Kinh tế xã hội

Phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Còn những 'khoảng trống'! (Bài cuối)

09:58, 11/10/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nhất quán chủ trương, đường lối "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân" theo Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX, những năm qua, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày một tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước. Với quan điểm xuyên suốt xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo, định hướng của Đảng về phát triển kinh tế , tuy nhiên, để tổ chức Đảng trong lĩnh vực này trở thành vai trò hạt nhân lãnh đạo còn nhiều vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ.

Bài cuối: Tháo gỡ “nút thắt”

Nghị quyết số 10 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã xác định, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với thực hiện Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tỉnh Nghệ An đang tập trung cụ thể hóa các mục tiêu theo Nghị quyết 26/2013 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế tỉnh đến năm 2020”. Vì vậy, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp là mục tiêu đang được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung ưu tiên giải quyết.

Đồng chí Lê Sơn Châu (thứ 2 phải sang), Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình của chủ doanh nghiệp và công tác phát triển Đảng tại Đảng bộ TRANSCO NO5
Đồng chí Lê Sơn Châu (thứ 2 phải sang), Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình của chủ doanh nghiệp và công tác phát triển Đảng tại Đảng bộ TRANSCO NO5

Đảm bảo hài hòa lợi ích

Thực tiễn tại Công ty cổ phần Vận tải ôtô số 5 của Tổng Công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam do ông Phan Huy Hoàng làm Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty đã chứng minh cho vai trò của tổ chức Đảng trong mối quan hệ với Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Giám đốc Công ty đối với nhiệm vụ chuyên môn trong sản xuất kinh oanh. Với vai trò “đứng mũi chịu sào” của thủ lĩnh “hai vai” đã đưa Công ty trở thành một doanh nghiệp mạnh, tạo được uy tín, thương hiệu với những kết quả khả quan trên các lĩnh vực: Kinh doanh vận tải, hoạt động đào tạo, kinh doanh kho bãi và dịch vụ đại lý vận tải. Từ đó, góp phần đảm bảo việc làm, đời sống và thu nhập cho người lao động; thực hiện đảm bảo 100% người lao động được đóng các loại bảo hiểm như BHXH, BHYT, BHTN và các chế độ chính sách khác.

“Kinh nghiệm được chúng tôi rút ra trong quá trình lãnh đạo, điều hành Công ty đó là vai trò của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty; các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng ủy cũng như các đảng viên. Với bộ máy lãnh đạo ở các vị trí chủ chốt cấp phòng từ phó, trưởng phòng đều là đảng viên nên việc nắm bắt các chủ trương cũng như kế hoạch kinh doanh của Công ty được kịp thời. Từ đó quán triệt đến tận các bộ phận, mũi chuyên môn và người lao động được dễ dàng, hiệu quả trên cơ sở được bàn bạc, thống nhất cao trong Đảng ủy, sau đó mới đưa ra HĐQT và Ban Giám đốc. Đảng ủy Công ty đã phối hợp tốt với HĐQT, Giám đốc Công ty lãnh đạo xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy chế, quy định của Công ty. Với cách làm này đã tạo được sự tin tưởng, yên tâm của người lao động, từ đó mỗi lao động mới toàn tâm, toàn ý làm việc, cống hiến, sáng tạo và gắn bó với doanh nghiệp”, ông Phan Huy Hoàng chia sẻ.

Còn tại Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư xây dựng 424, tiền thân thuộc Tổng Công ty Công trình giao thông 4 (Cienco4), mặc dù sau khi thực hiện thoái vốn Nhà nước trở thành doanh nghiệp tư nhân (tháng 8/2014), hoạt động sản xuất kinh doanh gặp những khó khăn nhất định nhưng tổ chức Đảng với 30 đảng viên, sinh hoạt ở 2 chi bộ (Văn phòng - Hành chính và Công ty khai thác Phả Ngọc) đã thực sự là những hạt nhân trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ.

Theo bà Lê Thị Thúy Vân, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty, do đặc thù hoạt động ở các bộ phận không giống nhau, khoảng cách địa lý khó tập trung nên việc sinh hoạt chi bộ phải kết hợp trong quá trình triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Bản thân đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Công ty là người luôn quan tâm đến công tác Đảng. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo Công ty luôn chú trọng đến xây dựng Đảng, tạo mọi điều kiện để người lao động phấn đấu, cống hiến để sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng, để mỗi người thể hiện rõ vai trò của người đảng viên cũng như sức mạnh của mỗi chi bộ trong tập thể, từ đó gắn trách nhiệm, ý thức của đảng viên với sự phát triển của doanh nghiệp.

Những dẫn chứng trên đây đã lý giải một thực tế, doanh nghiệp nào quan tâm đến công tác xây dựng Đảng thì vai trò, uy tín của tổ chức Đảng và tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên ở đó được khẳng định, giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển. Nhiều tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động và vận động chủ doanh nghiệp chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của người lao động để tham gia với chủ doanh nghiệp giải quyết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần hạn chế những vụ tranh chấp hợp đồng, đình công, lãn công xảy ra, giữ vững ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Có thể khẳng định, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nói chung có thực sự mạnh chính là cơ sở để các đoàn thể hoạt động tốt, tạo động lực thi đua lao động sản xuất, góp phần vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Có tổ chức Đảng, các doanh nghiệp hoạt động có định hướng cụ thể hơn đối với các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời tổ chức Đảng sẽ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quan tâm đến đời sống tinh thần cho người lao động thông qua các hoạt động, phong trào đoàn thể, góp phần động viên cán bộ, công nhân, người lao động.

Nhìn chung, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân, một số chủ doanh nghiệp đồng thuận với chủ trương thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, một số đánh giá cao và tạo điều kiện cho chi bộ hoạt động. Qua đó, đã có tác động lan tỏa, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành các chi bộ tại các doanh nghiệp khác trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Lê Sơn Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết: Đảng ủy Khối luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác vận động phát triển đảng viên cũng như tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng. Phát huy vai trò cầu nối, hàng năm, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã trực tiếp làm việc với các tập đoàn, tổng công ty, các sở, ban, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ngành ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thực hiện duy trì việc tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan với đại diện các hội doanh nghiệp và Đảng ủy Khối để lắng nghe những kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ, góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục giữ được sự ổn định và phát triển.

Đối với công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đoàn thể quần chúng, Đảng ủy luôn quan tâm chăm lo công tác cán bộ, trước hết là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ mạnh; kiên trì chỉ đạo phương châm “nhất thể hóa”, lồng ghép các chức danh cấp ủy Đảng với các chức danh chủ chốt chuyên môn, đoàn thể theo mô hình “3 trong 1” hoặc “2 trong 1”, đặc biệt là vị trí bí thư phải gắn với Chủ tịch HĐQT, Giám đốc hoặc 1 trong 2 chức danh này. Từ đó làm sao trách nhiệm lãnh đạo, điều hành toàn bộ hoạt động công ty đều phải cân nhắc, tính toán kỹ để đảm bảo đúng chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vừa hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.

Giải quyết những vấn đề đặt ra

Tính đến tháng 7/2017, toàn tỉnh có 17.102 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và 2.788 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có từ 30 lao động trở lên, làm việc ổn định có 320 doanh nghiệp. Trong số này có 105 doanh nghiệp có tổ chức Đảng (chiếm 32,8%) với 2.918 đảng viên trong tổng số 8.310 lao động. Sau 3 năm thực hiện Đề án của Tỉnh ủy, có 21 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập (chiếm 12,9%). Nhìn chung, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ (thuộc hạng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), vốn điều lệ thấp, chủ yếu sử dụng lao động thời vụ ngắn hạn.

Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải bố trí lại sản xuất, giảm số nhân công làm việc thường xuyên, không ít doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động hoặc không tìm thấy trụ sở, không thực hiện nghĩa vụ thuế. Do đó, các doanh nhiệp tập trung việc duy trì hoạt động, chưa quan tâm đến công tác xây dựng Đảng cũng như phát triển tổ chức Đảng và đảng viên.

Ngày 24/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2014 quy định bắt buộc các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phải tiến hành thành lập tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng yêu cầu các doanh nghiệp buộc phải thành lập tổ chức Đảng chứ không mang tính vận động. Đối với tỉnh Nghệ An, những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Đề án 5155 của Tỉnh ủy về “Phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giai đoạn 2014 - 2020” là đáng khích lệ. Loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sự phát triển và tăng nhanh về số lượng, tuy nhiên số doanh nghiệp có đảng viên và tổ chức Đảng, đoàn thể chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Điều này ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, định hướng doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người lao động và Nhà nước.

Với những thuận lợi về địa lý, giao thông, Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội
Với những thuận lợi về địa lý, giao thông, Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội

Theo ông Nguyễn Văn Lư, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh, là 1 trong 2 đơn vị điểm triển khai thực hiện Đề án, cái khó nhất là khi chủ doanh nghiệp không phải là đảng viên nên không tạo điều kiện để người lao động phấn đấu vào Đảng; hoặc không mặn mà để thành lập tổ chức Đảng, mặc dù doanh nghiệp có đủ đảng viên để thành lập. Mặt khác, theo Hướng dẫn số 17/2013 về việc thực hiện quy trình kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng còn bất cập (chủ doanh nghiệp phải là quần chúng ưu tú nhưng trên thực tế để xác định quần chúng ưu tú thì phải có nhận xét, đánh giá của tổ chức đoàn thể mà người đó là thành viên như công đoàn hoặc đoàn thanh niên. Trong khi đó, tại Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn lại quy định chủ doanh nghiệp, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước là những đối tượng không kết nạp vào tổ chức công đoàn) đã tạo ra những “rào cản” cho các chủ doanh nghiệp vào Đảng.

Bên cạnh yếu tố khách quan từ phía các doanh nghiệp thì điều cần phải thẳng thắn, đó là cấp ủy các cấp vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt và có giải pháp tác động hiệu quả; sự quan tâm của cấp ủy các cấp cũng chưa đầy đủ, thậm chí một số cấp ủy tuy biết đến Đề án nhưng không thật sự hiểu hết yêu cầu của Đề án để triển khai, do đó chưa thực sự nghiên cứu, trăn trở để tìm giải pháp đẩy mạnh việc phát triển đảng viên cũng như tổ chức Đảng.

“Một số cấp ủy cơ sở chưa nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác giáo dục chính trị tư tưởng của một số cấp ủy cơ sở chưa được coi trọng đúng mức; không ít chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò và trách nhiệm của chi bộ, của đảng viên trong sản xuất kinh doanh nên chưa “mặn mà” với chuyện vào Đảng cũng như chưa sẵn sàng tạo điều kiện để công nhân trong doanh nghiệp của mình phấn đấu trở thành đảng viên. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa có tổ chức Đảng, các đoàn thể như công đoàn, thanh niên nên gặp khó khăn về thủ tục kết nạp Đảng”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp Phan Đình Đạt cho biết thêm.

Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 50% số doanh nghiệp thành lập được tổ chức Đảng; 70% thành lập được tổ chức công đoàn và 60% thành lập được tổ chức đoàn thanh niên hoặc hội liên hiệp phụ nữ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận chỉ đạo tăng cường phát triển, phát huy vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Ngày 29/7/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) đã ban hành Kết luận số 80 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng Đảng ở doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, theo ông Lê Quốc Khánh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là cấp ủy các cấp cần quan tâm tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, các đoàn thể, người lao động về sự cần thiết phải củng cố và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể; thường xuyên rà soát, nắm chắc thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, số lượng công nhân để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, kết hợp với quan tâm, vận động thành lập các tổ chức đoàn thể ở cơ sở làm hạt nhân nuôi dưỡng nguồn cho phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng. Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề tăng cường công tác phát triển Đảng trong sinh viên, học sinh nhằm bổ sung lực lượng lao động được đào tạo là đảng viên cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cần duy trì hoạt động các chi bộ doanh nghiệp đã có từ trước và tích cực bám sát cơ sở để tìm hiểu, động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập, phát triển mới tổ chức Đảng; phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam tổ chức rà soát những đảng viên đang sinh hoạt tại địa phương làm trong các doanh nghiệp để thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên.

Có thể nói, trong bối cảnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp đã được khẳng định. Tuy nhiên, để các tổ chức Đảng trong các khu vực này phát huy được tính tiên phong và tạo sự lan tỏa sâu rộng đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ từ phía các chủ doanh nghiệp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể ở doanh nghiệp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Mỗi chủ trương khi đi vào thực tiễn cuộc sống có thể đều gặp những khó khăn nhất định, nhưng với sự quyết tâm chính trị cao cùng nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo, thiết thực, tin rằng những “nút thắt” trong công tác xây dựng Đảng ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm tháo gỡ, để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế trong tình hình mới.

Xuân Thống - Mai Hậu

Các tin khác