Có mặt tại căn nhà khiêm tốn của hai vợ chồng ông Nguyễn Đình Thựu ở xóm 8, xã Nghi Trường hôm nay trông ông không được lấy làm vui. Ông Thựu năm nay đã 75 tuổi, cho biết: Gia đình khó khăn, con cái công việc làm ăn cũng không suôn sẻ, nghe đâu sắp tới công ty nơi con làm phải đóng cổ phần nên khi có chủ trương của ngân hàng chính sách cho vay, ủy thác từ cán bộ hội nông dân các xã, vợ chồng tôi đã vay ngân hàng 10 triệu đồng.
Thông qua ông Ba, là người được UBND xã giao nhiệm vụ làm thủ tục cho các đối tượng được vay, gia đình tôi nhờ ông Ba hướng dẫn làm thủ tục. Khi tôi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết, thì ông Ba có nhã ý bảo tôi vay thêm cho ông ấy 15 triệu đồng. Là chỗ quen biết, lại tin tưởng nhau, ít ra ông Ba là người còn đương nhiệm công việc của Hội nên tôi cũng đồng ý vay với tổng là 25 triệu đồng.
Sau khi vay, hàng quý gia đình đều trích tiền lãi của 10 triệu đồng để ông Ba thanh toán với cán bộ tín dụng ngân hàng. Vay số tiền trên được một thời gian, sau khi tích cóp, vay chỗ này chỗ kia được một phần, sợ "lãi mẹ đẻ lãi con" nên ngày 10/7/2011 gia đình đã cầm đủ số tiền vay gốc của mình là 10 triệu đồng đến nhờ ông Ba hoàn lại cho ngân hàng.
Nhà ông Nguyễn Huy Ba, nơi chủ nhân đang nợ hàng trăm triệu đồng
Tưởng thế là xong, nhưng không ngờ... đến ngày 11/11/2011, tức là sau hơn 4 tháng, có cán bộ ngân hàng đến thu tiền lãi hàng quý, lúc này gia đình tôi mới biết là toàn bộ số tiền cả lãi và gốc lâu nay gia đình tôi đưa cho ông Ba chưa thanh toán cho ngân hàng.
Cùng hoàn cảnh như ông Thựu, trên địa bàn xã Nghi Trường còn có nhiều gia đình "bị ông Ba lừa" như gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (xóm 13), Phạm Hồng Thanh (xóm 11), ông Lê Xuân Nghĩa (xóm 12). Qua thu thập những trình bày, phản ánh của các hộ dân, điều đáng nói ở đây là vì quá tin tưởng vào cán bộ Hội nông dân xã Nguyễn Huy Ba mà các gia đình khi trao tiền cho ông Ba đều không có một giấy tờ gì xác nhận.
Còn với ông Lê Xuân Nghĩa (tổ trưởng tổ vay vốn xóm 12) lại nhờ những hộ nghèo trong tổ của mình vay giúp với danh nghĩa vay cho mình. Số tiền ông Nghĩa vay hộ cho ông Ba gần 20 triệu đồng. Ông Nghĩa cho biết: “Lúc đầu ông Ba nhờ tôi đóng tiền lãi giúp, một quý là 390.000 đồng tiền lãi, số tiền này sau đó ông Ba có trả lại. Được một thời gian, tôi nghe phong phanh ông Ba có vay của nhiều người và không có khả năng chi trả, nên tôi lên nhà yêu cầu thanh toán để trả cho các chủ sổ thì ông ấy lần lữa từ ngày này đến ngày khác rồi đột ngột biến mất khỏi địa phương. Tôi gọi điện thì ông Ba tắt máy, còn nhắn tin cũng không thấy trả lời”.
Trước những thông tin có được, chúng tôi tìm đến nhà ông Ba ở xóm 4 - Nghi Trường. Tiếp phóng viên hôm nay chỉ có vợ ông ở nhà, sau khi đặt vấn đề về những phản ánh của các hộ dân về chồng mình, bà thẳng thắn nhận là có việc một số hộ dân nhờ ông Ba vay tiền, rồi cầm tiền của họ không trả cho ngân hàng.
Bà nói mà như phân trần: Gia đình cũng không đến nỗi túng khó, mà không hiểu sao ông ấy đi làm cái việc không đáng mặt như thế. Chung quy cũng vì ông nghiện vào bài bạc, rồi sinh ra nợ nần. Bây giờ tôi không biết ông ấy còn nợ bạn bè, người dân bao nhiêu nữa nhưng từ tháng 10/2011 ông đã phải bỏ nhà đi vào tận Tây Nguyên đến nay cũng chưa về, thi thoảng ông có gọi điện về cho vợ con. Ngày ông mới đi để lại số nợ gần 400 triệu đồng, mẹ con ở nhà cũng phải xoay xở bán cái này cái kia nhưng cũng chỉ được 100 triệu đồng.
Trong đó trả nợ ngân hàng để lấy "sổ đỏ" của gia đình trước đó ông Ba cắm vay 47 triệu đồng, số ít dành trả cho khoảng 5-6 gia đình. Bà còn cho biết thêm, từ ngày đi đến nay ông Ba cũng đã gửi về được 20 triệu đồng để trả nợ. Qua những lần điện thoại về ông Ba còn nói mình đang nợ nhiều không thể trả một lần được mà phải trả từ từ. Có những trường hợp ông Ba còn nhắn tin trực tiếp cho họ và hứa là bằng mọi cách sẽ trả.
Từ những "nhân chứng" trên đây, có thể khẳng định rằng việc ông Nguyễn Huy Ba - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Trường nhờ các hộ gia đình đứng tên trong sổ vay ngân hàng để "ké" vay thêm cho ông Ba là điều có thật và đến nay chưa thể thanh toán. Điều đáng nói là mọi giao dịch sau lần trực tiếp nhận tiền từ ngân hàng, các gia đình cũng tin tưởng giao hẳn cho ông nên mới để sự việc kéo dài.
Cho đến nay, các gia đình bị mắc lừa ông Ba cũng chỉ biết đến gặp vợ ông Ba đòi nợ, chứ không có gia đình nào viết đơn gửi chính quyền xã để yêu cầu can thiệp. Qua đây cũng nhận thấy rằng, trong vụ việc này, "nạn nhân" không chỉ bị mang nợ ngân hàng số tiền từ ông Ba "ẵm mất" là do nhận thức hạn chế của người dân trong việc nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động tín dụng ngân hàng.
Từ yếu kém này đã khiến cho ông Ba dễ bề "tự tung tự tác", bởi theo quy định khách hàng khi có nhu cầu vay phải đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Đặc biệt, không được vay cho người khác, không được cho người khác “ké” vào một phần. Nếu phát hiện được ngân hàng sẽ yêu cầu những hộ vay phải trả trước thời hạn.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Biên - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Trường cho biết: Trước khi bỏ đi, ông Nguyễn Huy Ba là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Việc ông Ba tự ý bỏ công việc, sau kỳ đại hội Hội Nông dân nhiệm kỳ 2012- 2017, đại biểu dự đại hội cũng đã bầu người mới. "Sau 3 kỳ liên tiếp ông Ba không sinh hoạt Đảng tại chi bộ, chúng tôi đã xóa tên ông khỏi danh sách Đảng viên.
Còn việc vay nợ của ông Ba là việc giữa cá nhân với cá nhân, không liên quan tới Hội cũng như Đảng ủy, UBND xã. Hơn nữa cũng không có người dân nào viết đơn tố cáo ông Nguyễn Huy Ba có dấu hiệu lừa đảo lên Ban Thường vụ Đảng ủy nên chúng tôi không thể xử lý được" - Ông Biên cho biết thêm.
Xuân Thống
.