, chị được mời đến để trải nghiệm, công ty không phải bán hàng đa cấp cũng không ép mua sản phẩm nào. Nếu chị thích sử dụng sản phẩm của công ty, chị có thể mua về tiếp tục sử dụng, còn không chị vẫn được tặng một buổi chăm sóc da miễn phí. Bùi tai, chị H. đồng ý và hẹn ngày đến trải nghiệm.
Sau gần một tiếng tẩy trang, rửa mặt, mát xa, xông hơi da mặt, chị thấy mặt mình trắng sáng hẳn lên. Lúc này, nhân viên ra sức quảng cáo giá trị, chất lượng của bộ sản phẩm và khuyên chị ở độ tuổi này nên có một bộ sản phẩm này để chăm sóc da thường xuyên, chống lão hóa.
Bộ sản phẩm chăm sóc da mặt này có giá hơn 40 triệu đồng, tuy nhiên vì chị đã đến trải nghiệm dịch vụ tại trung tâm nên nếu mua chị sẽ được khuyến mại giảm giá còn gần 40 triệu và hỗ trợ trả góp trong vòng một năm với lãi suất thấp, hàng tháng chỉ trả một khoản tiền nhỏ. Thấy nhân viên giới thiệu nhiệt tình, hết lời ca ngợi giá trị của sản phẩm nên khi họ đưa hợp đồng mua bán ra chị đã không ngần ngại kí vào những chỗ họ yêu cầu mà không đọc kỹ nội dung của hợp đồng.
Tuy nhiên khi về nhà, ngồi nghiên cứu, tìm hiểu sản phẩm và nghe lời khuyên của mọi người, thấy tên mỹ phẩm lạ và giá lại quá đắt so với thông tin trên mạng cũng như tình hình tài chính của gia đình nên chị gọi điện đến trung tâm xin được trả lại sản phẩm. Nhân viên trung tâm đồng ý và hẹn ngày giờ.
Đúng ngày hẹn, chị mang sản phẩm đến công ty nhưng khi đến nơi, nhân viên lại từ chối nhận sản phẩm vì cho rằng chị đã ký hợp đồng mua bán, trừ khi chị tìm được người khác thế chỗ và mua lại hàng cho chị. Thế nhưng với giá đắt như vậy chị không thể mời mọc, bán lại cho ai. Chị đành ngậm đắng nuốt cay mang bộ sản phẩm về và lo lắng khi số tiền phải trả góp quá lớn trong vòng 1 năm.
Điều đáng nói là khi về nhà sử dụng thử sản phẩm một thời gian, mặt chị dị ứng, nổi mụn ngứa ngáy vì không hợp. Chị đành ngậm ngùi bỏ sản phẩm không dám dùng, trong khi lòng vẫn như lửa đốt khi nghĩ đến khoản tiền gần 40 triệu đồng phải trả sắp tới.
Lực lượng chức năng thu giữ mỹ phẩm giả. |
Trường hợp chị T.G (Đông Anh, Hà Nội) cũng vậy. Sau lời mời chào của nhân viên một trung tâm spa, chị cũng đến trải nghiệm miễn phí và mua cho mình sản phẩm tắm trắng và dưỡng da hơn 10 triệu đồng, nghe nói là thương hiệu đến từ Hàn Quốc. Thế nhưng về nhà sử dụng một thời gian, da chị càng nổi mụn nhiều hơn, ngứa ngáy, khó chịu, chị đành phải bỏ đi.
Hiện nay khi công nghệ phát triển và để thu hút khách hàng, không ít công ty liên kết với các ngân hàng cho khách hàng trả góp khi mua bất kì sản phẩm nào. Các công ty mỹ phẩm cũng không nằm ngoài chiêu đó. Đó là điều thuận lợi cho những khách hàng chưa có điều kiện trả tiền mua sản phẩm một lúc. Thế nhưng với nhiều khách thì đó lại là điều rắc rối.
Theo phản ánh của chị N.T.T thì chị được mời đến một trung tâm chăm sóc sắc đẹp để chăm sóc da mặt miễn phí. Sau khi ra về vào tối cùng ngày, chị đã trở thành con nợ của một ngân hàng với số tiền 40 triệu đồng và món nợ này sẽ được trả dần trong 24 tháng.
Chị T. bức xúc cho hay, khi đến trung tâm, nhân viên yêu cầu chị để chứng minh thư ở quầy lễ tân. Chị nghĩ đơn giản là làm thủ tục cho khách hàng nên để lại và theo nhân viên vào phòng matxa.
Sau khi chăm sóc xong da mặt, chị được nhân viên tư vấn mua mỹ phẩm trả góp, trị giá bộ mỹ phẩm là 40 triệu đồng, nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép nên chị từ chối. Thế nhưng nhân viên tiếp tục thuyết phục rằng chị sẽ được vay tín chấp từ ngân hàng nọ với lãi suất 0% trong vòng 2 năm.
Để tăng độ tin cậy, họ đưa một bản hợp đồng vay tín chấp đã có sẵn của ngân hàng kia, trong đó đã ghi sẵn mức lương của chị là 10 triệu đồng, nhưng khi chị thắc mắc rằng, chị chỉ ở nhà buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ thì nhân viên giải thích, chỉ để cho đúng thủ tục làm hồ sơ vay vốn.
Nghe hợp lý nên chị đồng ý ký vào hợp đồng vay tín chấp của ngân hàng nọ. Như vậy theo hồ sơ vay tiền của chị thì hàng tháng chị phải trả ngân hàng gần 1,7 triệu đồng.
Điều chị thắc mắc là tại sao chị có thể vay tín chấp một cách dễ dàng, nhanh chóng như thế, trong khi để vay vốn ngân hàng, người vay sẽ phải trải qua nhiều khâu thẩm định, xác minh cụ thể như thu nhập của người vay, địa chỉ, xác nhận của cơ quan mà người vay làm việc. Và nếu tính ra thì số tiền chị phải trả cho ngân hàng hàng tháng nếu nhân 24 tháng sẽ bằng đúng với số tiền mua mĩ phẩm của chị.
Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường. |
Khá nhiều trường hợp như chị H., chị T… vì tin vào lời mời mọc, quảng cáo của nhân viên tư vấn mà tìm đến các trung tâm thẩm mỹ, làm đẹp để chăm sóc da miễn phí và không ngần ngại bỏ tiền mua mĩ phẩm giá cao.
Theo chị H. thì ngày chị đến trả mỹ phẩm cũng có vài người đến xin trả lại như chị, nhưng điều đặc biệt là mỗi người lại mua một giá khác nhau. Có người mua hơn 20 triệu, có người mua gần 30 triệu. Đem thắc mắc hỏi nhân viên tư vấn thì họ chỉ giải đáp qua loa rằng tùy vào thời điểm khuyến mãi khác nhau mà sản phẩm có giá trị khác nhau, ngoài ra họ từ chối tất cả mọi thắc mắc cũng như đề nghị trả hàng của những người mua.
Đánh vào tâm lý muốn làm đẹp của chị em nên hiện nay khá nhiều trung tâm thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp được mở ra và sử dụng chiêu bài mời đến trải nghiệm miễn phí, sau đó mời mọc mua mĩ phẩm giá cao.
Với những phân tích, mời chào ngọt như mật, không ít khách hàng nhẹ dạ cả tin mà đồng ý ký hợp đồng mua bán mỹ phẩm giá cao của công ty mà không tìm hiểu, xem xét kĩ lưỡng quy trình, thủ tục trả góp cũng như thông tin, giá trị của sản phẩm.
Hiện nay tình trạng buôn bán mỹ phẩm đang tràn lan trên thị trường, trong khi nhiều cơ sở làm đẹp mở ra lại giới thiệu, quảng cáo những sản phẩm có thương hiệu rất lạ nên càng cần sự cảnh giác, tỉnh táo của khách hàng. Bởi bỏ một số tiền lớn ra mua một bộ sản phẩm mới mà không biết có thực sự phù hợp với da mình hay không và là hàng thật hay hàng giả thì quả thật rất đáng lo ngại.