(Congannghean.vn)-Chơi hụi, vỡ phường là những cụm từ không còn mới mẻ, thế nhưng, sau vài vụ việc vỡ lở, hoạt động phường, hụi chỉ im ắng được một thời gian, sau đó lại tiếp diễn. Nguyên nhân là do lợi nhuận ban đầu quá cao đã khiến nhiều người bị “che mắt”, sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng để góp phường, hụi. Và, một khi chủ hụi bỏ trốn, họ lại rơi vào tình cảnh “mất cả chì lẫn chài”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để dễ dàng thuyết phục “con mồi”, các đối tượng “trùm phường” thường trang bị cho mình khối tài sản hào nhoáng bên ngoài và trả lãi suất cao trong mấy tháng đầu khi nhận tiền... Điều này đã đánh trúng tâm lý hám lợi của nhiều người và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nạn nhân sập bẫy “tín dụng đen”.
Đối tượng Nguyễn Thị Loan trú tại xã Tân Sơn, huyện Đô Lương bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Điển hình cho mánh khóe này phải nói đến “trùm phường” Nguyễn Thị Loan (41 tuổi) trú tại xóm 8, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương. Cuối năm 2013, Loan đứng ra làm chủ phường, hụi, huy động “vốn” của người dân trên địa bàn huyện và các vùng phụ cận và nói là để đầu tư bất động sản, đảo khế ngân hàng, đầu tư làm ăn… Khi vay tiền, Loan hào phóng trả trước tiền lãi cho người cho vay.
Thấy “dễ ăn”, nhiều người dân đã rút sổ tiết kiệm, mang "sổ đỏ" đi vay tiền ngân hàng cho Loan vay tiền để “hưởng chênh lệch lãi suất”. Thậm chí, có người còn đi vay nặng lãi ở nơi khác và mang giấy tờ nhà đi “cắm” để lấy tiền cho Loan vay. Không chỉ nông dân, thủ quỹ UBND xã Yên Sơn, huyện Đô Lương cũng mang tiền gia đình cho Loan vay 1 tỉ đồng; 1 cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Phủ Diễn mang tiền cá nhân và vay mượn của anh em, bạn bè hơn 6,6 tỉ đồng đến “dâng” cho Loan. Nhiều anh em, bạn bè còn mang sổ đi ngân hàng vay tiền giúp Loan. Tổng cộng có 31 gia đình bị Loan lừa, chiếm đoạt với số tiền 23,9 tỉ đồng.
Hay như vụ vỡ nợ trên 80 tỉ đồng tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu cũng xuất phát từ sự nhẹ dạ cả tin của người dân. Được biết, để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo, các con nợ đều trang bị cho mình vẻ bề ngoài hết sức hoành tráng.
Vợ chồng “trùm phường” Hồ Thị Sáng (SN 1987) và Trần Văn Mạnh (SN 1979) ở xóm 7, xã Quỳnh Thanh đã xây 1 ngôi nhà 5 tầng, mỗi tầng đắp nổi những hàng chữ như "Cà phê Karaoke Ngoại hạng", buôn bán trao đổi vàng bạc đá quý, thức ăn gia súc tổng hợp, thế giới di động... Nhờ vậy, 2 vợ chồng đã huy động khắp trong ngoài xã được số vốn lên đến khoảng hơn 40 tỉ đồng. Ngoài ra, Sáng còn mượn nhiều bìa đất để thế chấp ngân hàng. Sau khi vỡ nợ, cả gia đình bỏ lại cơ ngơi và trốn vào miền Nam.
Bà Trần Thị T. (SN 1968) ở xóm 5, xã Quỳnh Thanh cho biết: Tháng 10/2015, vợ chồng Sáng - Mạnh đến gặp vợ chồng bà hỏi vay tiền, hứa sẽ trả gấp 3 lần lãi suất ngân hàng và thanh toán đều đặn mỗi tháng nên 2 vợ chồng đi rút 400 triệu đồng trong ngân hàng về cho vay. Đổi lại, vợ chồng Sáng - Mạnh chỉ ghi một tờ giấy vay nợ, hẹn đến khi nào gia đình cần sẽ trả lại. 2 tháng sau, Sáng tiếp tục đến nói những lời như rót mật vào tai để bà T. đưa bìa đỏ của gia đình đi “cắm” ngân hàng vay cho Sáng thêm 500 triệu đồng.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, hàng trăm người dân ở thị trấn Diễn Châu và tiểu thương chợ Phủ Diễn hoang mang khi hay tin vợ chồng bà Trần Thị Soa và ông Cao Xuân Năm đều trú tại xã Diễn Thành bỏ trốn, để lại khối tiền nợ khổng lồ chưa thể thống kê hết.
Hàng trăm tiểu thương chợ Phủ Diễn hoang mang sau khi vợ chồng bà Soa, ông Năm bỏ trốn để lại khối tiền nợ khổng lồ |
Theo Ban quản lý chợ Phủ Diễn, tại đây có hơn 500 hộ kinh doanh buôn bán thì có tới hơn 300 hộ góp phường, hụi cho vợ chồng bà Soa. Sau khi vợ chồng bà Soa bỏ trốn, Ban quản lý chợ nhận được 2 đơn tập thể của 6 hộ nhưng số tiền tố cáo bị lừa đảo đã lên tới 2 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị M. - một tiểu thương ở chợ cho biết: Cả chợ Phủ Diễn đều tin tưởng vợ chồng bà Soa. Chị em góp quỹ tình thương được bao nhiêu đều gửi gắm hết vào đó. Nhiều người còn gửi số tiền lớn như bà Tám 800 triệu đồng, anh Hiến cho vay tiền mặt 500 triệu đồng rồi hàng trăm người khác từ 100 - 300 triệu đồng, người ít nhất từ 15 - 20 triệu đồng.
Qua một số vụ việc điển hình có thể thấy, hoạt động phường hụi thực chất là một hình thức khác của “tín dụng đen” và nó tồn tại, phát triển nhờ cách tạo vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài, trả lãi suất “khủng”, cao gấp 3 - 5 lần lãi suất ngân hàng. Vì thế, đã thu hút được nhiều người tham gia, trong đó nhiều người còn vay mượn tiền của anh em họ hàng, thậm chí “cắm” cả “sổ đỏ” để lấy tiền ném vào đây nhằm kiếm lời.
Theo nhận định của Công an huyện Diễn Châu, qua vụ vỡ hụi của vợ chồng bà Soa, ông Năm, bản chất của việc thu gom phường, hụi ở các chợ và trong nhân dân đều mang tính chất tự phát, quá trình giao dịch là thỏa thuận dân sự, cơ quan Công an cũng như chính quyền địa phương không nắm được. Chỉ khi vụ việc vỡ lở, các nạn nhân mới trình báo lên cơ quan chức năng.
Do đó, về lâu dài, để hạn chế hoạt động “tín dụng đen” nói chung và phường, hụi nói riêng, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nhận diện và tránh xa các mánh khóe lôi kéo của “tín dụng đen”.