An ninh trật tự
Nữ giám đốc cầm đầu đường dây làm giả giấy tờ đi du học
08:53, 05/01/2021 (GMT+7)
Lợi dụng nhu cầu xuất cảnh sang Nhật Bản du học của nhiều người, Thảo và đồng phạm đã giới thiệu và chủ động gợi ý để làm bằng giả.
Cầm đầu ổ nhóm tội phạm làm giấy tờ giả này này là Cao Thị Thảo, Giám đốc tư vấn Công ty cổ phần Đào tạo và Cung ứng nhân lực Bitoco.
Dù nắm rõ quy định, điều kiện bắt buộc để được xét tuyển du học Nhật Bản nhưng Thảo và 8 bị can trong vụ án vẫn thực hiện hành vi phạm tội. Căn cứ vào hành vi phạm tội, cơ quan điều tra đã hoàn tất hồ sơ, chuyển vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, đề nghị truy tố 9 đối tượng về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Muốn du học, nhờ người làm bằng giả
Các đối tượng gồm: Lê Hồng Nguyên (SN 1980, trú tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm); Trần Thị Phương Lan (SN 1977, trú tại phường Xuân Phương, quận Bắc Nam Từ Liêm); Phương Văn Tiến (SN 1984); Hà Xuân Tâm (SN 1990, cùng trú tại trú tại phường Dữu Lâu, TP Việt Trì); Cao Thị Thảo (SN 1990, trú tại tỉnh Hòa Bình); Đỗ Phương Thảo (SN 1980, trú tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội); Nguyễn Việt Hoàng (SN 1998, trú tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng); Nguyễn Hải Nam (SN 1997, trú tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) và Phan Minh Vũ (SN 1995, trú tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Cuối năm 2019, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Phú Thọ tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm do Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an chuyển đến, vụ việc làm giả bằng tốt nghiệp của Trường trung cấp Bách khoa Yên Bái.
Các đối tượng trong vụ án. |
Sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã chủ động vào hệ thống tin báo tố giác tội phạm; phân công điều tra viên và cán bộ điều tra có kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch điều tra, xác minh, củng cố tài liệu chứng cứ và hành vi vi phạm của các đối tượng trong “đường dây” làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Khi bắt tay vào điều tra vụ án này, các điều tra viên Phòng ANĐT, Công an tỉnh Phú Thọ gặp không ít khó khăn. Trước hết, số lượng bị can và người có liên quan trong vụ án đông; cư trú ở 7 tỉnh, thành phố khác nhau (Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Phú Thọ, Yên Bái)…, nên việc xác minh, truy bắt và củng cố chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, vụ án xảy ra vào đúng 2 đợt giãn cách xã hội do COVID-19 và hậu quả thiên tai do bão lũ ở miền Trung. Cùng với đó, tài liệu, chứng cứ là các văn bằng, chứng chỉ giả được các đối tượng gửi ra nước ngoài nên khó khăn trong công tác truy thu, củng cố tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng.
Việc thực hiện hành vi mua, bán văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, các đối tượng lợi dụng ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, mạng xã hội (ứng dụng Zalo, Facebook); đồng thời hình thành một “đường dây” khép kín, nhiều người trung gian, nhiều đối tượng cùng tham gia, vai trò từng đối tượng là khác nhau. Do vậy, để bóc gỡ được một đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận là hết sức khó khăn và phức tạp.
Việc giao, nhận văn bằng, chứng chỉ giả cho người có nhu cầu, các đối tượng làm giả thường gửi qua bưu điện (gửi COD), khi người mua nhận được văn bằng, chứng chỉ thì mới thanh toán.
Bản thân người mua văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả cũng không biết được đối tượng bán, sản xuất là ai, ở đâu, dẫn đến việc xác minh, truy dấu vết, bắt giữ đối tượng sản xuất, làm giả khó khăn.
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT đã dựng được vai trò của các đối tượng trong vụ án. Trong đó, Cao Thị Thảo, Đỗ Phương Thảo là các đối tượng môi giới làm giả bằng Trung cấp Bách khoa Yên Bái cho các đối tượng khác trong vụ án.
Lợi dụng nhu cầu xuất cảnh sang Nhật Bản du học của các đối tượng nên mặc dù các đối tượng không đủ điều kiện nhưng vẫn tư vấn, giới thiệu và chủ động gợi ý để làm bằng giả cho các đối tượng để đạt được mục đích đưa người đi du học để thu lợi nhuận.
Các đối tượng Hà Xuân Tâm, Phương Văn Tiến, Trần Thị Phương Lan, Lê Hồng Nguyên - các đối tượng trung gian: Lợi dụng các mối quan hệ cá nhân và vì lợi nhuận nên bất chấp việc vi phạm pháp luật tiến hành nhận tiền và môi giới làm văn bằng chứng chỉ giả cho các đối tượng có nhu cầu để thu lợi.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ ngày 16/4, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; ngày 21/4/2020, ra quyết định khởi tố đối với 5 bị can là Cao Thị Thảo; Hà Xuân Tâm; Phương Văn Tiến; Trần Thị Phương Lan và Lê Hồng Nguyên để điều tra về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Ngày 13/8/2020, ra quyết định khởi tố đối với 2 bị can là Đỗ Phương Thảo; Nguyễn Việt Hoàng để điều tra về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; ngày 24/8/2020, ra quyết định khởi tố đối bị can đối với là Nguyễn Hải Nam để điều tra về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; ngày 31/8/2020, ra Quyết định khởi tố đối với bị can đối với Phan Minh Vũ để điều tra về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Từ đây, vụ án đã được điều tra, làm rõ.
Lộ dần các mắt xích
Chưa học xong cấp 3, lại muốn đi du học Nhật Bản và để hợp lý trình độ văn hóa và kiếm tiền nên Phan Minh Vũ và Nguyễn Hải Nam tìm mọi cách để hợp lý hồ sơ, đủ điều kiện đi du học Nhật Bản...
Khoảng đầu năm 2019, Phan Minh Vũ và Nguyễn Hải Nam trao đổi với Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Cung ứng nhân lực Bitoco, để đăng ký du học Nhật Bản. Hằng hướng dẫn Vũ và Nam nộp hồ sơ tại Công ty cổ phần Đào tạo và Cung ứng nhân lực Bitoco và giao cho Cao Thị Thảo (SN 1990, trú tại xã Mông Hóa, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) tiếp nhận hồ sơ tư vấn du học cho Vũ và Nam.
Khi kiểm tra hồ sơ đăng ký du học, Cao Thị Thảo nhận thấy những bất thường của trong bằng tốt nghiệp của Vũ. Khi Cao Thị Thảo gặng hỏi thì Vũ thừa nhận đó là bằng giả mua trên mạng Internet. Đồng thời, Thảo kiểm tra thì phát hiện hồ sơ đăng ký du học của Nam không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông nên đã thông báo cho Vũ, Nam biết họ không đủ điều kiện đi du học.
Một mặt là thế nhưng Cao Thị Thảo vẫn gợi ý Vũ, Nam làm bằng tốt nghiệp trung cấp nghề giả của Trường Trung cấp Bách khoa Yên Bái để đủ điều kiện đi du học Nhật Bản.
Sau khi Vũ và Nam đồng ý, Cao Thị Thảo đã điện thoại cho Tâm để liên hệ mua bằng tốt nghiệp trung cấp nghề giả của Trường Trung cấp Bách Khoa Yên Bái cho Vũ và Nam. Tâm đồng ý và yêu cầu cung cấp thông tin giấy tờ của người có nhu cầu mua bằng giả gồm sơ yếu lý lịch, bản sao giấy khai sinh ảnh, bản photocopy... và số tiền 12 triệu đồng để làm 1 chiếc bằng giả.
Khi giao dịch với Vũ và Nam, Cao Thị Thảo đã tự nâng mức chi phí là 15 triệu đồng/bằng. Phi vụ này trót lọt, Cao Thị Thảo được hưởng lợi 6 triệu đồng. Về phần Hà Xuân Tâm, sau khi nhận tiền của Cao Thị Thảo, Tâm đã liên hệ với Phương Văn Tiến (SN 1984, trú tại phường Dữu Lâu, TP Việt Trì) thỏa thuận làm bằng trung cấp giả cho Vũ và Nam với giá là 10 triệu đồng/bằng và cung cấp các giấy tờ theo yêu cầu của Tâm.
Trong phi vụ này, đối tượng được hưởng lợi 6 triệu đồng. Đối tượng Tiến tiếp tục liên hệ với Trần Thị Phương Lan để làm giả giấy tờ với chi phí là 8 triệu đồng/bằng. Lan tiếp tục nhờ Lê Hồng Nguyên để nhờ mua bằng trung cấp nghề giả...
Sau khi thỏa thuận và nhận hồ sơ từ Trần Thị Phương Lan để làm trung cấp nghề giả của Trường Trung cấp Bách khoa Yên Bái, Nguyên đã tự tìm hiểu trên mạng Internet. Sau đó, qua số điện thoại và ứng dụng Zalo với một người đàn ông tự giới thiệu tên là Hùng để làm bằng giả, giá thỏa thuận là 1,2 triệu đồng/bằng.
Khoảng 2 tuần sau, người đàn ông trên mạng thông báo cho Nguyên đã làm xong bằng và hẹn địa điểm giao, nhận tại Bến xe Mỹ Đình... Khi Cao Thị Thảo gửi 2 bằng giả này cho Trung tâm Chứng nhận văn bằng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để chứng thực thì bị cơ quan chức năng phát hiện là bằng giả.
Từ lời khai của Tâm, Tiến và Lan cùng kết quả điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định: Khoảng tháng 9/2019, Nguyễn Việt Hoàng đã trao đổi với Đỗ Phương Thảo (SN 1980, trú tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH EN Việt Nam, trụ sở ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, để đăng ký đi du học Nhật Bản.
Sau đó, với phương thức tương tự như trên, Đỗ Phương Thảo đã làm bằng trung cấp nghề giả cho Nguyễn Việt Hoàng. Sau đó, Thảo gửi bằng giả này sang một trường học tại Nhật Bản. Trường này đã phỏng vấn và nhận hồ sơ du học của Nguyễn Việt Hoàng.
Tuy nhiên, do bị cơ quan Công an phát hiện nên Đỗ Phương Thảo đã liên hệ với ngôi trường ở Nhật Bản, chuyển lại bộ bằng tốt nghiệp giả của Hoàng và tự nguyện nộp lại cho cơ quan điều tra.
Nguồn: CAND