(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, tại nhiều vùng nông thôn, lợi dụng các hội nghị giới thiệu sản phẩm và tri ân khách hàng, nhiều công ty đã bán cho người dân nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc với giá cao ngất ngưởng mà chưa được các cơ quan chức năng cho phép.
Từ lừa đảo tiền triệu…
Ngày 25/3, Công an huyện Hưng Nguyên đã yêu cầu một nhóm người của Công ty TNHH Thương mại và Ứng dụng Việt Nam (Tabico), có trụ tại ngõ 17 Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội rời khỏi địa bàn vì tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.
Giấy mời chung chung và chiêu bán hàng giá cao kèm khuyến mãi ngất ngưởng của Công ty Tabico tại huyện Hưng Nguyên |
Cụ thể, vào chiều 25/3, tại nhà văn hóa thôn 8 và thôn 9 xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, một nhóm người tự xưng là nhân viên Công ty Tabico đi giới thiệu sản phẩm thương hiệu TABICO do Công ty sản xuất và bán ra thị trường. Tại đây, các nhân viên lấy danh nghĩa tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm cho bà con nhưng thực chất là để bán hàng.
Nhóm người này đã mang các sản phẩm gồm đèn Led tích điện, dao chặt Hàn Quốc và nồi áp suất đa năng nhãn hiệu TABICO giới thiệu với người dân, sau đó để chào hàng. Đầu tiên, để tạo lòng tin cho người dân, các nhân viên đã bán ra 2 sản phẩm là đèn tích điện và dao chặt Hàn Quốc với giá lần lượt là 100.000 đồng và 150.000 đồng. Sau đó, họ phát cho những người nhanh tay mua hàng 1 phiếu quà tặng. Người có phiếu sẽ được đổi lại bằng những phong bì bên trong là số tiền 100.000 đồng và 200.000 đồng.
Mua hàng được quà cao hơn giá trị số tiền bỏ ra đã khiến không ít người chậm chân hoặc đang dè dặt phải ngậm ngùi tiếc nuối. Nắm được tâm lý này, các nhân viên tiếp tục tung ra mặt hàng có giá thành khá cao nhưng quà tặng cũng có giá trị lớn. Sản phẩm nồi cơm điện TABICO được các nhân viên đưa ra chào bán với mức giá 2,7 triệu đồng (giá thị trường khoảng 1 triệu đồng) nhưng kèm theo phiếu quà tặng tới 1 triệu đồng, số tiền này sẽ được trừ trực tiếp vào sản phẩm.
Các nhân viên nói giá ưu đãi có hạn và yêu cầu người mua phải đặt sẵn số tiền 1,7 triệu đồng ra thì họ mới phát phiếu và được mua. Do thiếu hiểu biết, lại thấy quà tặng có giá trị cao nên đã có không ít người đặt hàng. Nhận được tin báo của người dân, Công an huyện Hưng Nguyên đã có mặt và yêu cầu nhóm người này tạm dừng việc bán hàng và kiểm tra giấy phép tổ chức hội nghị, chào bán sản phẩm nhưng họ đã không xuất trình được. Vì thế, lực lượng Công an đã yêu cầu nhóm người rời khỏi địa bàn, đồng thời giải thích với người dân.
Cũng với thủ đoạn tương tự, trước đó, vào ngày 19/3, UBND xã Mã Thành, huyện Yên Thành đã ra quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với một nhóm người của Công ty Vinaco khi tổ chức tri ân, bán hàng với giá cao ngất ngưởng trên địa bàn xã này.
Chiêu trò dùng quà khuyến mãi hấp dẫn để bán các sản phẩm cho người dân với giá “cắt cổ” không còn xa lạ, thế nhưng vẫn có không ít người bị mắc bẫy. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết của những người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, các công ty bán hàng đa cấp đã bán cho họ những sản phẩm có chất lượng thấp nhưng giá “trên trời”. Chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, những sản phẩm này sẽ bị hư hỏng và lúc này người dân chỉ còn biết tự trách mình.
… Đến lừa đảo hàng tỉ đồng
Dù cho các cơ quan chức năng, phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa ra cảnh báo về các chiêu trò của công ty bán hàng đa cấp, thế nhưng chỉ vì hám lợi mà nhiều người đã mất đi số tiền lên đến hàng tỉ đồng.
Những ngày gần đây, nhiều người dân ở huyện Diễn Châu mất ăn mất ngủ bởi “tự dưng” bị mất số tiền quá lớn. Khoảng giữa tháng 9/2015, chị Cao Thị Thảo trú tại xã Diễn Tân được ông Hoàng Văn Ngọc, tự giới thiệu là Giám đốc khu vực miền Trung của Công ty TNHH quảng cáo trực tuyến DDB (Công ty DDB) mời tham gia đầu tư vào Công ty này. Sau khi mua 2 gói trong chương trình click với giá 24 triệu đồng, chị Thảo được công ty cấp 2 tặng chiếc USB để click vào các biểu tượng web hiển thị trên một chương trình có sẵn. Chỉ mất khoảng hơn 40 phút mỗi ngày để click chuột, sau hơn 1 năm, chị Thảo đã thu lại tổng cộng 42 triệu đồng cả vốn lẫn lãi.
Sau khi thấy “cá cắn câu”, nhân viên Công ty DDB đã mời chào chị Thảo bỏ tiền tham gia các chương trình Hỗ trợ viên, Nuôi trồng chương chi, Đông sự và cổ đông của Công ty với số tiền khoảng 760 triệu đồng, với cam kết mỗi tháng chị này sẽ nhận được 47 triệu đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, từ ngày 20/1/2017 đến nay, các trang web của Công ty DDB không còn truy cập được, không thanh toán tiền lợi nhuận hàng tháng cho chị mà chị chẳng biết tìm ai để đòi lại tiền.
Khi tìm đến người đã giới thiệu chị thì ông Ngọc thừa nhận đã trực tiếp vận động chị Thảo cùng với nhiều người tham gia vào Công ty DDB nhưng chỉ với vai trò là người “đi trước” chứ không phải giám đốc khu vực miền Trung. Được biết, sau khi DDB đột ngột biến mất, ông Ngọc đã nhận ra dấu hiệu lừa đảo nên đã tập hợp đơn tố cáo của 144 người đã đầu tư vào Công ty này tổng số tiền hàng chục tỉ đồng gửi đến các cơ quan chức năng.
Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều bài học đắt giá và đau lòng về kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn, miền núi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con cũng như đánh vào tâm lý thích của rẻ, nhiều khuyến mãi, các đối tượng đã lén lút tổ chức nhiều chương trình bán hàng theo hình thức đa cấp, để lại hậu quả vô cùng lớn. Để ngăn chặn tình trạng này, thiết nghĩ cơ quan chức năng, đặc biệt là bộ máy chính quyền cấp cơ sở cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác, phòng ngừa để qua đó, khuyến cáo bà con nhân dân cần tỉnh táo trước những chiêu trò này.