Kinh tế xã hội

Công nghiệp ô tô: Còn lớn được nhưng sao vẫn còi cọc?

08:23, 13/10/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Theo dự báo, năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 3.000 USD và thời kỳ bùng nổ nhu cầu xe hơi sẽ diễn ra ngay sau đó. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa tạo được sự đột phá, giá xe lắp ráp trong nước vẫn cao hơn giá xe nhập ngoại.
 
Nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển đúng mức
 
Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo "Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam" diễn ra ngày 12/10 nêu rõ, tính đến hết năm 2016, trong nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%.
 
Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, GM, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz, Hino) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. 
 
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỉ lệ nội địa hóa cao và đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường nội địa.
 
Cụ thể, xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hóa trung bình trên 20%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55% vượt chỉ tiêu so với quy hoạch.
 
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng cần phải nhìn nhận thực tế đó là ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. 
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất-lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Thậm chí là chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. 
 
"Giá xe tại Việt Nam hiện cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực Thái Lan và Indonesia và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản", ông Tuấn Anh cho hay.
 
Dẫn chứng thêm, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho rằng, chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn không bằng xe nhập khẩu. 
 
Theo đó, đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, thậm chí các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…
 
Như vậy, nếu so với các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, trong đó Thái Lan đạt tới 80% thì tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam thấp hơn rất nhiều.
 
"Nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi Việt Nam gia nhập AFTA," đại diện Cục Công nghiệp chia sẻ thêm.
 
Về phía doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho rằng, do quy mô thị trường nhỏ bé, sản lượng thấp, đơn cử, sản lượng của Vios sản xuất tại Việt Nam chỉ bằng 1/8 của Thái Lan, điều này làm cho chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực. Và cũng bởi do sản lượng còn quá nhỏ, nên các nhà sản xuất phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện CKD để sản xuất ô tô (70-80%). Điều này dẫn đến các chi phí rất cao cho việc đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu.
 
8 giải pháp cần triển khai đồng bộ
 
Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 3.000 USD và thời kỳ bùng nổ nhu cầu xe hơi sẽ diễn ra ngay sau đó. Nhu cầu thị trường ô tô trong nước vào năm 2025 có thể lên đến hơn 600.000 xe/năm. Với quy mô này, thị trường có khả năng tự thu hút các nguồn lực để phát triển ổn định.
 
Nếu như ngành công nghiệp ô tô đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là với các loại xe đến 9 chỗ, thì năm 2025 có thể giảm được 3-7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu, đến năm 2030 con số này sẽ khoảng 5-12 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại, kinh tế vĩ mô.
 
Đây cũng là lý do khiến Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra nhận định: "Ngành công nghiệp ô tô hiện còn nhiều hạn chế nhưng cũng còn nhiều tiềm năng phát triển".
 
 
Lãnh đạo ngành Công thương tiếp tục đưa ra 8 giải pháp cần thực hiện đồng bộ trong thời gian tới để "thúc" ngành công nghiệp ô tô trong nước.
 
Một là, cần tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước bằng cách có biện pháp bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại.
 
Hai là, tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với một số các sản phẩm ô tô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt và có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nước khác trong khu vực.
 
Ba là, điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện và phụ tùng phù hợp theo cam kết đã ký.
 
Bốn là, áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với xe có tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao.
 
Năm là, sớm ban hành Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô nhằm quy định điều kiện cụ thể về ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu tô tô và điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô qua đó đảm bảo thị trường ô tô phát triển bền vững, minh bạch.
 
Sáu là, nghiên cứu, áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước phù hợp cam kết quốc tế.
 
Bảy là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ qua đó tăng tỉ lệ nội địa hoá của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
 
Tám là, nghiên cứu, kêu gọi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án xe điện có quy mô lớn tại Việt Nam, hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nguồn: Phan Trang/Chinhphu.vn

Các tin khác