Kinh tế xã hội
Hệ lụy từ việc cho thuê bãi triều nuôi ngao
(Congannghean.vn)-Trong khi đang có đơn thư của công dân nhưng chính quyền vẫn ký hợp đồng với các hộ dân thuê bãi triều nuôi ngao. Hậu quả xảy ra tranh chấp, tàu thuyền ra vào cảng Lạch Thơi bỗng dưng bị ngăn cản, dẫn đến xô xát.
Người dân Quỳnh Thọ cào ngao ở các bãi triều tự nhiên |
Bà Lê Thị Đức (72 tuổi) trú tại xóm Thọ Thắng, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu kể: Năm 1999, chồng bà chẳng may qua đời, để lại cho bà 2 cô con gái và 1 cậu con trai. Hai năm sau, con trai của bà đi biển gặp bão tố cũng bỏ mạng giữa trùng khơi, con dâu Hoàng Thị Thu và 3 đứa cháu nội đang tuổi ăn, tuổi học tá túc cùng bà trong ngôi nhà lụp xụp, cuộc sống thường nhật chủ yếu đi ra bãi triều (dải đất nằm giữa biển với đất liền) để cào ngao, dắt kiếm gạo sống qua ngày. Thời gian gần đây, việc mưu sinh của mẹ con, bà cháu bà Đức gần như bị cấm cửa khi UBND xã Quỳnh Thọ có chủ trương cho các hộ dân ký hợp đồng thuê bãi triều để nuôi ngao.
Trước đó, theo phản ánh của một số hộ dân khác trú trên địa bàn, UBND xã Quỳnh Thọ đã ký hợp đồng với một số hộ dân nuôi ngao ven biển không đúng quy trình, dẫn đến nhiều người dân trên địa bàn đã bị giành mất miếng cơm manh áo, khi ra các bãi triều để cào ngao tự nhiên thì bị các hộ dân ký hợp đồng thuê bãi triều này ngăn cản. Ngoài ra, hệ lụy của việc cho thuê bãi triều còn dẫn đến tình trạng, một số tàu thuyền khi ra vào cửa Lạch Thơi cũng bị ngăn cấm, thậm chí bị các chủ ngao phạt khi cố tình ra vào, dù luật không cấm. Bất luận đang có đơn thư, song UBND xã Quỳnh Thọ vẫn ký hợp đồng với 7 hộ dân để thuê diện tích mặt nước, bãi triều nuôi ngao khiến nhân dân hết sức bất bình. Thậm chí, theo phản ánh, trên địa bàn xã này, năm 2015 có đến 10 hộ dân lập khống hồ sơ nuôi ngao để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước nhưng chính quyền địa phương vẫn không hề hay biết.
Liên quan đến những vấn đề này, ngày 29/9/2017, tại trụ sở tiếp công dân huyện Quỳnh Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Ngọc Bình đã chủ trì buổi làm việc, giải quyết các vấn đề liên quan đến đơn thư của bà Hoan và đối thoại với một số hộ dân xã Sơn Hải và xã Quỳnh Thọ, liên quan đến việc chính quyền xã Quỳnh Thọ hợp đồng với các hộ dân nuôi ngao ven biển.
Vấn đề này, ông Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng, việc công dân đang có đơn kiến nghị, khi chưa được giải quyết thấu đáo các nội dung liên quan mà UBND xã Quỳnh Thọ vẫn ký hợp đồng với các hộ dân nuôi ngao là chưa đảm bảo các quy định. Do đó, xã Quỳnh Thọ cần đánh giá, khảo sát lại toàn bộ diện tích bãi triều để xác định rõ có đủ điều kiện nuôi ngao hay không. Nếu đủ điều kiện thì xây dựng chi tiết phương án tổ chức sản xuất cho từng vùng, xin ý kiến nhân dân và các cơ quan chức năng để tạo sự đồng thuận và hành lang pháp lý. Phương án này là để xác định rõ khu vực nuôi ngao, các lối ra biển khu vực luồng lạch tàu thuyền đi lại và khu vực hành lang ATGT đường thủy, tránh trường hợp tranh chấp, xô xát như đã từng xảy ra trong thời gian qua.
Đối với 7 hộ dân nuôi ngao mà UBND xã Quỳnh Thọ đã ký hợp đồng, huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo xử lý theo hướng chủ hộ nào đã có hồ sơ nuôi thả ngao thì vẫn thực hiện việc hợp đồng cho đến hết thời vụ, sau đó chờ kết quả xử lý của cấp có thẩm quyền. Chính quyền địa phương có trách nhiệm cắm mốc định vị ranh giới, diện tích từng hộ để tránh xảy ra tranh chấp, hộ nào có điều kiện có thể dùng lưới chắn để phân rõ diện tích đã hợp đồng. Những hộ dân đã ký hợp đồng nhưng không có hồ sơ đã nuôi thả ngao thì tạm dừng hợp đồng, không tiếp tục nuôi thả khi chưa có sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền.
Về việc va chạm giữa các chủ tàu thuyền ra vào cửa Lạch Thơi với các chủ nuôi ngao, ông Đặng Ngọc Bình đề nghị các chủ tàu làm đơn trình báo với UBND xã Quỳnh Thọ và giao cho địa phương này hòa giải theo hướng, phải làm rõ vùng đất xảy ra va chạm nằm trong hay ngoài vùng đã ký hợp đồng nuôi ngao. Sau khi xảy ra va chạm, hai bên đã có sự thỏa thuận bồi thường dân sự, tuy nhiên chính quyền cũng cần làm rõ đây là thỏa thuận tự nguyện hay có sự ép buộc.
Cũng liên quan đến việc nuôi thả ngao trên địa bàn, thời gian vừa qua, công dân xã Quỳnh Thọ cũng đã “tố” trên địa bàn xảy ra tình trạng, có 10 hộ nuôi ngao đã lập hồ sơ khống để hưởng chế độ Nhà nước hỗ trợ năm 2015. Hiện nay, huyện Quỳnh Lưu đã giao cho Phòng NN&PTNN phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường xác minh, thẩm định lại hồ sơ của các hộ này để xác thực thông tin, khi có kết quả sẽ có biện pháp xử lý.
Thiên Thảo