Đặng Văn Đăng nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Dasama đã có hành vi trực tiếp hoặc thông qua người quen giới thiệu với một số hộ gia đình trong diện bị thu hồi đất là có quan hệ quen biết với các cơ quan có thẩm quyền, có thể xin tăng diện tích được cấp đất định cư và tăng tiền đền bù đất bị thu hồi cho họ...
Đặng Văn Đăng Tổng Giám đốc Công ty Dasama tại phiên tòa. |
Năm 2010, lợi dụng việc UBND quận Long Biên ra quyết định thu hồi đất để giải phóng mặt bằng làm đường Ngô Gia Tự (đoạn cầu chui Gia Lâm đến cầu Đuống), Đặng Văn Đăng (41 tuổi, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội,) là Tổng Giám đốc Công ty Dasama đã có hành vi trực tiếp hoặc thông qua người quen giới thiệu với một số hộ gia đình trong diện bị thu hồi đất là có quan hệ quen biết với các cơ quan có thẩm quyền, có thể xin tăng diện tích được cấp đất định cư và tăng tiền đền bù đất bị thu hồi cho họ.
Hai gia đình đã đưa tiền để nhờ Đăng giúp đỡ và bị đối tượng này chiếm đoạt. Gia đình ông Nguyễn Hữu Nhạ, ở phường Giang Biên bị thu hồi 192,8m2 đất. Hội đồng giải phóng mặt bằng quận cấp cho gia đình ông 90m2 đất tái định cư. Do quen biết ông Nhạ, Đăng hứa sẽ xin thêm diện tích đất tái định cư. Đổi lại, ông Nhạ phải đưa cho Đăng số tiền 2 tỷ đồng để cảm ơn những người có thẩm quyền giúp đỡ. Ông Nhạ đồng ý và đưa tiền cho Đăng.
Nhưng đến ngày hẹn, Đăng không thực hiện được như đã hứa. Khi ông Nhạ đòi tiền, Đăng nói là đã đưa số tiền đó cho những người có thẩm quyền và động viên ông tiếp tục chờ đợi để được giải quyết. Ông Nhạ làm đơn khiếu nại gửi UBND TP Hà Nội. Tháng 5- 2012, UBND quận Long Biên có quyết định cấp thêm 30m2 đất tái định cư cho gia đình ông theo quy định. Biết rõ việc cấp thêm đất không phải do tác động từ Đăng nên ông Nhạ đòi tiền nhưng Đăng chỉ hoàn trả cho ông 1 tỷ đồng.
Nạn nhân thứ hai của Đăng là bà Nguyễn Thị Ngọc, ở phường Đức Giang. Tháng 8-2010, UBND quận Long Biên ra quyết định thu hồi của gia đình bà Ngọc 100m2 đất để làm đường Ngô Gia Tự. Hội đồng giải phóng mặt bằng quận cấp trả cho gia đình bà 79m² đất tái định cư. Thông qua ông Nhạ, Đăng gặp và hứa hẹn sẽ xin được thêm cho bà Ngọc 40m² đất tái định cư.
Ngoài ra, Đăng còn hứa hẹn sẽ xin được cho gia đình bà tăng mức tiền đền bù từ 16 triệu đồng/m² thành 32 triệu đồng/m². Đổi lại, bà Ngọc phải đưa cho Đăng 1,7 tỷ đồng để Đăng đi quan hệ với cơ quan có thẩm quyền. Đến hẹn, bà Ngọc hỏi thì Đăng tìm cách khất lần và không trả lại tiền cho bà. Khi bà Ngọc làm đơn và được Hội đồng giải phóng mặt bặng quận Long Biên đền bù thêm 28m2 đất theo quy định. Biết rõ Đăng không làm giúp mình được việc gì, bà Ngọc đòi tiền thì Đăng chỉ hoàn trả cho bà số tiền 300 triệu đồng.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Đăng khai, cấp dưới của mình là chị Lê Thị Hồng Dưỡng, Giám đốc điều hành Công ty Dasama nhận tiền và cam kết xin thêm diện tích đất tái định cư cho ông Nhạ và bà Ngọc. “Chị Dưỡng trực tiếp đi gặp gỡ người có trách nhiệm của Ban Chỉ đạo bồi thường giải phóng thành phố Hà Nội và Ban Chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng quận để lo các thủ tục. Việc chị Dưỡng nhận tiền của ông Nhạ và bà Ngọc có ba nhân viên của Công ty Dasama chứng kiến”, bị cáo Đăng khai.
Về phía mình, chị Dưỡng phủ nhận việc nhận tiền của hai bị hại để lo các thủ tục xin thêm đất tái định cư. Ba nhân viên của Công ty Dasama thì khai rằng, không biết và không liên quan gì đến việc làm của bị cáo Đăng và chị Dưỡng. Hai người trong danh sách Ban Chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội và Ban Chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng quận được bị cáo Đăng nêu tên không thừa nhận có quen biết với bị cáo Đăng và chị Dưỡng. Họ khai, không làm thủ tục gì giúp bị cáo Đăng và chị Dưỡng xin cấp thêm đất tái định cư cho ông Nhạ và bà Ngọc.
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Long Biên khẳng định, việc triển khai giải phóng mặt bằng và cấp thêm đất tái định cư cho hộ gia đình ông Nhạ và hộ gia đình và Ngọc là đúng pháp luật. Bị cáo Đăng và chị Dưỡng không có chức năng trong việc tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như việc giao đất tái định cư cho hộ gia đình ông Nhạ và hộ gia đình bà Ngọc.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Đăng đã rõ ràng. Tuy nhiên cần phải xem xét lại vai trò của một số người liên quan đến việc giao và nhận số tiền trên của hai bị hại. Điều này trong hồ sơ vụ án không thể hiện và HĐXX cũng không thể làm rõ ngay được tại phiên xử.
Với nhận định trên, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nhằm làm rõ những tình tiết liên quan đến lời khai của bị cáo Đăng về vai trò của một số người khác trong vụ án này. Trên cơ sở đó, HĐXX mới ra quyết định xử phạt đúng người, đúng tội, đúng pháp luật để tránh bỏ lọt tội phạm.