Facebook là trang mạng xã hội phổ biến nhất được các tội phạm lạm dụng để đánh cắp thông tin. Tuy nhiên, hiện phần lớn người dùng vẫn chưa quan tâm đến mức độ nguy hiểm mà nó có thể gây ra trong thực tế nên vẫn tiếp tục click vào các địa chỉ không an toàn, cho phép các ứng dụng không rõ nguồn gốc truy cập vào dữ liệu cá nhân của mình.
Với thủ đoạn lập Facebook ảo, rồi cố gắng dụ dỗ các nạn nhân không có sự đề phòng và buộc họ phải cung cấp thông tin cá nhân như tên, mật khẩu, số thẻ tín dụng, mã PIN và nhiều thứ khác loại tội phạm này đã và đang thực hiện trót lọt hàng trăm vụ lừa đảo để chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Theo các chuyên gia tại Kaspersky Lab: Trong quý I năm 2018, công nghệ chống lừa đảo của Kaspersky Lab đã ngăn chặn hơn 3,6 triệu lượt truy cập vào các trang mạng xã hội giả mạo, trong đó có 60% là trang Facebook ảo.
Để không biến mình thành các nạn nhân của hình thức lừa đảo trên, các chuyên gia khuyến nghị, người dùng nên kiểm tra địa chỉ đường dẫn và người gửi email trước khi click vào; Chỉ sử dụng kết nối bảo mật, đặc biệt là khi bạn truy cập vào website quan trọng.
Phòng trường hợp xấu nhất, không sử dụng Wi-Fi công cộng hoặc Wi-Fi không rõ nguồn mà không có password; Không bao giờ chia sẻ dữ liệu quan trọng, như tên đăng nhập và mật khẩu, thông tin tài khoản ngân hàng với một bên thứ ba. Công ty chính chủ sẽ không đòi hỏi dữ liệu như vậy qua email; Sử dụng biện pháp bảo vệ đáng tin cậy với công nghệ ngăn ngừa hành vi lừa đảo.
.