Khoa học - Công Nghệ

Vai trò của sáng chế trong phát triển kinh tế

08:49, 12/10/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Sáng chế (SC) là tài sản trí tuệ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, SC đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia hay khu vực. Cần có những cơ chế khuyến khích áp dụng SC mang lại giá trị gia tăng, tăng năng suất lao động ở những ngành công nghiệp triển vọng.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, SC được sử dụng trong các ngành công nghiệp thuộc khu vực châu Âu giai đoạn 2008 - 2010 đã tạo ra 1,7 nghìn tỷ ơ-rô, chiếm 14% GDP của Liên hiệp châu Âu. Đối với các ngành công nghiệp của Mỹ, trong năm 2010, riêng SC đã mang lại 763 tỷ USD, chiếm 5,3% GDP. Những đóng góp to lớn của SC vào tăng trưởng kinh tế không chỉ đơn thuần phản ánh vai trò của nguồn lực công nghệ đối với quy mô tăng trưởng mà còn cho thấy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Nhờ có SC, mô hình tăng trưởng kinh tế được chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, từ việc dựa vào mở rộng khai thác nguồn lực sẵn có (lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên...) sang việc dựa vào hiệu quả sử dụng các nguồn lực bằng cách ứng dụng công nghệ. SC không chỉ làm gia tăng tổng cung (sản lượng) của nền kinh tế mà còn làm tăng tổng cầu nhờ làm gia tăng thu nhập từ các nguồn lực và kích thích tiêu dùng. Mức độ sử dụng SC trong các ngành công nghiệp gia tăng có khả năng làm biến đổi cơ cấu kinh tế. SC được coi là một trong những nguồn lực nội sinh dồi dào phục vụ phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Hiện nay mức độ đóng góp của 65 ngành công nghiệp có sử dụng SC, trong đó có các ngành công nghiệp sử dụng nhiều SC vào GDP ở Việt Nam là khá khác biệt. Trong thời gian qua, SC chưa thể hiện được vai trò to lớn của mình trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Nhất là nhiều ngành công nghiệp được coi là có triển vọng, lợi thế lại là những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất tính theo đầu người lao động. Điều đó cho thấy, dường như SC và lao động là hai nút thắt cản trở việc tạo ra giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng, những ngành công nghiệp sử dụng nhiều SC hoặc lao động có trình độ cao sẽ có năng suất lao động cao hơn những ngành công nghiệp sử dụng ít SC hoặc nhiều lao động có trình độ thấp. Do đó, để thúc đẩy vai trò của SC đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở nước ta cần thực hiện một số giải pháp sau: Một là, điều chỉnh động lực tăng trưởng theo ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Hiện nay, xét theo góc độ ngành kinh tế, động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu là ngành công nghiệp gia công lắp ráp sản phẩm, nhất là công nghiệp gia công lắp ráp phục vụ xuất khẩu. Một số ngành công nghiệp có khả năng mang lại giá trị gia tăng cao nhờ sử dụng SC, công nghệ hiện đại lại có đóng góp vào GDP thấp. Động lực tăng trưởng kinh tế dường như vẫn chỉ dừng lại ở các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, gia công lắp ráp và mang lại giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, để hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững, trong đó coi trọng yếu tố SC, công nghệ làm đầu vào, cần phát triển các lợi thế cạnh tranh dựa vào các ngành công nghiệp: cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị; điện tử, tin học; chế biến nông sản... Tăng cường đầu tư và khuyến khích sử dụng các yếu tố tăng trưởng sẵn có và tiềm năng là các SC của người Việt Nam.

Hai là, khuyến khích áp dụng SC để mang lại giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp triển vọng, được lựa chọn ưu tiên phát triển. Những ngành này hiện nay đang có mức độ sử dụng SC thấp và dường như sự phát triển chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh bậc thấp, đó là lao động giản đơn, nguyên liệu thô, sản phẩm sơ chế, vốn vừa và nhỏ, trình độ công nghệ vừa phải. Những ngành này cũng tạo ra giá trị gia tăng thấp và có đóng góp hạn chế vào tăng trưởng GDP. Vì vậy, mô hình tăng trưởng công nghiệp về mặt số lượng cần phải được điều chỉnh lại theo hướng chuyển sang chất lượng dựa trên năng suất và sáng tạo, từng bước tận dụng lợi thế so sánh bậc cao. Các giải pháp kỹ thuật mới, các SC cần phải được áp dụng nhiều hơn trong các ngành công nghiệp được ưu tiên thông qua quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ là SC từ nước ngoài tới làm chủ công nghệ, tự đổi mới, sáng tạo công nghệ mới. Để đẩy nhanh tiến trình ứng dụng đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đặc biệt (chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi tín dụng...) đối với việc sử dụng SC trong các ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển, trong đó lưu ý doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động áp dụng SC được bảo hộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với hoạt động đầu tư công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng SC.

Ba là, tăng năng suất lao động ở những ngành công nghiệp triển vọng thông qua việc nâng cao trình độ lao động. Hiện nay, lao động chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất lớn; lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, nhất là ở những ngành trọng điểm như cơ khí, điện và điện tử... còn thiếu hụt là một trong những nguyên nhân chính cản trở chất lượng tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, các lao động này có xu hướng chuyển dịch từ nông nghiệp sang lĩnh vực khác, chủ yếu sang các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nên chưa tạo sự chuyển biến nâng cao năng suất lao động chung của nền công nghiệp. Thực trạng lao động như trên cũng là một rào cản lớn đối với việc tiếp nhận, hấp thụ và làm chủ SC, công nghệ được chuyển giao vào Việt Nam.

Trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền, trường đại học, cao đẳng cần đổi mới căn bản mục tiêu, phương thức đào tạo nhân lực theo hướng gắn kết chặt chẽ với đòi hỏi của các doanh nghiệp công nghiệp, với cơ cấu lao động của mỗi ngành công nghiệp và thị trường lao động để góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế.

Nguyễn Hữu Cẩn (Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ)

Các tin khác