Kinh tế xã hội

Không Uber, Grab, taxi truyền thống khó thay đổi

08:18, 30/10/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, nếu không mạnh dạn đưa Uber, Grab vào thị trường thì taxi truyền thống khó thay đổi.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, Đề án thí điểm kết nối vận tải ứng dụng công nghệ được triển khai tại 4/5 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Bảy đơn vị cung cấp phần mềm chính thức tham gia thí điểm và 3 nhà cung cấp phần mềm mới được chấp thuận và đang triển khai thí điểm trên xe của công ty taxi truyền thống.
 
Cụ thể, có 905 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 29.810 xe tham gia thí điểm. Chính sự gia tăng nhanh chóng, vượt xa so với quy hoạch của số lượng xe này đã dẫn đến việc Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng hoạt động Uber, Grab.
 
Hiệp hội này cũng “tố” nhiều sai phạm của Uber, Grab khi hoạt động tại Việt Nam như: Chưa thống kê đầy đủ số lượng xe, gây thất thu thuế và ngân sách, phải đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT…
 
Thêm nữa, các doanh nghiệp taxi truyền thống cho rằng khi Grab và Uber linh hoạt điều chỉnh về giá cước của “taxi công nghệ” trên cơ sở thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ với khách hàng, vì vậy đã đưa ra một giá cước "phi thực tế" hay tình trạng  giá cước "nhảy múa" trong 1 ngày và liên tục có chương trình khuyến mãi chuyến đi...
 
Mới đây, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng bày tỏ sự nghi vấn khi Grab "báo lỗ" tới lũy kế hơn 938 tỷ đồng kể từ khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào tháng 2/2014 tới nay mặc dù doanh nghiệp này đang "lấn át" taxi truyền thống trên thị trường.
 
Trước những yêu cầu đòi hỏi sự công bằng của các hãng taxi truyền thống, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đặt lại vấn đề “vì sao Hiệp hội Taxi Hà Nội lại không đề cập so sánh về mặt công nghệ giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ”.
 
Lãnh đạo ngành giao thông khẳng định, nếu không mạnh dạn đưa phền mềm Uber, Grab vào thị trường thì taxi truyền thống sẽ không có sự thay đổi, thậm chí "làm gì có tới 12 hãng taxi truyền thống tham gia thí điểm ứng dụng kết nối vận tải".
 
Bên cạnh đó, ông Lê Đình Thọ khẳng định, Bộ GTVT đồng tình, cố gắng hướng đến taxi ứng dụng phần mềm công nghệ cao, tạo sự công bằng, chia sẻ. Do đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội cần tập hợp các doanh nghiệp taxi mạnh dạn để bàn tính về xu thế, đổi mới và cách thay đổi trong bối cảnh hiện tại để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đối mặt với thách thức.
 
Mặt khác, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với các Hiệp hội, Uber, Grab để lắng nghe, tìm các giải pháp cho tương lai của đơn vị vận tải.
 
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô và sẽ đưa thêm một chương nữa về ứng dụng khoa học công nghệ.
 
Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi Bộ GTVT đã đăng tải trong đó quy định rõ các đối tượng cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp phần mềm và quyền lợi người dân mong muốn các đơn vị, Hiệp hội vận tải đóng góp ý kiến cho Bộ GTVT nhằm bổ sung thành Nghị định 86 hoàn chỉnh.
 
Liên quan đến kiến nghị do Uber, Grab mà lượng xe kinh doanh vận tải khách ở các địa phương gia tăng nhanh chóng, lãnh đạo Bộ GTVT đã trả lời “theo Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT là đơn vị phụ trách quy hoạch giao thông vận tải cho toàn ngành theo giai đoạn. Sau quy hoạch chuyên ngành, ở các địa phương sẽ có quy hoạch giao thông vận tải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đó.
 
Do vậy, khi số lượng xe đã vượt quy hoạch sẽ gây nên vấn đề ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, vượt quá quy hoạch thì địa phương phải có biện pháp khống chế vì đó là thẩm quyền của địa phương chứ không phải là Bộ GTVT. 
 
"Bộ chỉ đưa ra chủ trương, định hướng và không thể can thiệp sâu vào số lượng bao nhiêu xe của tỉnh”, ông Thọ nói.
Liên quan đến vấn đề nói trên, ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, trong sự phát triển của xã hội, loại hình phương tiện nào tiên tiến được người dân chấp nhận thì sẽ tồn tại, còn không thay đổi sẽ bị đào thải.
 
Riêng về việc Bộ GTVT cho thí điểm Đề án kết nối vận tải ứng dụng công nghệ vừa qua là tốt nhưng phải có tổng kết. Nhà nước phải tạo ra môi trường bình đẳng cho mọi loại hình kinh doanh. Uber, Grab có lợi thế là đi được vào đường cấm taxi, trong khi taxi truyền thống bị ràng buộc và cho rằng chưa có sự bình đẳng. 
 
Vì lẽ đó, ông Tịnh khẳng định Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đơn vị, cơ quan chức năng để có báo cáo Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi Nghị định 86 phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt khi chính sách có bất cập thì phải sửa đổi nhằm phục vụ nhân dân và kinh tế-xã hội tốt hơn.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác