(Congannghean.vn)-Thời gian qua, ngư dân các vùng biển trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hàng tỉ đồng để nâng cấp, đóng mới tàu thuyền công suất lớn với mong muốn sau mỗi chuyến ra khơi tôm cá sẽ đầy khoang. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn lao động và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) vẫn còn bị ngư dân xem nhẹ.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 tuyên truyền về PCCC cho ngư dân ở cảng Cửa Hội |
Vào khoảng 13 giờ ngày 8/3, tàu cá mang số hiệu NS 99426 của anh Hồ Văn Hoàn trú tại khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai đang đậu tại cảng Lạch Cờn bất ngờ bốc cháy. Phát hiện tàu cá bị cháy, chủ tàu và nhiều ngư dân gần đó đã múc nước dập lửa. Gần 15 phút sau, ngọn lửa được khống chế, tuy nhiên chiếc tàu đã bị hư hỏng nặng.
Tại các xã như Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải… của huyện Quỳnh Lưu, hàng năm xảy ra nhiều vụ cháy tàu, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của ngư dân. Điển hình như vụ tàu cá gần 7 tỉ đồng bốc cháy trên biển, 12 ngư dân thoát chết xảy ra cách đây hơn 1 năm.
Theo đó, vào khoảng 24 giờ ngày 6/3/2016, tàu cá mang số hiệu NA 9051TS của anh Bùi Tam trú tại Quỳnh Nghĩa đang đánh bắt hải sản tại vùng biển Quảng Bình thì bất ngờ khói bốc lên ở dưới khoang tàu. Phát hiện cháy, 12 ngư dân đã tìm cách dập lửa. Tuy nhiên, do phía dưới khoang tàu diện tích chật hẹp, khói bốc lên ngùn ngụt, đám cháy lan nhanh ra khắp khoang tàu. Rất may, 12 thuyền viên đã được những chiếc tàu đánh bắt gần đó kịp thời ứng cứu, đưa sang tàu khác an toàn. Theo thuyền trưởng Bùi Tam, nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do tụ máy phát điện ở dưới khoang tàu bị chập.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ cháy nổ tàu thuyền xảy ra trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Nghệ An, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thực tế, với hành trình đi biển dài ngày, mỗi chiếc tàu được ví như một ngôi nhà thu nhỏ. Trên tàu được trang bị đầy đủ các đồ dùng, vật dụng sinh hoạt. Thế nhưng, công tác phòng, chống cháy nổ trên tàu thuyền chưa thực sự được các chủ tàu và thuyền viên quan tâm. Từ việc sử dụng bếp gas đun nấu trong sinh hoạt đến cách bố trí đường dây điện, hệ thống ánh sáng và hệ thống máy phát điện sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao… Hầu hết, các vụ nổ xảy ra trên các tàu, thuyền là do chập điện.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 2, Cảnh sát PC&CC Nghệ An cho biết: Mặc dù đã được tuyên truyền cũng như đẩy mạnh công tác kiểm tra và hướng dẫn ngư dân về cách phòng, chống cháy nổ trên các tàu thuyền nhưng ý thức của các ngư dân còn có nhiều hạn chế, đa số các chủ tàu thuyền chủ quan, lơ là, tại một số nơi chưa được tập huấn về PCCC. Trừ những tàu đánh bắt xa bờ, còn lại các tàu không trang bị thiết bị chữa cháy tại chỗ hoặc có trang bị nhưng ngư dân không biết sử dụng hay không đảm bảo chất lượng dẫn đến thiệt hại về tài sản và tính mạng khi sự cố xảy ra…
Một điều trăn trở hiện nay là với các tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi, khi gặp sự cố cháy nổ rất khó tiếp cận cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Hơn nữa, phương tiện, trang thiết bị tại chỗ hạn chế, tàu chữa cháy không có nên chủ yếu là nhờ ứng cứu từ các tàu thuyền gần đó.
Thiết nghĩ, để hạn chế những vụ cháy nổ trên tàu thuyền thì hơn ai hết, chính mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, đầu tư các dụng cụ, phương tiện PCCC&CNCH; đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về PCCC cho chủ tàu. Song song với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các tàu thuyền không thực hiện nghiêm túc việc trang bị các thiết bị PCCC…