An ninh trật tự

Giải tỏa hành lang hay cưỡng chế sai luật?

11:12, 06/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)- Ông Nguyễn Cảnh Tỵ trú tại xóm 1, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương phản ánh, giữa tháng 7/2015, UBND xã Thanh Văn đã tiến hành cưỡng chế 154 m2 mái tôn của gia đình gây thiệt hại trên 50 triệu đồng.

Cùng thời điểm trên, một hộ dân khác tại xóm 5 cũng bị xã này tháo dỡ 42 m2 tường rào mà không có quyết định cưỡng chế. Thế nhưng, lãnh đạo xã Thanh Văn lại khẳng định, đây chỉ là giải tỏa hành lang, lấn chiếm đất đai của các hộ dân?

Mái tôn và hàng rào của 2 hộ gia đình bị UBND xã Thanh Văn tháo dỡ, phá bỏ.
Mái tôn và hàng rào của 2 hộ gia đình bị UBND xã Thanh Văn tháo dỡ, phá bỏ.

Tháng 2/1993, gia đình ông Tỵ được cấp 1 thửa đất ở tại vùng Núi Hao (nay là xóm 1, xã Thanh Văn), được thể hiện trên giấy GCNQSDĐ với diện tích 270 m2. Năm 2002, qua đo đạc lại trên thực địa để lập hồ sơ kỹ thuật, thửa đất này có tổng diện tích 1.221 m2 (thửa 577, tờ bản đồ số 3).

Dù chưa được cấp GCNQSDĐ mới, nhưng để phát triển kinh tế, gia đình ông Tỵ đã xây dựng xưởng mộc và làm chuồng nuôi trâu. Đầu tháng 7/2015, khi mở rộng quy mô xưởng mộc, ông Tỵ dỡ bỏ chuồng trâu để làm mái tôn với diện tích 154 m2.

Ngày 5/7, khi mái tôn đã hoàn thành, UBND xã Thanh Văn đến lập “Biên bản vi phạm hành chính” và yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm trong vòng 24 giờ.

Cho rằng mình xây dựng trên phần đất của gia đình nên trong biên bản, ông Tỵ đã yêu cầu xã phải làm rõ việc gia đình ông có vi phạm hay không. Nếu có vi phạm, gia đình ông Tỵ sẽ tự tháo dỡ. Do gia đình ông Tỵ không tự ý tháo dỡ nên sáng 11/7, đại diện UBND xã Thanh Văn tiếp tục đến lập biên bản vi phạm hành chính lần 2 và yêu cầu tháo dỡ công trình. Ngay sau khi lập xong biên bản, UBND xã Thanh Văn đã tiến hành tháo dỡ mái tôn của gia đình ông Tỵ.

Bị tháo dỡ, phá bỏ: Cưỡng chế không đúng trình tự.
Bị tháo dỡ, phá bỏ: Cưỡng chế không đúng trình tự.

Theo ông Tỵ, lý do UBND xã Thanh Văn tháo dỡ mái tôn chính là vì họ quy kết cho gia đình ông đã lấn chiếm con đường nối từ QL46 ra khu nghĩa trang xã. “Đúng là trong quá trình sử dụng, diện tích thực địa thửa đất gia đình tôi được giao đã tăng, một phần do công tác đo đạc trước đây không chính xác, một phần do gia đình tôi đã khai hoang thêm ra phía sau vườn chứ không hề lấn chiếm phía trước con đường ra nghĩa trang.

Muốn cưỡng chế, dỡ bỏ mái tôn của gia đình tôi, UBND xã Thanh Văn cần phải làm rõ, có hay không việc con đường này bị lấn chiếm và ai là người lấn chiếm. Vì con đường này nằm giữa vườn của tôi và của một gia đình khác (hiện nay chưa xây dựng nhà ở). Gia đình tôi đã yêu cầu làm rõ nhưng họ vẫn cưỡng chế.

Trước thời điểm đó, tôi cũng chưa bao giờ được chính quyền gọi lên xã làm việc; chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và cũng không nhận được quyết định cưỡng chế, bộ phận thực thi công vụ đã không đọc lệnh cưỡng chế trước khi dỡ bỏ mái tôn”, ông Tỵ cho biết thêm.

Cùng ngày, cho rằng gia đình bà Lê Thị Xoan ở xóm 5 lấn chiếm đất công, UBND xã Thanh Văn cũng cho lực lượng đến phá bỏ 42 m2 tường rào của gia đình này, được cho là xây trái phép.

Anh Trần Văn An, con trai bà Xoan cho biết: “Trước đó, vào ngày 6/7/2015, UBND xã cũng đến lập biên bản khi gia đình tôi đã xây dựng xong tường rào và yêu cầu gia đình tự tháo dỡ trong vòng 2 ngày. Gia đình tôi cũng đã yêu cầu UBND xã xác định lại ranh giới, nếu sai, chúng tôi sẽ tự phá bỏ nhưng UBND xã không làm. Đến chiều 11/7, UBND xã cho người và máy móc đến phá bỏ 28 m tường rào, cao 1,5 m mà không lập biên bản, cũng không có quyết định cưỡng chế”.

Lý giải về việc làm này, ông Nguyễn Viết Mão, Chủ tịch UBND xã Thanh Văn cho rằng, bản chất của việc tháo dỡ mái tôn, đập phá tường rào không phải là cưỡng chế nên không cần phải theo đúng quy trình cưỡng chế.

“Chúng tôi đã đến lập biên bản yêu cầu ngừng thi công, ông Tỵ đã ngừng thi công nhưng chưa tháo dỡ. Vì vậy, UBND xã Thanh Văn chỉ thực hiện tháo dỡ chứ không phải là cưỡng chế. Còn việc chứng minh ai đúng, ai sai, chúng tôi sẽ làm sau. Chúng tôi không tháo dỡ nhà người ta mà chỉ tháo dỡ công trình vi phạm. Còn vụ việc của bà Xoan, chúng tôi cũng phải thuê máy gạt đổ tường rào vì bà Xoan đã tự ý lấn chiếm một diện tích rất lớn phần đất công so với diện tích được giao”, ông Mão khẳng định việc làm của UBND xã Thanh Văn là đúng với pháp luật.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Vinh Diện, Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Diện và Cộng sự cho rằng: Dù gia đình ông Tỵ, bà Xoan có lấn chiếm đất hay không thì bản chất việc tháo dỡ mái tôn, phá bỏ tường rào của UBND xã Thanh Văn là cưỡng chế nên phải làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012 và các Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện.

Trong 2 sự việc trên, chưa xác định được người dân có sai hay không. Vì thế, việc cưỡng chế là trái với quy định pháp luật hiện hành và là hành động hủy hoại tài sản của công dân.

Nhóm PVPL

Các tin khác