Từ lâu xã Tri Lễ được biết đến như thủ phủ của cây thuốc phiện và buôn bán ma túy của huyện vùng cao Quế Phong, Nghệ An. Sau nhiều năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, xóa bỏ cây thuốc phiện khỏi đời sống xã hội, với sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, những tưởng đồng bào các dân tộc xã Tri Lễ nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng đã đoạn tuyệt với cây thuốc phiện.
Thế nhưng, sau nhiều năm biến mất, cây thuốc phiện hay còn được gọi với cái tên mỹ miều là cây anh túc vẫn đang nở hoa rực rỡ giữa đại ngàn rừng Quế Phong.
Từ thị trấn Quế Phong theo con đường nhựa lên đến bản Na Ạc, xã Châu Thôn rồi rẽ phải theo đường đất gập ghềnh, phải mất tới một giờ đi xe máy chúng tôi mới đến được bản Mường Lống, xã Tri Lễ. Bản Mường Lống nằm ở sườn đồi bên phải trong một thung lũng khá rộng. Phía trước bản là một cánh đồng rộng, mùa này đang bỏ hoang.
Rẫy cây thuốc phiện giữa thung lũng Huồi Mương
Từ đỉnh dốc của bản tiếp tục đi về phía Bắc mất hơn một giờ đồng hồ nữa sẽ đến một thung lũng rộng chừng vài chục ha có tên Huồi Mương. Đây là khu vực làm nương rẫy của đồng bào người Mông các bản Mường Lống và Huồi Xai. Thế nhưng, thay vào các loại cây hoa màu, mùa này, cây anh túc lại đang nở hoa khoe sắc rực rỡ trên thung lũng Huồi Mương.
Theo một người dân ở đây cho biết, mùa cây anh túc thường chỉ kéo dài khoảng 3 tháng. Trước đó, họ phải chuẩn bị sẵn hạt giống, bắt đầu gieo hạt từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch, đến cuối tháng 1, đầu tháng 2 âm lịch thì cây ra hoa kết quả, cuối tháng 2, đầu tháng 3 là thu hoạch xong.
Cây thuốc phiện thích nghi với khí hậu mát, lạnh có sương mù và nếu trồng chỗ đất tốt, nơi cao ráo thì sản lượng nhựa càng nhiều. Vì vậy, trước khi gieo trồng cây thuốc phiện thì họ phải chuẩn bị hàng tháng trời đi phát cây rừng đốt rẫy để gieo hạt.
Có thể nói, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chặt phá cây rừng trên địa bàn xã Tri Lễ trong những năm qua, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng quý giá. Cây hoa thuốc phiện có độ cao từ 80cm đến 100cm, mỗi cây chỉ có 1 bông hoa, nhiều lắm là 2 bông.
Khi hoa thuốc phiện rụng cánh, quả cây thuốc phiện phát triển lớn dần lên có dạng hình cầu, khi quả xanh căng thì bắt đầu lấy nhựa. Điều khá đặc biệt là khi thu hoạch thì trời phải có nắng to mới cho nhiều nhựa. Thường thì cây thuốc phiện thu hoạch được từ 2 đến 3 lần nhựa, sau vài ba lần như thế quả sẽ héo rồi khô, người trồng cất lại để làm giống vụ sau.
Để thu hoạch nhựa thuốc phiện, người ta dùng lưỡi dao mỏng sắc, thường dao đó được làm bằng 3 lưỡi, rạch dọc theo quả, mỗi quả rạch khoảng 3 đến 4 đường. Rạch sáng ngày hôm nay thì đến sáng mai sẽ tiến hành thu hoạch nhựa và sau 1 tuần đến 10 ngày mới tiếp tục cạo lần khác.
Nếu trồng trên diện tích khoảng 1.000m2 bình thường cũng thu được khoảng 2 kg nhựa thuốc phiện. Còn nếu đất tốt và khi thu hoạch trời nắng to thì sẽ cho khoảng 3 kg nhựa. 1 kg nhựa thuốc phiện được các đối tượng bán chui hiện nay có giá khoảng 15 triệu đến 17 triệu đồng.
Tức là có thể thu nhập từ 30 triệu đến 50 triệu/1.000m2 trồng cây thuốc phiện. Với mức thu nhập siêu lợi nhuận như vậy, hiện nay cây thuốc phiện đang được người dân các bản Mông ở Tri Lễ lén lút trồng. Trong đó, các bản Huồi Xai 1, Huồi Xai 2 và Mường Lống trồng nhiều nhất.
Cụ thể, vào ngày 15/2, lực lượng BĐBP Đồn 519 phối hợp với lực lượng công an, dân quân xã đã tiến hành kiểm tra khu vực thung lũng Huồi Mương đã phát hiện được hàng chục đám rẫy trồng cây thuốc phiện. Đây là điểm tiếp giáp giữa bản Mường Lống với Huồi Xai, là vùng làm nương rẫy của dân bản Mường Lống và Huồi Xai.
Tại đây các cánh rừng già đã bị chặt phá để làm rẫy. Chính tại thung lũng này mở rộng bán kính khoảng 500 mét, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn chục đám trồng cây thuốc phiện. Trong đó, đám nhỏ khoảng 40m2 đến 50m2, đám lớn có diện tích hơn 1.000m2. Hầu hết các đám cây thuốc phiện này đã có hoa, quả.
Thậm chí có đám, trên quả đã có dấu rạch dọc lấy 1 lần nhựa. Khu vực này chủ yếu người dân 2 bản Mường Lống và có cả dân Huồi Xai trồng. Anh Hà Văn Thành, công an viên xã Tri Lễ cho biết: Tại điểm này, lực lượng Đồn Biên phòng 519 cùng với xã đã đi kiểm tra và triệt phá được 7 đám trồng cây thuốc phiện có tổng diện tích 1.220 m2 .
Trong đợt 2, vào ngày 23/2, dưới chân dãy núi Phà Cà Tún, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra và phát hiện được hàng chục đám trồng cây thuốc phiện khác và đã triệt phá được khoảng 4.200m2…
Vậy là sau nhiều năm biến mất, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện đã trở lại trên địa bàn xã Tri Lễ.
Kỳ 2: Hoa anh túc nở dưới chân dãy Phà Cà Tún
Hiến Chương
.