(Congannghean.vn)-Liên tiếp trong thời gian qua, dư luận nhiều nơi rúng động vì các vụ án do các đối tượng sử dụng ma túy gây ra. Điều đáng nói, nạn nhân trong nhiều vụ việc, có khi là chính người thân ruột thịt, từng gắn bó, yêu thương cách đó một tích tắc…
Lực lượng Công an khống chế 1 đối tượng bị “ngáo đá” - Ảnh: Internet |
Mất kiểm soát vì ma túy đá
Phan Văn Việt (SN 1989) trú tại xã Quế Sơn, huyện Quế Phong là đối tượng nghiện ma túy, do ảo giác khi bị “ngáo đá” nên nghi ngờ mọi người đang theo dõi mình. Lúc nào Việt cũng cảm giác có ánh mắt đang nhìn chằm chặp vào bản thân khiến y sinh nghi ngờ. Sáng 5/5/2017, Việt dùng nỏ bắn vào 3 người dân đi đường gồm chị Lô Thị Vân (SN 1989) trú tại xã Châu Kim; chị Vi Thị Dung (SN 1983) trú tại thị trấn Kim Sơn và anh Lô Văn Kỳ (SN 1999) trú tại xã Quế Sơn. Đây là 3 người đi đường vô tội, bỗng dưng trong phút chốc lại thành nạn nhân của những ảo giác do ma túy đá gây nên. Hậu quả, cả 3 người bị thương phải đưa đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong.
Nhận tin báo, Công an huyện Quế Phong đã kịp thời điều tra, làm rõ, bắt giữ và khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với Phan Văn Việt về hành vi cố ý gây thương tích để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cơ quan Công an cũng thu giữ 1 con dao chặt, 1 chiếc nỏ và 3 mũi tên.
Tiếp đó, 1 đối tượng “ngáo đá” gây náo loạn tại phường Lê Lợi, TP Vinh cũng khiến dư luận xôn xao. Vụ việc xảy ra vào khoảng hơn 12 giờ ngày 23/6 tại khối 7, phường Lê Lợi, TP Vinh. Đối tượng là Hồ Bá Thế, quê ở huyện Nam Đàn, đang thuê trọ trên địa bàn. Vào khoảng thời gian trên, Thế đang ở trong phòng trọ sử dụng ma túy đá nên có biểu hiện “ngáo đá” rồi phá phách. Lúc này, những người phòng trọ bên cạnh có đến nói chuyện thì xảy ra xô xát giữa 2 bên. Chẳng biết cơn ảo giác khiến Thế nghĩ gì mà y lấy con dao dài khoảng 15 cm tự tay cứa vào cổ mình.
Thấy sự việc trên, nhiều người gọi điện cho cơ quan Công an. Ngay sau đó, Công an phường Lê Lợi phối hợp với lực lượng Cảnh sát 113 nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Lúc này, trên tay Thế vẫn cầm con dao, chỉ thẳng về phía lực lượng chức năng rồi vùng chạy ra phía ngoài đường, liên tục đe dọa mọi người. Xác định đối tượng có thể gây nguy hiểm cho người đi đường nên nhiệm vụ quan trọng lúc này là phải thuyết phục để Thế bỏ hung khí. Sau một thời gian vận động, thuyết phục, cũng đã thoáng mệt sau một hồi vật vã, Thế mới ngồi xuống và ném con dao đi. Nhân lúc này, lực lượng Cảnh sát 113 mới tiếp cận, băng bó vết thương và đưa Thế đến trạm xá. Sự việc đã gây náo loạn khu phố.
Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An cũng vừa bắt giữ Lương Văn Hùng (tên gọi khác là Lương Phò Nót) (SN 1994) trú tại bản Huồi Xui, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn về tội giết người. Do ảo giác ma túy, y nhẫn tâm chém chết con gái chưa tròn 2 tuổi và chém vợ bị thương nặng. Tại cơ quan điều tra, Hùng khai nhận, trước khi án mạng xảy ra, hắn đã sử dụng ma túy tổng hợp nên bị ảo giác, kết hợp những bức xúc với vợ nên Hùng đã có hành vi mất nhân tính.
Theo lời khai của Hùng, cách ngày xảy ra án mạng 1 tuần, anh rể tới chơi và cho Hùng 3 viên ma túy tổng hợp. Trong 1 tuần sử dụng, Hùng thấy trong người có cảm giác lạ. Ban đêm không dám ngủ trong nhà vì hắn nhìn thấy có nhiều con ma đuổi ra khỏi nhà nên đã bỏ ra rừng ngủ. Ảo giác ma túy càng khiến tâm tính hắn thay đổi, cùng với sự bột phát trong mâu thuẫn vợ chồng khiến Hùng từ người cha, người chồng thành hung thủ trong vụ án rúng động xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn.
Lời cảnh tỉnh muộn màng
Một ngày cuối tháng 10/2016, khán phòng Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An chật kín người. Đối tượng được xét xử lần này có sự đặc biệt. Đó là Xeo Văn Nhi (SN 1996) trú tại xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, bị xét xử về tội “Giết người” mà nạn nhân lại là đứa cháu ruột Xeo Văn Khinh mới hơn 15 tháng tuổi.
Theo đó, vào chiều tối 20/11/2015, trong lúc đi chơi, Nhi được 2 người Lào cho 1 viên ma túy tổng hợp để dùng. Sau đó, Nhi về nhà. Khoảng 23 giờ, Nhi đang xem tivi thì đứng dậy dùng chân đá vỡ bóng đèn rồi chửi anh trai. Thấy Nhi có biểu hiện bất thường, anh trai chạy đi tìm người giúp đỡ. Lúc này, Nhi nghe tiếng cháu bé Xeo Văn Khinh (cháu ruột) khóc liền đẩy cửa vào phòng. Lập tức, Nhi giằng cháu bé từ tay chị dâu rồi đập vào cột nhà.
Theo kết luận của Viện Pháp y tâm thần Trung ương, trong khi phạm tội, bị can bị rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây ảo giác. Bị can mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Bị tuyên phạt tù chung thân, nhưng đau lòng hơn, là sự day dứt lương tâm mà Nhi sẽ phải mang theo suốt cuộc đời. Đứa cháu ngây thơ mới 15 tháng tuổi vô tội, trong phút giây thiếu may mắn, đã trở thành nạn nhân của cơn “ngáo đá” mà Nhi là thủ phạm.
Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, tỉ lệ bệnh nhân loạn thần do rượu, ma túy vào điều trị tăng lên một cách rõ rệt. Những năm 1990, tỉ lệ chỉ chiếm 0,31% giường bệnh, bây giờ đã là 10%. Người loạn thần do rượu, ma túy thường có những hành vi gây nguy hiểm cho người xung quanh và bản thân mình. Theo đó, bệnh nhân bị loạn thần do rượu, ma túy, các chất thường có những biểu hiện như lo âu, hoảng sợ, giận giữ, ảo giác, hoang tưởng, ghen tuông, rối loạn về hành vi như tấn công người khác... Việc điều trị những bệnh nhân này rất khó khăn, bởi các chất kích thích đã gây tổn thương vĩnh viễn lên não bộ. Trong đó, đại đa số các bệnh nhân là nam giới trong độ tuổi lao động.
Để hạn chế các vụ án do đối tượng “ngáo đá” gây ra, yêu cầu bức thiết phải xây dựng một mô hình toàn diện trong quản lý, xử lý người có biểu hiện sử dụng ma túy đá. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng và gặp khó khăn trong triển khai thực hiện.
Trên thực tế, hội chứng ma túy đá thường xuất hiện mờ nhạt; trong khi đó, đối tượng khi được gia đình và cộng đồng đưa tới trung tâm để xác định tình trạng nghiện thường đang trong tình trạng “ngáo đá”, mất kiểm soát nên việc thu thập thông tin gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, việc không xác định tình trạng nghiện đối với người nghiện ma túy tổng hợp cũng gây nhiều khó khăn cho cơ quan Công an trong việc thống kê, lập hồ sơ báo cáo cụ thể đối với người nghiện ma túy tổng hợp. Vì thế, giải pháp trước mắt, cấp kíp nhất vẫn là đưa các trường hợp có sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” đi chữa bệnh tâm thần hoặc cai nghiện tự nguyện; đồng thời, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp để tăng cường quản lý, giáo dục, động viên những người nghiện từng bước tránh xa cám dỗ, hình thành lối sống lành mạnh.