Kinh tế xã hội

Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể: Nhiều chuyển biến tích cực

07:58, 31/10/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã đã và đang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị hàng hóa và khả năng cạnh tranh. Thời gian qua, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện ở các chỉ tiêu về vốn hoạt động, lợi nhuận, thu nhập của thành viên.

Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch góp phần đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn - Ảnh minh họa
Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch góp phần đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn - Ảnh minh họa

Trên thực tế, nếu hoạt động hiệu quả, kinh tế tập thể (KTTT) trong nông nghiệp sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các yếu tố đầu vào trong sản xuất, đồng thời giải quyết “bài toán” đầu ra cho nông sản. Đặc biệt, đây cũng là cơ sở giúp nông dân đứng vững trong xu thế hội nhập, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tại Nghệ An, thời gian qua, công tác đổi mới, phát triển hợp tác xã (HTX) đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2013 - 2017, toàn tỉnh có 168 HTX nông nghiệp thành lập mới; bình quân mỗi năm thành lập mới từ 20 - 30 HTX. Từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, việc chỉ đạo các HTX tổ chức lại hoạt động theo Luật và vận động các địa phương thành lập mới HTX trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến địa phương. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động của các HTX ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH của địa phương cũng như tạo sự gắn kết giữa chính quyền và nhân dân.

Để hỗ trợ loại hình KTTT ngày càng phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Đề án đổi mới và phát triển HTX giai đoạn 2014 - 2020; đồng thời, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX tại Quyết định số 87/2014 ''Quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh'', theo đó, mỗi HTX thành lập mới được hỗ trợ 20 triệu đồng.

Song song với đó, Liên minh HTX tỉnh cũng đặc biệt chú trọng tới công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, HTX cho lãnh đạo doanh nghiệp, HTX tại nhiều địa phương. Hoạt động này nhằm tạo ra nền tảng cơ bản, vững chắc phục vụ sự phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu hội nhập của loại hình KTTT với nòng cốt là HTX.

Với sự hỗ trợ toàn diện của các cấp, ban, ngành, thời gian qua, nhiều mô hình HTX nông nghiệp đã được thành lập và bước đầu hoạt động hiệu quả. Điều đặc biệt, các mô hình này đã huy động được sức mạnh của thanh niên tỉnh nhà trong việc tham gia giải quyết, tháo gỡ những vấn đề “nóng” trên địa bàn, như vấn nạn thực phẩm “bẩn”.

Cũng trong thời gian qua, nhận thức rõ sự cần thiết của việc liên kết giữa các HTX từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, Liên minh HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn Nghệ An đã được thành lập, gồm các HTX: Nông nghiệp Nam Sơn - Quỳnh Lưu, Nông nghiệp Thanh Văn - Thanh Chương, cam Xuân Phú - Quỳ Hợp... Đây là những HTX làm tốt khâu dịch vụ phục vụ đầu vào, hỗ trợ sản xuất cho thành viên, đồng thời tạo được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhờ việc phát huy thế mạnh của từng đơn vị. Mô hình này là cơ sở để xây dựng thêm nhiều chuỗi liên kết sản xuất, góp phần giảm thiểu “bài toán” được mùa rớt giá cũng như tình trạng hàng nông sản sản xuất không được giám sát về chất lượng; qua đó mang lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Hồng Hạnh

Các tin khác