Thích bắt cóc trẻ con, trẻ sơ sinh
Liên quan đến tình trạng bắt cóc trẻ em khiến dư luân bàng hoàng, những kẻ xấu đã lợi dụng lúc bố mẹ, người thân trong gia đình không cảnh giác để thực hiện hành vi bắt cóc với những thủ đoạn rất tinh vi.
Trước đó, vào ngày 23-6-2015 trên địa xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã xảy ra một vụ mất tích đầy bí ẩn trong rẫy cà phê, nạn nhân là cháu Lương Thế Vương (sinh ngày 20-10-2012). Khoảng 10g 30 cùng ngày, trong lúc chị Lê Thị Yến (36 tuổi) và con gái là Lương Hải Anh (7 tuổi) đi du lịch tại Nha Trang cùng cơ quan, anh Lương Thế Huynh (42 tuổi) chở con trai là cháu Vương đi vào nhà cũ trong rẫy cà phê của gia đình.
Sau khi cho heo và vịt ăn xong, anh Huynh ra ao cá cách nhà khoảng 60 mét để cho cá ăn. Khi cho cá ăn, anh nghe tiếng con khóc và kêu bố cùng tiếng chó sủa inh ỏi nhưng anh nghĩ không có chuyện gì xảy ra nên tiếp tục công việc. Thế nhưng, ít phút sau anh Huynh lại nghe tiếng cháu nhỏ kêu cứu và chó sủa dữ dội hơn nên đã nhanh chân chạy về nhà. Lúc này, anh ngạc nhiên không thấy con đâu, anh Huynh đã chạy khắp vườn tìm và gọi tên con trai nhưng không vẫn không thấy.
Nghi con bị bắt cóc, anh Lương Thế Huynh đã điện thoại gọi và báo cho người thân cùng đi tìm, đồng thời điện lên công an xã báo tin. Đến nay, đã gần 6 tháng trôi qua, thông tin về cháu Lương Thế Vương vẫn bạt vô âm tín.
Cũng liên quan đến vụ bắt cóc trẻ em tại Lâm Đồng, gần đây nhất là vụ bắt cóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi, lợi dụng chị Hà Thị Nha (32 tuổi), thường trú tại 25/16 Nguyễn Hữu Cầu, phường 12, thành phố Đà Lạt đi vệ sinh, một đối tượng lạ mặt đã đột nhập vào nhà bắt cóc con gái của chị.
Theo chị Nha, vào khoảng 11g ngày 14-12-2015 chồng chị là anh Lê Anh Tuấn (31 tuổi) đi ra ngoài có công việc, chị Nha để con gái là cháu Lê Hà Quỳnh Giao nằm trên ghế salon rồi đi vào nhà vệ sinh. Trong lúc đi vệ sinh, chị nghe tiếng có người mở cửa vào nhà nên nghi là trộm.
Chị Nha cho biết: “Nghe tiếng mở cửa tôi cứ nghĩ là trộm, bởi trước đó ở nhà, tôi bị mất điện thoại. Khi bước từ nhà vệ sinh ra, tôi hốt hoảng thấy một người phụ nữ mặc áo khoác màu đen, khoảng 50 tuổi (chị Nha có thể nhận ra đối tượng) vừa ôm con gái tôi vừa nhét thứ gì đó.
Lúc đó tôi chạy tới giành giật con và hỏi bà là ai?. Người phụ nữ bảo bà đang đi xin tiền để giúp đỡ trẻ mồ côi”. Khi thấy trong miệng con có nhiều viên thuốc nhỏ màu đen, chị Nha lo sợ và nghi đây là đối tượng bắt cóc trẻ em. Không thể thuyết phục chị Nha, người phụ nữ này nhanh chân bỏ trốn. Ngoài cổng, có một người đàn ông đi xe Wave xanh đợi sẵn. Do quá hoảng hốt, chị Nha chưa kịp la lên thì hai đối tượng đã chạy mất tích.
Khi thấy con gái 3 tháng tuổi cứng đơ người, trong miệng đang ngậm 6 viên thuốc màu đen chị Nha lo sợ và điện thoại cho người thân trong gia đình đồng thời đưa con đi bệnh viên kiểm tra. Sau đó, chị lên trình báo vụ việc cho công an phường 12. Chị Nha cho biết thêm, cách đây một tuần cũng có một người phụ nữ đến nhà chị, mặt bịt kín khẩu trang, trên tay cầm theo tờ giấy và những tấm hình về trẻ em mồ côi, khuyết tật để xin tiền giúp đỡ.
Cần tăng cường cảnh giác
Chị Bùi Thị Ngà (sn 1975) ở trọ khu Mê Linh, phường 9, thành phố Đà Lạt cũng cho biết: “Gần đây trên địa bàn xuất hiện nhiều người lạ trên tay cầm túi nhỏ, tự ý vào nhà người dân xin tiền hỗ trợ giúp đỡ trẻ mồ côi. Vài tuần trước, một người phụ nữ lạ mặt đến chỗ tôi trọ, xin tiền để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo gì đó.Thấy người ta có tâm, tôi đã cho vài chục ngàn và người này đưa ra một tờ giấy để tôi ký vào nhưng tôi không ký.
Thế nhưng khi để ý tôi thấy người này có gì đó rất lạ, y đứng trước nhà hơn 2 tiếng và nhìn ngang dọc như đang quan sát ai đó. Em dâu tôi cũng đã gặp tình huống như vậy khi đang cùng con gái 6 tuổi ở phòng trọ, và lần này là một người đàn ông”.
Trong những năm gần đây, tình trạng trẻ em bị bắt cóc diễn ra nhiều nơi, ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Tệ nạn buôn bán trẻ em đã trở thành vấn đề nhức nhối khiến dư luận bàng hoàng. Các đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc rất tinh vi và thủ đoạn.
Những đứa trẻ bị bắt cóc phải chịu số phận bất hạnh, bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần. Những vụ án bắt cóc trẻ em luôn là nỗi lo canh cánh trong mỗi gia đình, là vấn nạn của xã hội mà mọi người cần cực lực lên án.
Hiện nay, chuyện trẻ em bị bắt cóc bắt đầu có tính chất phổ biến và báo động. Đối với hành vi bắt cóc có thể xuất hiện ở bất cứ mọi lúc, ở bất kỳ ai, với mọi lứa tuổi với những thủ đoạn tinh vi, manh động.
Qua vụ việc cháu Lương Thế Vương mất tích đầy bí ẩn trong rẫy cà phê và cháu Lê Hà Quỳnh Giao (3 tháng tuổi) may mắn thoát khỏi tay của kẻ bắt cóc, đây là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh, người thân trong gia đình có con em nhỏ cần phải nâng cao ý thức, tăng cường cảnh giác.
Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em được quy định tại Điều 120 BLHS. Theo đó, người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vì động cơ đê hèn; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em; để đưa ra nước ngoài; để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; để sử dụng vào mục đích mại dâm; tái phạm nguy hiểm; gây hậu quả nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt quản chế từ 1 đến 5 năm.