(Congannghean.vn)-Sau hơn 20 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, chị Hiền được Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh nghệ An phối hợp với Tổ chức Rồng Xanh giải cứu về Việt Nam. Không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, những ký ức về gia đình, người thân ở Việt Nam trong chị cũng rất mơ hồ, điều này khiến hành trình tìm lại người thân cho chị càng trở nên gian nan.
Phòng Cảnh sát Hình sự bàn giao chị Hồ Thị Hiền cho người thân |
Được giải cứu sau hơn 20 năm bị lừa bán
Chiếc xe của tổ công tác Đội 6, Phòng CSHS và Tổ chức Rồng Xanh chở chị Hồ Thị Hiền (SN 1975) từ Hà Nội về đến Nghệ An khi đã gần nửa đêm. Đoàn dừng chân ở thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu nghỉ ngơi để mai đưa chị Hiền về bàn giao cho gia đình.
Suốt cả quãng đường từ Trung Quốc về Việt Nam, chị Hiền đan xen nhiều cảm xúc. Xa quê hương đã lâu, bản thân chị lại không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, mọi ký ức về những ngày ở Việt Nam cũng gần như bị xóa sạch. Điều này khiến chị lo lắng và sợ hãi nhiều hơn. Chị lo không biết mình có thể tìm lại được gia đình hay không, liệu cha và mẹ của mình có còn sống chờ chị trở về. Hiện nay, chị đã làm mẹ của 2 đứa trẻ, đứa lớn 15 tuổi, đứa bé cũng đã 13 tuổi. Cuộc sống vất vả, khổ cực ở Trung Quốc khiến chị già hơn nhiều so với tuổi với làn da nâu sạm, trên gương mặt hiện rõ sự khắc khổ, lam lũ. Trải qua nhiều biến cố lớn của cuộc đời, sức khỏe và trí nhớ của chị đã giảm sút đi nhiều. Khi được hỏi về những kỷ niệm ở Việt Nam, chị lúc nhớ, lúc quên.
Trong ký ức mơ hồ của chị Hiền, chị chỉ nhớ mình sinh ra và lớn lên ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 18, 19 tuổi, chị bị các đối tượng xấu bắt cóc rồi bán sang Trung Quốc. Chị được bán cho một người đàn ông ở tỉnh Giang Tây làm vợ. Nơi chị sinh sống là một khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, muốn ra được Quốc lộ phải đi bộ xuyên rừng hơn 30 km. Vì vậy, ngay cả tiếng Trung Quốc chị cũng sử dụng tiếng bản địa chứ không phải tiếng phổ thông, điều này khiến việc giao tiếp giữa cơ quan chức năng và chị Hiền ít nhiều bị hạn chế. Đầu tháng 9/2019, chị Hiền được Phòng CSHS phối hợp với Tổ chức Rồng Xanh tìm thấy và giải cứu đưa về Việt Nam. Ngay sau khi giải cứu được nạn nhân, Phòng CSHS đã tiến hành tìm kiếm người thân cho chị Hiền. Theo đó, Đội 6 đã cử các tổ công tác rà soát, xác minh những gia đình có người thân bị mất tích nhiều năm tại huyện Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, đồng thời cung cấp hình ảnh chị Hiền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tìm kiếm.
Nhận nhầm người thân
Ròng rã trong 3 ngày, các tổ công tác Phòng CSHS đã rà soát, kiểm tra thông tin các gia đình có con bị mất tích, nghi bị lừa bán sang Trung Quốc tại 2 địa phương. Theo các điều tra viên, thời điểm những năm 1984 trở về trước, Quỳnh Lưu và Hoàng Mai là 2 địa phương có nhiều phụ nữ bị bắt cóc và bán sang Trung Quốc. Đó cũng là lý do trong quá trình tìm kiếm người thân cho chị Hiền, đã có rất nhiều gia đình liên lạc với cơ quan chức năng, xin được gặp nạn nhân để xác nhận người thân. Trong số những gia đình này, có gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, ở Quỳnh Lộc, TX Hoàng Mai. Tất cả những dữ kiện mà gia đình ông Thắng cung cấp đều trùng khớp với những thông tin mà chị Hiền nhớ. Điều đáng nói, khi nhìn hình ảnh của chị Hiền, ông Thắng khẳng định đó chính là người con gái đã mất tích của mình bấy lâu nay. Suốt cả quãng đường từ Hà Nội về Nghệ An, ông Thắng liên tục gọi điện nôn nóng xin được gặp con gái.
Đến lúc này, tất cả mọi người đều tin rằng đã tìm lại được gia đình cho chị Hiền. Để việc di chuyển được thuận lợi, chiếc xe chở chị Hiền nghỉ lại ở Diễn Châu để sáng hôm sau đưa chị về nhà bàn giao cho gia đình. 7 giờ ngày 13/9, tôi may mắn được theo xe của Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Đội 6, Phòng CSHS để ghi lại cuộc hội ngộ của chị Hiền và gia đình sau hơn 20 năm xa cách. Khi xe của đoàn chúng tôi vừa chạy qua trung tâm TX Hoàng Mai, gia đình ông Thắng đã đón đầu đường dẫn chúng tôi vào Quỳnh Lộc. Từ phía xa, ngôi nhà của ông Thắng chật kín người ở ngoài ngõ, một chiếc rạp nhỏ đã được dựng sẵn để bà con lối xóm đến chia vui với gia đình cũng là để chào đón người con mất tích bao nhiêu năm trở về. Chúng tôi đã hình dung đến một cuộc hội ngộ xúc động với nhiều cung bậc cảm xúc. Thế nhưng điều kỳ diệu ấy đã không xảy ra.
Khi chị Hiền vừa bước xuống xe, tất cả những người thân, bà con lối xóm chạy ào ra đón. Những bước chân bỗng khựng lại khi nhìn thấy chị. Mọi người nhìn nhau lắc đầu, lao xao: “Không phải, không phải người này”. Tất cả những thành viên trong tổ công tác bắt đầu lo lắng. Đám đông hiếu kỳ, hết người này đến người khác tiến lại gần phía nạn nhân để nhìn rõ hơn khiến chị Hiền càng thêm hoảng sợ. Tất cả đều khẳng định đó không phải là người con thất lạc của gia đình, duy chỉ có ông Thắng một mực khẳng định đó là con gái của mình. Mặc cho mọi người ngăn cản, ông vẫn gào khóc, chạy lại bên chị nấc lên từng tiếng: “Con ơi, cha đây mà. Là cha đây, con của cha vào nhà với cha đi”. Nỗi đau đớn và sự mong mỏi muốn tìm lại con gái khiến người cha già không còn đủ tỉnh táo. Hơn bao giờ hết, ông chỉ mong được gặp và nhận lại con gái của mình. Sau khi xác nhận lại các thông tin những người nhà ông Thắng cung cấp, thì người con gái gia đình bị thất lạc cách đây 10 năm, trong khi đó chị Hiền đã bị bắt cóc hơn 20 năm.
Đoàn chúng tôi lên xe rời khỏi nhà ông Thắng, dù không nói ra nhưng ai nấy đều lo lắng, căng thẳng. Đi được hơn 1 km, xe dừng lại bên vệ đường, lúc này Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải tiếp cận, trấn an chị Hiền. Với kinh nghiệm lâu năm của người chỉ huy, đồng chí Hải đã gợi lại cho chị những địa danh dễ nhớ, đặc sản nổi tiếng của Quỳnh Lưu. Sau khi giúp chị Hiền dần ổn định tâm lý, chị bình tĩnh, chia sẻ cởi mở hơn với cơ quan chức năng. Chị bắt đầu lục lại trí nhớ, kể về những chi tiết trong ký ức mơ hồ của mình.
Cũng phải nói thêm, sau khi trở về Nghệ An, chị bập bẹ nói được tiếng Việt. Sau quá trình trao đổi với chị Hiền cùng với những thông tin mà chính quyền địa phương cung cấp, chúng tôi đưa chị về trụ sở Công an xã Quỳnh Liên (TX Hoàng Mai) để tiếp tục việc tìm kiếm. Tại đây, tổ công tác đã xác minh lại các thông tin và liên hệ với những bậc cao niên trong làng để nhờ sự giúp đỡ. Cùng lúc này, tổ công tác nhận được thông tin tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu có một người mất tích trùng khớp với những thông tin của nạn nhân. Chúng tôi tiếp tục lên xe quay về Quỳnh Bảng, lúc này trời đã quá trưa, nắng như đổ lửa.
Cuộc hội ngộ bất ngờ sau 20 năm
Chị Hiền hạnh phúc bên người thân |
Tại UBND xã Quỳnh Bảng, trong khi tổ công tác đang liên hệ với gia đình có khả năng là người nhà của chị Hiền thì một đồng chí công tác tại UBND xã vừa nhìn thấy chị Hiền đã nhận ra và gọi tên chị khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ. Hóa ra anh là bạn thời chăn trâu, cắt cỏ với chị Hiền. Nghe được thông tin này, tất cả các thành viên trong tổ công tác mừng ra mặt, mọi người thở phào nhẹ nhõm vì đã tìm đúng địa chỉ.
Lúc này, những người thân trong gia đình chị Hiền cũng vừa tới. Vừa thoáng nhìn người phụ nữ ấy, những người từ chỗ bất ngờ cho đến vỡ òa trong niềm xúc động. Họ ôm chầm lấy chị và hét lớn: “Chị Hiền, đúng chị Hiền rồi”. Giây phút đoàn tụ sau hơn 20 năm đan xen nhiều cảm xúc, chị Hiền từ chỗ lạ lẫm, dè dặt cho đến bất ngờ và xúc động khi nhớ ra những gương mặt thân quen, những giọng nói quen thuộc ngày thơ ấu. Chị nghẹn ngào bật khóc. Sau hơn 20 năm xa quê, trở về quê hương xứ sở, về nơi chôn rau cắt rốn, về bên vòng tay người thân, chị chẳng dám tin đó là sự thật. Giờ thì chị bắt đầu nhớ ra, tất cả những kỷ niệm cũ ùa về, đến lúc này chúng tôi mới thấy chị cười. Thế nhưng niềm vui ngày hội ngộ chẳng thể trọn vẹn bởi cha, mẹ của chị đều đã qua đời.
Chị Hiền là con thứ 2 của ông Hồ Bá Xước. Ông Xước có 3 người vợ. Sau khi người vợ đầu không sinh được con, ông kết hôn với bà Diệm (người Quỳnh Liên, TX Hoàng Mai) và sinh ra chị. Vì bà Diệm không sinh được thêm con nên ông Xước kết hôn với người phụ nữ khác và sinh được một người con trai, là em trai cùng cha khác mẹ với chị Hiền. Hiện nay anh này đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Hồ Bá Tài (SN 1958), em con chú của chị Hiền cho biết: Sau khi bác tôi lấy người khác thì không còn quan tâm đến mẹ con chị Hiền như trước. Phần vì hoàn cảnh nên gia đình tôi có đón chị Hiền về nhà chăm sóc. Chị ở với gia đình chúng tôi hơn nửa năm. Sau đó chị Hiền đi làm thuê rồi mất tích, gia đình không nhận được tin tức gì của chị hơn 20 năm nay. Hôm qua, khi nhìn thấy ảnh của chị Hiền trên mạng xã hội tôi đã ngờ ngợ. Hôm nay gặp lại chị, tôi mới chắc chắn đó là chị Hiền, con gái của bác tôi. Sau khi ông Xước đến với người phụ nữ khác, vì không được yêu thương, chăm sóc như trước nên khoảng năm 1985, hai mẹ con chị Hiền bỏ đi khỏi nhà. Chị làm thuê cho một quán ăn ở bên đường, vừa phục vụ, vừa rửa bát cho đến khi bị các đối tượng xấu bắt cóc và bán sang Trung Quốc.
Ông Hồ Quang Hòa, anh họ của ông Xước cho biết: “Cái Hiền cùng tuổi con gái tôi, hồi nhỏ chúng nó chơi với nhau suốt. Sau khi Hiền bỏ nhà đi, có lần đi ra trung tâm tôi thấy nó đang gánh nước thuê cho quán ăn ven đường, vì bận nên 2 bác cháu cũng chỉ kịp chào nhau. Vài hôm sau tôi đến quán ăn hỏi tung tích cháu Hiền thì được tin cháu mất tích, từ đấy về sau không ai biết thông tin gì về nó”.
Đến lúc này thì chúng tôi hiểu vì sao trên suốt quãng đường về chị Hiền luôn dè dặt, sợ hãi khi nhớ lại quá khứ. Tuổi thơ nhọc nhằn, không nhận được sự yêu thương trọn vẹn từ gia đình cùng với việc bị bắt cóc, bán sang Trung Quốc khiến chị hoảng loạn, sống khép mình. Chị nhẫn nhịn, cam chịu cuộc sống nghèo khó, vất vả nơi xứ người. Người phụ nữ ấy đã trải qua gần nửa cuộc đời với những biến cố đầy nước mắt để rồi khi trở về quê hương nhận tin sét đánh cả cha và mẹ đã không còn. Những người anh em dẫn chị ra thăm mộ bố, chị ngồi sụp xuống bên nấm mộ, nước mắt nhòa đi. Hơn 20 năm chị đã chờ đợi, mong ngóng ngày này để được về bên cha, mẹ, để được trách móc, hờn dỗi nhưng đến ước nguyện nhỏ nhoi ấy cũng không thể thực hiện.