Kinh tế xã hội
Còn những 'khoảng trống'! (Bài 3)
(Congannghean.vn)-Nhất quán chủ trương, đường lối "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân" theo Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX, những năm qua, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày một tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quê hương. Với quan điểm xuyên suốt xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo, định hướng của Đảng, tuy nhiên, để tổ chức Đảng trong lĩnh vực này trở thành vai trò hạt nhân lãnh đạo còn nhiều vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ.
Ông Phan Huy Hoàng (ngoài cùng bên trái), Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Ôtô số 5 gặp gỡ, trao đổi với người lao động đang làm việc tại phân xưởng |
Bài 3: Những “khoảng trống”
Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An được đánh giá là địa phương có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút đầu tư. Cùng với đó, nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi trong thu hút đầu tư được ban hành, quán triệt và triển khai thực hiện. Các thủ tục hành chính được cải cách theo hướng tinh giản, hiện đại hóa, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp và người dân, hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nghệ An đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong sự phát triển sôi động của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang ngày càng khẳng định vị thế và tầm quan trọng với kinh tế tỉnh nhà. Các dự án thu hút đầu tư đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Riêng khu vực FDI hiện nay, số lao động tại khu vực này lên đến 24.000 người. Năm 2016, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 37.000 lao động. Hiện nay, có khoảng 150.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp (có một bộ phận là người ngoài tỉnh).
Trước yêu cầu đó, việc phát triển đảng viên mới và tổ chức Đảng trong các khu công nghiệp (KCN) là một yêu cầu khách quan và cấp thiết, bởi các KCN là nơi tập trung đông lực lượng lao động có trình độ tay nghề, họ cần được trang bị lý luận, nhận thức về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình. Sự hoạt động và phát huy tốt vai trò của tổ chức Đảng là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp tại các KCN. Tuy nhiên, qua phần nửa thời gian Đề án triển khai, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng công tác phát triển Đảng ở một số loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại các KCN ở Nghệ An còn gặp không ít khó khăn.
Khu kinh tế (KKT) Đông Nam là nơi tập trung số lượng công nhân, lao động lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua 10 năm hoạt động, KKT trở thành điểm đến cho hàng trăm doanh nghiệp với các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tính đến 30/12/2016, KKT Đông Nam, các KCN tỉnh Nghệ An thu hút được 178 dự án đầu tư. Trong đó, có 147 dự án trong nước và 31 dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc 11 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc… Hiện, có khoảng 18.000 lao động đang làm việc tại KKT Đông Nam.
Trước nhu cầu bức thiết phải thành lập một tổ chức đoàn thể để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tháng 12/2012, Công đoàn KKT Đông Nam được thành lập. Với bộ máy 5 người, BCH Công đoàn đã nỗ lực trong việc phối hợp với lãnh đạo, Công đoàn các công ty, doanh nghiệp hình thành cầu nối giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Trên thực tế, rất nhiều vụ việc đình công, bãi công, những vụ việc “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa lãnh đạo công ty và công nhân đã được giải quyết kịp thời nhờ tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, đến nay, ngoài tổ chức Công đoàn, KKT Đông Nam vẫn chưa hình thành Đảng bộ.
“Trong rất nhiều diễn đàn, lãnh đạo Ban quản lý KKT đã có đề xuất về việc thành lập Đảng bộ ở các công ty, nhà máy trong KKT Đông Nam để phát triển, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng tại các chi bộ, Đảng bộ cơ sở tại đây. Tuy nhiên, đến nay, sau thời gian dài hoạt động, việc thành lập Đảng bộ KKT vẫn còn bỏ ngỏ”, ông Phan Xuân Hóa, Ủy viên BCH Đảng ủy, Phó Trưởng ban quản lý KKT Đông Nam chia sẻ.
Hiện nay, theo khảo sát mới nhất tại KKT Đông Nam, mới có 18 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức cơ sở Đảng, chiếm 24% (6 tổ chức cơ sở Đảng thuộc khu vực doanh nghiệp Nhà nước, 11 tổ chức cơ sở Đảng thuộc khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và 1 tổ chức cơ sở Đảng thuộc khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) với số lượng đảng viên là 389 người. Trong khi đó, có đến 22 doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa thành lập tổ chức cơ sở Đảng (với số lượng 88 đảng viên). Trong đó, 9 doanh nghiệp có từ 3 đảng viên trở lên (theo quy định đủ để thành lập chi bộ) nhưng chưa thành lập tổ chức cơ sở Đảng; 14 doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức cơ sở Đảng. Và có tới 57 doanh nghiệp chưa có tổ chức cơ sở Đảng (chiếm 76%).
Lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Matrix Vinh, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài |
Đến nay, tổng số đảng viên trong KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An là 479 đảng viên, chiếm 2,76% trên tổng số lao động làm việc tại KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An. Một con số quá ít ỏi trước nhu cầu và thực tế phát triển tại địa phương. “Trên thực tế, số doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tổ chức cơ sở Đảng đạt tỉ lệ thấp, đặc biệt khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đa số tổ chức cơ sở Đảng được thành lập xuất phát từ doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa, các tổ chức cơ sở Đảng vẫn duy trì và tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, một số doanh nghiệp thành lập chi nhánh hoặc nhà máy sản xuất trong KKT, KCN thực hiện cơ chế hạch toán phụ thuộc, do đó việc hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng còn gặp nhiều khó khăn”, ông Phan Xuân Hóa cho biết thêm.
Khó khăn trong phát triển các tổ chức cơ sở Đảng ngoài Nhà nước không chỉ diễn ra tại KKT Đông Nam mà tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, dù các cấp đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Huyện Quỳ Hợp là 1 trong 2 địa phương được chọn điểm thực hiện Đề án 5155 của Tỉnh ủy. Trước khi khảo sát đề án, ở huyện miền núi này có 41 doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong những năm qua, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ở khu vực này nói riêng trên địa bàn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của huyện; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho khoảng 6.300 lao động, chiếm 43% trong tổng giá trị sản xuất toàn huyện.
Sau 3 năm thực hiện Đề án 5155, kết quả mà Quỳ Hợp đạt được khá khiêm tốn: Từ năm 2014 đến nay, kết nạp được 2 chủ doanh nghiệp, 8 công nhân vào Đảng, thành lập được 5 tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân, trong đó có 4 tổ chức Công đoàn và 1 tổ chức Đoàn thanh niên; mở 1 lớp đối tượng Đảng dành cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn huyện. Hiện nay, mới chỉ có 1 chi bộ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty khai thác đá vôi YABASHI) được thành lập từ trước, còn sau 3 năm lại đây chưa thành lập thêm được tổ chức Đảng nào trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Phan Đình Đạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Hợp, đến nay, trên địa bàn huyện vẫn chưa thành lập thêm được tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân chính khiến Đề án 5155 vẫn chưa tạo sức bật tại Quỳ Hợp chính là xuất phát từ đặc điểm của các doanh nghiệp trên địa bàn. Bởi, dù được xem là địa phương tập trung rất nhiều doanh nghiệp, nhưng thực tế, tại Quỳ Hợp chỉ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và “siêu” nhỏ, sử dụng lao động phổ thông, dưới 20 người. Các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, không ổn định về nguồn nhân lực, khiến công tác chọn lựa cá nhân ưu tú để tạo nguồn phát triển đảng viên gặp muôn vàn khó khăn.
Còn tại TP Vinh, theo ông Đặng Tố Duyệt, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, đến nay, toàn thành phố có 4.049 doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã đăng ký kinh doanh. Hàng năm đóng góp ngân sách cho địa phương khoảng 359 tỉ đồng, chiếm gần 25% tổng thu ngân sách toàn thành phố; sử dụng gần 107.900 lao động. Tuy nhiên, qua đánh giá công tác phát triển đảng viên cũng như tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đối với khu vực này là việc làm vô cùng khó khăn.
Nguyên nhân khách quan là ngoài doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ, số lượng lao động ít, hoạt động thiếu ổn định thì chính chủ doanh nghiệp và người lao động còn “nặng” về sản xuất, kinh doanh, về tiền lương thu nhập, chưa quan tâm đến việc phấn đấu vào Đảng đối với người lao động và thành lập tổ chức Đảng đối với chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số chủ doanh nghiệp không phải là đảng viên không tạo điều kiện để người lao động phấn đấu vào Đảng.
Có thể thấy, doanh nghiệp nhỏ, nguồn nhân lực ít cũng là khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp, công ty trong phát triển Đảng. Như tại Công ty TNHH Strongplus Elevator Việt Hàn. Đây là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 25/6/2013. Công ty kinh doanh các lĩnh vực về thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và cải tạo các loại thang máy với dây chuyền sản xuất hiện đại của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Công ty còn sản xuất và phân phối các sản phẩm cơ khí, bulông, ốc vít, các thiết bị phụ trợ trong các công trình xây dựng trong nước và nước ngoài; nhập khẩu những sản phẩm chất lượng về điện dân dụng, điện công nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo ông Lê Lương Nguyên, Giám đốc Công ty, từ khi thành lập đến nay, mặc dù hoạt động kinh doanh duy trì và phát triển, song toàn Công ty vẫn chưa có đảng viên nào. Nguyên nhân chính là do số lượng cán bộ nhân viên ít (dưới 30 người). Trong khi đó, cán bộ, nhân viên là người trẻ, lúc vào Công ty đều chưa là đảng viên. “Thời gian tới, cùng với sự phát triển ổn định của Công ty, khi số lượng nhân viên tăng lên, xuất hiện những nhân tố điển hình, có tác động tích cực với tập thể thì nhất định lãnh đạo Công ty sẽ quan tâm, hỗ trợ để giới thiệu kết nạp Đảng cũng như phối hợp với chính quyền, địa phương nơi có đảng viên cư trú để thành lập tổ chức Đảng khi có 3 đảng viên trở lên”, ông Nguyên cho biết.
Ý thức rõ vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp đối với công tác phát triển Đảng tại đơn vị, trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để các cấp ủy Đảng bồi dưỡng chủ doanh nghiệp tư nhân để giới thiệu vào Đảng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà kết quả thực hiện vẫn còn rất khiêm tốn.
Ông Dương Quốc Tuấn, Trưởng phòng Đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy chia sẻ: Theo Hướng dẫn 17, tiêu chí để vào Đảng đối với chủ doanh nghiệp luôn cao hơn so với người lao động. Nếu như đối với cán bộ, công nhân viên, chỉ cần Ban Thường vụ cấp trên cơ sở (BTV Huyện, Thành ủy) xem xét thì đối với chủ doanh nghiệp, lại phải chờ ý kiến của BTV Tỉnh ủy, điều này càng gây khó khăn với chủ doanh nghiệp khi muốn tham gia vào Đảng. Do đó, trong 3 năm thực hiện Đề án, các cấp ủy Đảng đã bồi dưỡng được 23 chủ doanh nghiệp tư nhân để giới thiệu kết nạp vào Đảng, trong đó mới có 10 chủ doanh nghiệp được kết nạp vào Đảng.
Qua khảo sát chung và tiếp xúc với các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo các công ty, phần lớn đều có chung nhìn nhận, đó là đa số người lao động đều mong muốn được phấn đấu vào Đảng. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, nhất là không có tổ chức Đảng cho nên công tác phát triển đảng viên mới tại nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Thực tế chứng minh, lợi nhuận và đảm bảo điều kiện làm việc ổn định là mục tiêu lớn nhất của các chủ đầu tư và người lao động tại các công ty, nhà máy. Vì thế, mấu chốt của vấn đề vẫn là giải quyết hài hòa “bài toán” về lợi ích, để thấy rằng, doanh nghiệp có tổ chức Đảng và người lao động vào Đảng thì có lợi ích gì hơn so với khi chưa hình thành.
Muốn vậy, chính những đảng viên, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ phụ trách phân công giúp đỡ phải thật sự tận tâm, làm gương, tạo sự kết nối giữa người lao động với lãnh đạo doanh nghiệp. Cùng với đó, công tác vận động, tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, liên tục, kết hợp với các giải pháp mang tính thực tế, phù hợp với doanh nghiệp. Bởi, nếu không quyết liệt, mục tiêu Đề án được xem là những kỳ vọng trong công tác xây dựng Đảng nhằm tạo đột phá cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển “cất cánh” sẽ khó có thể đi vào cuộc sống, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân cũng như xã hội.
(Còn nữa)
Xuân Thống - Mai Hậu