(Congannghean.vn)-Từng là những người trốn đi nước ngoài trái phép, nay có việc làm và mối quen biết ở xứ người, sau chuyến hành hương về quê ăn Tết, 4 đối tượng ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng vận động gần 60 người, với giá mỗi người từ 6 - 8 triệu đồng để sang đất khách, quê người. Thế nhưng, mọi đường đi nước bước của các đối tượng đã không qua khỏi “tầm ngắm” của lực lượng Công an…
Chuyên án TC0205 và những đêm dài ở miền Tây Kỳ Anh…
Thông tin từ Phòng Cảnh sát ĐTTP về Trật tự xã hội Công an Hà Tĩnh cho biết: Sau nhiều chuyến công tác, các trinh sát của Đội Phòng ngừa tội phạm đấu tranh trên tuyến và địa bàn (Đội 2) đã xác minh và làm rõ thông tin, trên địa bàn huyện Kỳ Anh xuất hiện một số đối tượng có nhiều năm lao động tự do ở Trung Quốc sau đó về quê tập hợp, lôi kéo, dụ dỗ người dân có nhu cầu sang làm việc ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc); nhiều nhất là tại địa bàn các xã Kỳ Hợp, Kỳ Tây, Kỳ Văn, Kỳ Tân…
Các đối tượng bị bắt trong vụ án |
Sau khi báo cáo với lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Công an tỉnh, với những căn cứ bước đầu và xác định rõ hậu quả nghiêm trọng của hành vi phạm tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, ngày 24/2, Chuyên án TC0205 được xác lập để điều tra, làm rõ hành vi trên, nhằm chặn đứng đường dây tổ chức cho người khác trốn sang nước ngoài trái phép…
Đồng chí Thiếu tá Võ Châu Tuấn, Đội trưởng Đội 2 cho biết: Sau khi Chuyên án được xác lập, các thành viên trong Ban chuyên án đã ngày đêm bám sát địa bàn, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Anh. Đây cũng là những nơi mà kinh tế chưa phát triển, đời sống nhân dân còn thấp, trình độ hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế, trong khi đó, nhu cầu lao động của người dân rất cao. Nắm bắt được điều đó, một số đối tượng từng trốn đi nước ngoài trái phép đã liên lạc và "mai mối" cho những cơ sở đóng ở nước bạn cần lao động để tổ chức đưa những người nông dân với ước mộng đổi đời sang làm việc bên kia biên giới.
Các đối tượng nổi lên trên địa bàn gồm: Nguyễn Văn Giang (SN 1992) trú tại xã Kỳ Hợp, Nguyễn Tiến Tùng (SN 1970), Nguyễn Xuân Bắc (SN 1988) và Hoàng Trọng Lĩnh (SN 1993) cùng trú tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh. Điểm chung của các đối tượng này là, trước đây từng trốn đi nước ngoài trái phép, đã ở lại và làm việc tự do ở Trung Quốc, có người đã ở lại 1 năm, kẻ thì 2 - 3 năm.
Tang vật lực lượng chức năng thu được |
Nắm bắt nhu cầu lao động của người thân, người cùng làng xóm và tín hiệu cần việc làm của các cơ sở ở xứ người, các đối tượng đã ra tay "làm ơn", giúp những người lao động chân chính sang Trung Quốc "đổi đời" với giá từ 6 - 8 triệu đồng/người để làm… lộ phí. Tuy nhiên, 4 đối tượng này không phải là một “đường dây” thống nhất mà mỗi người tự tập hợp, lôi kéo người thân, người quen để đi lao động ở xứ người. Duy chỉ có Bắc và Lĩnh là "kết hợp" cùng nhau trong phi vụ làm ăn này.
Xác định rõ thông tin sau dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, các đối tượng sẽ đưa số lượng lớn lao động ở Kỳ Anh sang Trung Quốc trái phép, các trinh sát, điều tra viên đã bí mật lần theo dấu vết để chặn đứng hành vi vi phạm pháp luật, ngăn ngừa kịp thời các hậu quả có thể xảy ra…
Phá án…
Là những đối tượng từng được người khác tổ chức trốn đi nước ngoài trái phép, cả Giang, Tùng, Bắc, Lĩnh nắm rất rõ những "ngón nghề" để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Mặc dù vận động được người thân, người quen sang xứ người với giá thỏa thuận, tuy nhiên, cả 4 đối tượng đã khôn khéo chia nạn nhân thành những tốp nhỏ để đưa ra TP Hà Tĩnh trước khi đến Quảng Ninh để qua sông sang bên kia biên giới.
Nếu người lao động ở xã Kỳ Tây thì tập hợp vài ba người tại Kỳ Tân, hay Kỳ Hợp để thuê taxi ra thị trấn Kỳ Anh. Cứ như vậy, gần 60 người được chia nhỏ thành nhiều chuyến, nhưng tất cả đều có mặt tại thị trấn Kỳ Anh lúc 12 giờ ngày 2/3 để bắt xe buýt ra bến xe ở TP Hà Tĩnh. Đến 17 giờ 30 phút, tất cả các đối tượng lên xe ôtô Minh Hà BKS 38B-005.20 để bắt đầu chuyến hành trình đến TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và nếu trót lọt thì sẽ đi đò sang bên kia biên giới.
Các đối tượng và những người lao động chân lấm tay bùn ở miền Tây của huyện Kỳ Anh đâu biết rằng, mọi "nước cờ" đó đều nằm trong “tầm ngắm” của các thành viên trong Ban chuyên án. Các mũi công tác được chia ra để nắm thông tin từ phía người lao động ở các xã. Mũi khác lại bám sát đối tượng tại thị trấn Kỳ Anh, bến xe khách TP Hà Tĩnh.
Điểm chốt chặn, đón lõng cuối cùng được lực lượng Cảnh sát ĐTTP về TTXH phối hợp với cơ quan An ninh điều tra, Công an huyện Can Lộc để chặn đứng việc tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái pháp luật. Mọi việc như nằm trong dự tính, sau khi kiểm tra xe ôtô BKS 38B-005.20 tại thị trấn Can Lộc, các đối tượng cầm đầu bị phát hiện và bắt giữ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ trên 121 triệu đồng tiền Việt Nam, trên 43 nghìn nhân dân tệ (tiền Trung Quốc) và một số tang vật liên quan.
Nắm đầy đủ chứng cứ, ngày 4/3, cơ quan CSĐT về Trật tự xã hội Công an Hà Tĩnh đã khởi tố 4 bị can nói trên về hành vi "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép" theo Điều 275 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm…
Liên quan đến Chuyên án này, đồng chí Thiếu tá Hoàng Trung Thông, Phó Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về Trật tự xã hội Công an Hà Tĩnh cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện nhiều đường dây, nhiều cá nhân tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài để thu lợi cá nhân, gây bức xúc trong nhân dân. Nhất là tại các địa bàn nông thôn, nơi kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Một số người đã từng trốn đi nước ngoài bị cưỡng bức lao động, trục xuất, đẩy đuổi, không ít người đã lưu lạc trên đất khách quê người, bị đau ốm, bệnh tật.
Thế nhưng, vì miếng cơm manh áo, họ nghe theo lời dụ dỗ, lên đường sang bên kia biên giới mà không biết tương lai sẽ ra sao. Người dân lao động chân chính đâu biết rằng, mình vừa là nạn nhân, vừa là người vi phạm pháp luật khi sang nước ngoài trái phép. Hơn nữa, người được đưa đi nước ngoài trái phép lại là người thân, người quen đối với người tổ chức, nên việc tố cáo, khai báo chưa thành khẩn dẫn tới công tác điều tra gặp nhiều khó khăn…
Qua vụ án này, cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân hiểu biết và chấp hành pháp luật, nhất là đối với hành vi trốn đi nước ngoài trái phép. Hậu quả, người dân có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, cưỡng bức lao động, gặp phải bệnh tật, ốm đau trong khi có sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa. Các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm những đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, không chỉ sang Trung Quốc mà còn sang Lào, Thái Lan, Ănggôla… Từ đó, góp phần đảm bảo ANTT, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
.