Thứ Năm, 27/02/2020, 08:11 [GMT+7]

Tôn tạo di tích nhà thờ họ để bảo tồn di sản

(Congannghean.vn)-Những năm trở lại đây, với nguồn công đức to lớn từ con, cháu, nhiều dòng họ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiến hành trùng tu, tôn tạo lại nhà thờ họ với mong muốn nơi thờ cúng tổ tiên được khang trang, to đẹp hơn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do không nắm rõ Luật Di sản, một số nơi đã làm sai nguyên tắc, ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước trong kiểm tra, đánh giá xét bằng công nhận nhà thờ họ là di tích lịch sử văn hóa.

Nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Tất được công nhận là di tích lịch sử                            văn hóa cấp tỉnh
Nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Tất được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Tất, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, mỗi năm, cứ vào dịp rằm tháng Giêng, con cháu lại tề tựu đông đủ. Theo gia phả, dòng họ Nguyễn Tất thờ ông Tổ Nguyễn Văn Lang, gốc Thanh Hóa vào lập nghiệp năm 1443 là người thông minh hiếu học, văn võ song toàn nên sớm đỗ đạt và được làm quan đại thần, khi mất được triều đình đúc tượng vàng và truy tặng tước vương - Nghĩa quân Vương. Ngoài ra, dòng họ thờ 3 ông tổ đều là những người tinh thông văn võ, ý chí hơn người, có nhiều công lao phụng sự đất nước. Các vị tổ dòng họ Nguyễn Tất đã có công lớn khai dân lập làng vùng Tân Sơn, Minh Sơn, biến vùng đất hoang vu thành cánh đồng trăm mẫu. Nối tiếp truyền thống của tổ tiên, trải qua hàng trăm năm, các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Tất đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước.
 
Nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Tất còn lưu giữ được 3 công trình kiến trúc cổ và nhiều hiện vật quý, như: Gia phả, sắc phong, long ngai, đại tự, câu đối có giá trị lịch sử văn hóa và mỹ thuật. Nhà thờ từ trước đến nay là nơi sinh hoạt tâm linh của nhân dân và dòng họ. Với những đóng góp to lớn, ngày 5/8/2013, nhà thờ Đại tôn họ Nguyễn Tất được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, sau nhiều lần tu bổ, nhà thờ được xây dựng khang trang, con cháu ai nấy đều vui mừng phấn khởi..
 
Có thể thấy, nhà thờ họ trường tồn tượng trưng cho một dòng họ bền vững, lâu đời, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn. Tìm về với nhà thờ họ, chúng ta được tìm về với tổ tiên, hướng về nguồn cội. Hiện, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 165 nhà thờ họ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Thời gian qua, nhằm đáp ứng tâm nguyện của con cháu thông qua các nguồn xã hội hóa, công đức, cung phụng, nhiều dòng họ đã tiến hành tôn tạo, xây dựng lại nhà thờ họ khang trang, to đẹp hơn. Có những dòng họ xây mới nhà thờ lên đến tiền tỉ. 
 
Theo Luật Di sản, một di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa phải đảm bảo đầy đủ hai phần: Phần tích (tức là đang thờ cúng những người có công với dân, với nước) và phần di sản (gồm gia phả, sắc phong, hương án...). Sau khi các ngành liên quan kiểm tra thấy có đủ điều kiện làm hồ sơ, thì cán bộ di tích mới hướng dẫn cho dòng họ các thủ tục tiếp theo. Vừa qua, Ban Quản lý di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An tổ chức đợt khảo sát lập hồ sơ để đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh các nhà thờ họ năm 2020. Qua việc khảo sát, đoàn công tác đánh giá cao các dòng họ đã thực hiện tốt việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu, phục dựng. Các nhà thờ đã thực hiện tốt việc giữ gìn nhiều cổ vật quý của các thế hệ để lại như: Nhà thờ cổ, sắc phong của các triều đại ban tặng và nhiều đồ tế khí; hội đồng gia tộc các dòng họ đã làm tốt công tác vận động con cháu đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nhà thờ đáp ứng nhu cầu tâm linh.
 
Không phủ nhận bên cạnh nhiều dòng họ đã xây dựng nhà thờ theo đúng tiêu chuẩn thì tại một số nơi, do không nắm rõ Luật Di sản, một số dòng họ, sau khi xây dựng nhà thờ có cách bài trí không phù hợp, làm biến đổi di tích. Thiết nghĩ, dù là nguồn kinh phí nào thì khi trùng tu, tôn tạo di tích nhà thờ họ cần phải xin ý kiến của các ban, ngành chức năng để nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
.

Phan Tuyết

.