An ninh trật tự
Cam go cuộc chiến phòng, chống tội phạm mua bán người (Bài 5)
09:01, 28/06/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những năm qua, Nghệ An đã làm tốt công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại một số huyện miền núi thiếu hiểu biết về pháp luật, không có việc làm ổn định… đã nhẹ dạ cả tin trước những hành vi phạm tội tinh vi dẫn đến “sập bẫy” bọn buôn người, bị chúng biến thành “món hời” khi đem đến các thành phố lớn hoặc đưa sang bên kia biên giới bán lấy tiền tiêu xài.
Công an huyện Tương Dương thăm hỏi, động viên nạn nhân của tội phạm mua bán người |
Bài 5: Huy động mọi nguồn lực, chung tay đẩy lùi tội phạm mua bán người
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã huy động mọi nguồn lực để tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người, cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Chỉ đạo quyết liệt
Có thể thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an rất quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tại Nghệ An, được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm mà tội phạm này lợi dụng để hoạt động, trong thời gian qua, Công an tỉnh Nghệ An đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người có hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay để Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An kịp thời chỉ đạo.
Điển hình như: Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch thực hiện Đề án tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch thực hiện Đề án đấu tranh phòng, chống mua bán người thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2017 - 2020; Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 4 của Chính phủ về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, kế hoạch thực hiện Tháng hành động phòng, chống mua bán người hàng năm...
Đặc biệt, năm 2019, trước tình hình tội phạm mua bán người tiềm ẩn phức tạp, nhất là việc xuất hiện vấn nạn “mua bán bào thai”, các vấn đề liên quan xuất nhập cảnh trái phép, di cư tự do tiềm ẩn yếu tố mua bán người, Công an tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu, soạn thảo và hoàn thành việc tham mưu Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm tạo cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, huy động sự vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tội phạm mua bán người, “mua bán bào thai” trên địa bàn tỉnh. Và từ sự nỗ lực đó, ngày 12/12/2019, HĐND tỉnh đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 24/2019/ NQ-HĐND về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Riêng trong lực lượng Công an cũng đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người, với quyết tâm kìm giữ và làm giảm tình hình tội phạm. Giai đoạn từ cuối năm 2018, đến những tháng đầu năm 2020, Công an Nghệ An đã chỉ đạo Công an các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp… (là các địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người) tham mưu các Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề chỉ đạo tăng cường các giải pháp công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn. Đối với tình trạng “mua bán bào thai”, ngay sau khi phát hiện, Công an tỉnh đã kịp thời báo cáo thực trạng tình hình cho Lãnh đạo Bộ Công an, Viện KSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cục nghiệp vụ liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn; tham mưu UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống nạn “mua bán bào thai”. Đồng thời, có điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp cấp bách phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, không để tình trạng “mua bán bào thai” lan rộng trên địa bàn tỉnh.
Cần sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị
Mặc dù thời gian qua, các cấp, ngành trong đó lực lượng nòng cốt là Công an, Bộ đội Biên phòng, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã quyết liệt vào cuộc phòng, chống tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, từ thực tiễn địa bàn cho thấy, tội phạm mua bán người hướng tới chủ yếu là phụ nữ, trẻ em nghèo, nhận thức hạn chế, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; trong khi đó công tác truyền thông, tuyên truyền nhìn chung hiệu quả còn thấp, chưa sâu rộng, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa nên rất dễ bị các đối tượng phạm tội lôi kéo, dụ dỗ. Một số trường hợp bị hại do mặc cảm nên không khai báo hoặc bị hại đang ở nước ngoài. Bên cạnh đó, phần lớn nạn nhân khi bị các đối tượng lừa gạt, rời khỏi địa phương không báo cho chính quyền, chỉ đến khi gia đình nghi ngờ bị mua bán thì mới báo cho chính quyền nên rất khó khăn trong truy tìm.
Mặt khác, tội phạm mua bán người thường hình thành các đường dây, tổ chức chặt chẽ, nằm rải rác ở các tỉnh trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài với thủ đoạn hoạt động của tội phạm rất tinh vi, xảo quyệt, có nhiều thủ đoạn đối phó cơ quan chức năng, gây khó khăn cho việc tổ chức bắt giữ, xử lý. Công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân như về thủ tục tư pháp, rào cản ngoại giao, hệ thống pháp luật. Kinh phí hỗ trợ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế còn hạn chế… nên việc phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn Nghệ An vẫn còn nhiều cam go, đòi hỏi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành chung tay vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Trong đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này; chỉ đạo các lực lượng liên quan xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm mua bán người ở cơ sở. Riêng lực lượng Công an với vai trò là nòng cốt tiếp tục chủ động nắm tình hình, phát hiện và xử lý triệt để tội phạm mua bán người. Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm.
Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, khắc phục những sơ hở trong quản lý người nước ngoài, quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý dịch vụ internet... không để đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội mua bán người. Đặc biệt là làm tốt công tác giải cứu, tiếp nhận nạn nhân; phối hợp với các ban, ngành triển khai chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám, chữa bệnh…, giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin rằng trong thời gian tới, tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi.
Thuỳ Anh