Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201802/14-nam-tu-danh-cho-nu-quai-cam-dau-duong-day-lua-chay-che-do-thuong-binh-780953/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201802/14-nam-tu-danh-cho-nu-quai-cam-dau-duong-day-lua-chay-che-do-thuong-binh-780953/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
14 năm tù dành cho 'nữ quái' cầm đầu đường dây lừa 'chạy' chế độ thương binh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 12/02/2018, 08:38 [GMT+7]

14 năm tù dành cho 'nữ quái' cầm đầu đường dây lừa 'chạy' chế độ thương binh

(Congannghean.vn)-Tạ Thị Vân cho rằng, mình không lừa đảo mà chỉ “giúp đỡ” các cựu chiến binh (CCB) làm chế độ trợ cấp hàng tháng. Đổi lại, để nhận được sự “giúp đỡ” của Vân, 95 cựu chiến binh đã bị Vân chiếm đoạt số tiền lên tới gần 3,7 tỉ đồng.

Bị cáo Tạ Thị Vân tại phiên tòa
Bị cáo Tạ Thị Vân tại phiên tòa

Chiêu lừa của “nữ quái”

Ngày 5/2, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Tạ Thị Vân (SN 1962) trú tại TP Vinh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là đối tượng chính trong vụ việc nhận tiền “chạy” chế độ thương binh, chất độc da cam của các CCB có nguyện vọng hưởng chế độ chính sách nhưng bị thất lạc hồ sơ, giấy tờ để chiếm đoạt hàng tỉ đồng.

Trước đó, Báo Công an Nghệ An số ra ngày 25/6/2016 đăng bài viết: “Ôm tiền tỉ để “chạy” thương binh giả”? và số ra ngày 24/1/2018 đăng bài viết: “Lừa “chạy” chế độ thương binh để chiếm đoạt tài sản”, phản ánh trường hợp của bà Tạ Thị Vân (SN 1962) trú tại đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Hưng Bình (TP Vinh), lợi dụng là vợ của 1 sỹ quan Quân đội, đã nhận hồ sơ của nhiều người tại các địa phương để làm chế độ thương binh nhưng không thực hiện được, cũng không trả lại tiền cho các bị hại.

Là bộ đội phục viên, có chồng công tác trong Bộ CHQS tỉnh (hiện tại đã ly hôn), Vân “nổ” có mối quan hệ rộng từ địa phương tới Trung ương, có thể “chạy” chế độ thương binh, nâng hạng thương, bệnh binh, chất độc hóa học cho các CCB bị mất hồ sơ, giấy tờ. Mỗi trường hợp, tùy vào nguyện vọng làm chế độ gì, Vân ra giá từ 12 đến gần 40 triệu đồng.

Tin tưởng vào lời “nổ” trên của Vân, 5 người ở Nghệ An, Hà Tĩnh (được xác định là bị hại trong vụ án) đã đứng ra làm trung gian, thu hồ sơ, giấy tờ và tiền của nhiều CCB. Cụ thể, ông Phạm Văn M. (SN 1955) trú tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nhận 65 bộ hồ sơ với số tiền hơn 1,6 tỉ đồng; ông Trần Văn P. (SN 1948) trú tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh nhận 34 bộ hồ sơ, với số tiền 626 triệu đồng; ông Nguyễn Nam K. (SN 1950) trú tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An nhận 34 bộ hồ sơ, với số tiền 680 triệu đồng; ông Thái Văn P. (SN 1963) trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An nhận 31 bộ hồ sơ, với số tiền 310 triệu đồng; ông Nguyễn Văn N. (SN 1958) trú tại TX Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh nhận 36 bộ hồ sơ, với số tiền 936 triệu đồng. Tất cả số tiền trên được 5 người đưa cho Tạ Thị Vân hoặc Hồ Thanh Tùng (trú tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) để “chạy” chế độ.

Sau khi nhận giấy tờ, hồ sơ và tiền của những người trên, Tạ Thị Vân hứa trong vòng 6 tháng đến 1 năm sẽ có quyết định về việc hưởng chế độ cho các CCB. Để tạo lòng tin cho những người nộp tiền và hồ sơ, Tạ Thị Vân còn tạo ra một vỏ bọc an toàn khi cho những người này đến Bệnh viện Quân y 4 (đối với thương binh) và Bệnh viện Hữu nghị đa khoa (đối với người bị chất độc da cam) khám để giám định thương tật. Tuy nhiên, tại phiên tòa, những người khám ở Bệnh viện Hữu nghị đa khoa cho biết, họ chỉ được bệnh viện lấy máu rồi… đi về; còn những người khám ở Bệnh viện Quân y 4 thì họ không nhận được kết quả giám định thương tật, tất cả đều bị bà Vân cầm “bỏ trong hồ sơ”.

Cơ quan điều tra kết luận, với thủ đoạn này, Tạ Thị Vân đã chiếm đoạt của 95 CCB thông qua 5 người trên gần 3,7 tỉ đồng. Hiện, Tạ Thị Vân và gia đình đã hoàn trả được một phần số tiền chiếm đoạt cho 5 bị hại để các bị hại trả lại cho các CCB. Ngoài ra, trong quá trình điều tra cho thấy, Tạ Thị Vân thông qua Hồ Thanh Tùng nhận 471 bộ hồ sơ “chạy” chế độ cho các CCB, với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng. Sau khi sự việc bị phát giác, Hồ Thanh Tùng đã bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã, đồng thời tách thành 1 vụ án khác, khi nào bắt được Tùng sẽ xử lý sau.

Cái giá phải trả của kẻ chuyên lừa đảo

Tại phiên tòa, Tạ Thị Vân còn lấp liếm, vòng vo rằng, bản thân chỉ muốn ““giúp đỡ” các CCB làm chế độ trợ cấp hàng tháng chứ không vì mục đích chiếm đoạt tài sản. Trước lời chối tội này của bị cáo, chủ tọa phiên tòa phân tích rằng: Làm chế độ cho các thương binh, chất độc da cam đã có các quy trình, thủ tục mà Đảng, Nhà nước ban hành và còn phải dựa vào thực tế xảy ra (có thực sự tham gia đi bộ đội hay không), chứ bản thân Tạ Thị Vân không phải người được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ thu nhận hồ sơ giấy tờ của các CCB để giải quyết chế độ chính sách cho họ.

Suốt phiên tòa, Tạ Thị Vân cứ lặp đi, lặp lại câu nói: “Tôi đã có tội với dân”, nhưng khi chủ tọa hỏi số tiền bị cáo đã chiếm đoạt của 5 bị hại mà đại diện VKSND đọc đã đúng hay chưa thì bà ta liên tục chối. Khi chủ tọa đưa ra những bằng chứng, biết không thể chối cãi, bà ta lại ngụy biện rằng: “Trước sau gì cũng phải đi tù, tôi chấp nhận số tiền trên là đúng”.

Quá trình xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa, HĐXX nhận định, Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố Tạ Thị Vân tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất lòng tin và trật tự trị an xã hội… Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Tạ Thị Vân 14 năm tù, buộc bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của 5 bị hại để họ hoàn trả cho 95 CCB nói trên.

.

Đại Nghĩa

.