Chủ Nhật, 26/01/2020, 06:26 [GMT+7]

Thiếu tướng Lê Văn Khiêu: Vị tướng của những nụ cười dí dỏm!

(Congannghean.vn)-Như mấy lời phi lộ trước đây khi viết về ông, tôi không phải là người đồng vai phải lứa với ông ở trên mọi phương diện (nếu không nói là có một khoảng cách rất xa). Nhưng do đặc thù công tác chuyên môn nên tôi vinh dự có nhiều điều kiện thuận lợi được tiếp xúc gần gũi để đàm đạo, thậm chí là để trao đổi công việc cùng ông. Qua những lần tiếp xúc ấy, ngoài năng lực và sở trường về công tác nghiệp vụ chuyên môn, tôi thấy ông là người rất dễ gần, thân thiện, nhất là hết sức thoải mái, vui vẻ bởi tính cách dí dỏm của ông. 

Đồng chí Đại tướng Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ  và Thiếu tướng Lê Văn Khiêu, Giám đốc Công an tỉnh trong dịp Bộ trưởng  về thăm và làm việc tại Công an tỉnh Nghệ Tĩnh - Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Đại tướng Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thiếu tướng Lê Văn Khiêu, Giám đốc Công an tỉnh trong dịp Bộ trưởng về thăm và làm việc tại Công an tỉnh Nghệ Tĩnh - Ảnh: Tư liệu
Sau đây là một số mẩu chuyện nhỏ về tính cách ấy của ông mà tôi là người trong cuộc, hay nói đúng hơn là một phần của sự dí dỏm ấy.
 
1. Vào khoảng tháng 8/1989, ông gọi tôi lên phòng làm việc để giao nhiệm vụ: Tạp chí Nghiên cứu khoa học Công an yêu cầu Công an ghệ Tĩnh viết bài về 20 năm Công an Nghệ Tĩnh thực hiện Di chúc của Bác để chuẩn bị tham luận cho một cuộc hội thảo khoa học sắp tới của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). 
 
Ngày hôm sau, tôi mang sản phẩm đến cho ông để xin ý kiến. Mặc dù đang bận tiếp khách nhưng thấy tôi ngập ngừng, lấp ló ngoài cửa, ông vẫn gọi vào. Tôi vào, thấy trong phòng ông có đến 5 người (trong đó có anh Nguyễn Hữu Hùng và anh Nguyễn Hữu Xuyên - lúc ấy là Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng Hậu cần cùng vài người nữa ở bên Tỉnh ủy tôi không biết tên) nên tôi đưa bản thảo cho ông xong rồi định ra về ngay thì ông chỉ vào ghế trống cạnh anh Hùng bảo tôi ngồi lại để làm việc luôn. Ông giới thiệu tôi với mọi người, gán cho tôi đúng “ba nhà” (Nhà nghiên cứu khoa học, Nhà nghiên cứu lịch sử và... Nhà thơ) làm tôi ngượng chín mặt (!) Xong, ông đưa lại bản thảo cho tôi rồi bảo tôi đọc to cho mọi người cùng nghe để góp ý một thể. Ông còn nói thêm “Ba anh thợ da bằng Gia Cát Lượng, hôm nay ta có đến sáu người cơ mà, phải bằng hai ông Gia Cát Lượng ấy chứ!". Khi tôi đọc xong, ông liền hỏi mọi người: “Các ông nghe thế nào, xuôi tai đấy chứ?". Có lẽ do ông vừa hỏi vừa kết luận luôn nên mọi người ai cũng... khen! Khi tôi đưa bản thảo cho ông, ông cầm và xem lại lần nữa; khi gửi lại cho tôi, ông nói: “Sau này trước khi chết tớ cũng viết Di chúc nhưng ngộ nhỡ Công an Nghệ Tĩnh có tổ chức hội thảo về việc thực hiện Di chúc của tớ thì cậu không được viết “kêu và mùi mẫn” như thế này nghe chưa?”. Mọi người trong phòng đều cười ồ vui vẻ...
Thiếu tướng Lê Văn Khiêu trong chuyến làm việc tại Công an tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) - Ảnh: Tư liệu
Thiếu tướng Lê Văn Khiêu trong chuyến làm việc tại Công an tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) - Ảnh: Tư liệu
2. Trong một lần đến nhà riêng của ông để làm việc, khi đã gần trưa, ông liền đưa cho tôi một tập thơ mới đánh máy của ông và bảo: “Đây là tập thơ có tiêu đề “Thơ Tân Mùi” của tớ. Thơ tớ là thơ Bút Tre nên tớ đưa cho cậu “nhà thơ Bút Sắt” xem qua để góp ý. Nhưng phải nhớ là chỉ được chê, không được khen vì ai xem cũng khen làm tớ phổng mũi to hết cỡ rồi!”. 
 
Nhận bản thảo từ tay ông, tôi vò đầu bứt tai, khổ sở đến cùng cực vì khen Thơ thì dễ, còn cụ bắt phải chê thì khó, vì... quá  tế nhị(!) Thấy tôi đăm chiêu, lo lắng, ông lại nói tiếp: “Nhà thơ “Bút Sắt” phải nhớ là không được khen đấy nhé”. Cực chẳng đã, tôi liền giở hết các trang đọc qua và thốt lên vì sung sướng khi đã phát hiện nhanh ra vài tiểu tiết để... chê (!) Tôi cười và bảo: “Vì Thủ trưởng bắt chê nên em có 2 nội dung cần trao đổi" (tôi tránh không dùng chữ “chê”). Ông vui vẻ nói ngay: “Tốt quá, cậu nói đi, tớ mừng quá”.
 
Tôi nói: “Tập thơ của ta mang tên là THƠ TÂN MÙI nhưng em xem qua thấy nhiều bài không làm vào năm Tân Mùi (1991) mà ở thời gian trước và sau năm Tân Mùi, như thế là không đúng với tên của tập thơ...”. Nghe xong, ông liền cười to và nói cũng to: “Nhà sử học bị ông già này lừa rồi, thơ Tân Mùi là thơ... tui mần! ("tôi làm", nói lái) chứ không chép của ai. Nhầm rồi Nhà sử học ơi!”. Tôi ngớ người rồi cùng cười theo ông (sau này ông kể cho tôi nghe là nhiều người cũng nhầm lẫn như tôi nên khi đưa cho NXB Nghệ An in, xuất bản ông mới lấy tên là VƯỜN THƠ ẤM ÁP TÌNH NHÀ). 
 
Khi  tôi chưa hết cười thì ông lại điềm tĩnh trở lại và nghiêm giọng: “Xong phần một, còn phần hai là gì, cậu nói luôn đi!”. Tôi bình tĩnh thưa: “Em đọc bài “Đến Khe Thơi” thấy phảng phất chất liệu bài "Qua Đèo Ngang" của Bà huyện Thanh Quan, dù bài của Bà huyện Thanh Quan là thơ Đường thất ngôn bát cú, còn bài “Đến Khe Thơi” của Thủ trưởng là thất ngôn tứ tuyệt...". Ông chau mày rồi gặng hỏi: “Cái gì, cậu nói thêm cho tớ rõ?". Tôi liền đọc nguyên văn bài thơ "Qua Đèo Ngang" rồi so sánh với bài của ông, chỉ ra những chỗ trùng nhau về tiết tấu, âm điệu và nhất là cả... câu từ! Nghe xong, thấy ông trầm ngâm lấy tay vỗ vỗ vào trán rồi nói: “Ái chà, chả trách gì tớ thấy bài thơ đó tớ làm dễ thế, nhanh thế và nhiều người khen hay đến thế. Thì ra là tớ ăn cắp thơ (ông không dùng từ “đạo thơ”) của Bà huyện Thanh Quan mà không biết!”. 
 
Thấy ông băn khoăn và có phần tiếc nuối, tôi liền nói: “Dạ, việc nhầm lẫn ấy là rất bình thường trong việc làm thơ Thủ trưởng à. Do vô tình cả thôi vì mình đọc nhiều, viết nhiều nên nhiều khi không nhớ hết thơ của các tác giả khác. Ngay em cũng vậy, khi làm thơ lục bát thường lấy nhiều câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du mà không biết. Do đó em rất ngại làm thơ lục bát là vì thế. Vì Thủ trưởng bắt em phải chê thì em cố ý chê thế thôi!”. Để ông an lòng, tôi lấy một loạt ví dụ về sự trùng nhau qua những bài thơ của các tác giả nổi tiếng, thậm chí của cùng tác giả ở 2 bài thơ của mình. Tôi lấy câu thơ “Biển một bên và em một bên”  của Trần Đăng Khoa với câu thơ trên của Tế Hanh và dẫn chứng thêm một số câu trùng nhau của các nhà thơ Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận... để chứng minh, rồi nói: “Đấy Thủ trưởng xem, với các nhà thơ “Bút Vàng, Bút Ngọc” còn thế thì với anh em mình nhằm nhè gì!”. 
 
Nghe tôi nói xong, ông khen tôi thuộc và hiểu biết nhiều về thơ rồi hỏi: “Thế ta vẫn giữ lại bài ấy cậu nhỉ, bỏ ra thì tiếc lắm!”. Tôi lập tức hưởng ứng: “Tất nhiên rồi, sao lại bỏ chứ!”. Lúc này phong cách khôi hài của ông lại trở về với ông. Trước khi tôi ra về, ông dặn: “Này, chỉ có cậu tò mò, tỉ mỉ nên mới biết thế, không được viết báo nói ông già này ăn cắp thơ Bà huyện Thanh Quan đấy nhé!”. Biết ông đang vui nên tôi cũng mạn phép chắp tay "vái" ông và nói: “Dạ, em không dám, không dám phạm thượng ạ!”.
Thiếu tướng Lê Văn Khiêu đi kiểm tra công tác bảo đảm ANTT - Ảnh: Tư liệu
Thiếu tướng Lê Văn Khiêu đi kiểm tra công tác bảo đảm ANTT - Ảnh: Tư liệu
3. Cuối năm 1992, anh Bùi Ngân lúc bấy giờ là Phó Chánh Văn phòng Công an tỉnh gặp tôi và nói: “Bác Khiêu trước khi nghỉ hưu có nguyện vọng muốn đi mấy nơi trong và ngoài tỉnh để thăm thân và chia tay bạn bè đồng chí, đồng nghiệp. Bác có ý kiến với Văn phòng là cho anh đi cùng để kết hợp thu thập tư liệu cho sử ngành luôn, anh có sắp xếp đi cùng bác được không?".  Được lời như cởi tấm lòng, vì vốn dĩ từ ngày về tỉnh nhà, do đặc thù công việc nên tôi không thể đi đâu ngoài quanh quẩn trong phòng làm việc(!) Ngoài việc định kỳ ra Viện Nghiên cứu khoa học, Viện Nghiên cứu lịch sử ở Bộ rồi Công an TP Vinh và Công an huyện nhà, tôi chưa hề đặt chân đến bất cứ Công an huyện nào trong tỉnh. Nghe anh Ngân gợi ý thế, tôi nhận lời ngay và nói với anh rằng: “Tôi chỉ đi với bác Khiêu “cho vui” thôi, chứ không có thu thập tư liệu, tư gia gì đâu nhé!”.  Anh Ngân cũng cười và nói: “Ừ, anh đi “cho vui” thôi chứ có thời gian đâu mà làm tư liệu”. Chuyến đi dài ngày này với ông có thật nhiều kỷ niệm sâu sắc, tôi chỉ kể hai chi tiết nhỏ về tính dí dỏm của ông:
- Dọc đường lên Tân  Kỳ, ông hỏi tôi về tên một số dòng họ nổi tiếng ở Nghệ An. Tôi liệt kê gần 10 dòng họ nổi tiếng trong tỉnh và đặc biệt nhấn mạnh (nói nhiều, nói sâu) vào dòng họ Ngô của tôi và dòng họ Lê của ông. Ông tỏ ra phấn khích khi nói về dòng họ Lê với các triều Vua nổi tiếng từ thời Tiền Lê đến Hậu Lê. Biết ông đang vui nên tôi giả đò “quan trọng hóa vấn đề” khi “bật mí” cho ông một chi tiết: “Nếu Thủ trưởng biết được một thông tin cực kỳ quan trọng nữa về dòng họ Lê thì Thủ trưởng càng kinh ngạc và tự hào hơn nữa!”. Nghe tôi nói vậy, ông liền quay xuống hàng ghế sau hỏi lại tôi ngay: “Thông tin gì mà ghê gớm vậy, cậu nói đi!". Tôi liền trêu ông: “Không nói được, thông tin này Thủ trưởng phải khao mới tiết lộ!”. Ông cười và nói luôn: “Ồ, chuyện đó đơn giản, trưa và tối nay tớ nhờ Trại giam số 3 và Công an huyện Tân Kỳ chiêu đãi cậu mệt nghỉ. Nào, cậu nói đi!”. Biết ông nóng lòng muốn nghe nên tôi không dám đùa ông nữa. Tôi nói: “Thực ra, dòng họ Lê của Thủ trưởng không chỉ nổi tiếng từ sau thế kỷ X mà còn nổi tiếng hơn nhiều trước cả Công nguyên nữa kia. Theo bộ sách "Cổ Lôi ngọc phả truyền thư” mà nhiều dòng họ trong cả nước đang khai thác để truy nguyên gốc tích đại tộc thì Vua Thục Phán An Dương Vương (208 - 179 TCN) không phải là người Tày (con của vua Tày Thục Chế) như chính sử xưa nay đã chép mà là người dòng họ Lê, tên là Lê Dĩnh (hay Phán) ở Mỹ Đức (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Con cháu nhà Lê Đại tộc ở Việt Nam bắt nguồn từ đây” (thực ra, đây là một cuốn sách cổ đang gây nhiều tranh cãi, giới chính sử đã và đang kịch liệt phủ nhận về nhiều nội dung mà cuốn sách này đề cập). Tôi vừa nói xong, ông lại quay xuống chỉ tay dứ dứ vào tôi và nói vui: "Này, “Nhà sử học” đừng kích bác ông già này nhé! Đâu, hôm nào về đưa cuốn sách ấy cho tớ xem để làm chứng?”. Tôi liền nói cứng: “Vâng, hôm nào về em sẽ đến Thư viện tỉnh mượn cho Thủ trưởng tham khảo”. Tôi nói liều vậy thôi, chứ trong thực tế tôi cũng chỉ biết về bộ sách ấy qua lời kể của một anh bạn họ Lê ở Hà Đông, mà đã thấy mặt mũi bộ sách đó thế nào đâu và chắc gì ở Thư viện tỉnh đã có (ngoại trừ ở Thư viện Quốc gia)! Nghe tôi nói cứng vậy, ông có vẻ tin và nói: “Nếu vậy thì đúng là tự hào thật!”. Nhưng ngay sau đó, ông liền làm ra vẻ nghiêm trọng: “À, không được, không thể tự hào được, mà gia phả nhà mình phải dấu không thể đưa vào. Ai đời gia đình một ông tướng Công an hiện nay lại là hậu duệ của một ông vua mất cảnh giác để lộ bí mật quốc gia, dẫn đến 1.000 năm nô lệ cho Trung Quốc được!”. Ông nói xong, cả ông, tôi và anh Quang (lái xe) đều cười vang!
 
- Sáng hôm sau, trên đường rời Công an Tân Kỳ về Vinh, ông ghé vào thăm gia đình bác Phan Đức Luận (thân phụ đồng chí Đồng - Bí thư Thành ủy Vinh hiện nay), nguyên là Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ đã nghỉ hưu. Gặp nhau, hai ông rất vui, tay bắt mặt mừng. Bác Luận đưa ba anh em chúng tôi tham quan khu vườn nhà bác với đủ loại hoa quả trông rất đẹp mắt. Khi đến vườn cam trĩu quả vàng ruộm của mình, bác Luận giới thiệu về sự kỳ công đi khắp đây đó để tìm cho được giống cam quý có quả to, mọng, ngọt lịm như thế này. Khi vào nhà, bác Luận hái theo 5, 6 quả (bác bảo tôi cầm hộ mấy quả) để mời khách. Bác Luận bảo tôi và anh Quang cắt cam bày ra đĩa. Khi cả mấy người vừa chuẩn bị thưởng thức thì ngoài cổng có khách gọi bác Luận ra trao đổi vấn đề gì đó. Trước khi ra cổng, bác Luận cầm từng miếng cam đặt vào tay ba chúng tôi bảo: “Cứ ăn đi, tôi ra một chốc vào ngay!”.
 
Khi bác Luận vừa ra khỏi phòng, ông liền quay sang bảo tôi: “Này cậu, khi vào thế nào ông Luận cũng hỏi: Cam có ngọt không? Thì dù không ngọt đi nữa cậu vẫn phải nói là ngọt, không được “nói thẳng, nói thật” theo “tư duy khoa học” của cậu đâu nhé!”. Tất nhiên là tôi phải “dạ vâng” theo mệnh lệnh của ông rồi. Bác Luận nói chuyện với khách ngoài cổng hơi lâu, khi bác vào thì hơn phân nửa số cam cắt ra chúng tôi đã dùng hết. Đúng như ông đoán, câu đầu tiên bác Luận hỏi ba chúng tôi là: “Thế nào, cam có ngọt không ba vị khách quý?”. Được sự phân công trước, học theo tính dí dỏm của ông, tôi nhanh nhảu đáp: “Dạ, khi bác vừa ra cổng thì Thủ trưởng Khiêu có dặn là khi bác hỏi dù không ngọt cũng phải nói là cam rất ngọt. Nhưng quả thực là cam bác ngọt thật, ngọt đến mức trước khi về Vinh phải xin bác mấy quả để... quảng cáo!”. Tôi nói xong, mọi người đều cười ồ. Ông liền vỗ tay vào vai tôi nói: “Cậu này làm lộ hết bí mật, lại còn vòi quà nữa, tệ thật!". Bác Luận cười to nhất, lâu nhất và bảo: “Đương nhiên là phải có quà chứ, mấy khi có khách đặc biệt từ Vinh lên thăm!”. Không hiểu trước đó, anh Bạch Hưng Triển (lúc ấy là Phó Trưởng Công an huyện Tân Kỳ) có báo trước với bác Luận hay không, hay là bác luôn hái cam để sẵn trong nhà mà trước khi chúng tôi ra về, bác đã xách ra ba túi cam chuẩn bị sẵn bảo tôi và anh Quang xách ra xe đưa về Vinh làm quà. Khi về Vinh, vì tiện đường nên anh Quang đưa tôi về nhà trước. Ông bảo tôi lấy cam để làm quà cho hai cháu con tôi. Tôi chọn một trong hai túi nhỏ hơn để lấy, thì ông ngăn tay tôi lại và bảo: “Không được, phần cậu là túi to hơn vì nếu cậu không có lời khen độc đáo và vòi quà thì chắc gì ông Luận đã tặng quà!".  Hai thầy trò đang giằng nhau thì hai thằng quý tử nhà tôi chạy ra, ông liền lấy túi cam to trao cho hai cháu. Hai đứa ôm túi cam định chạy thẳng vào nhà, tôi liền quát: “Hai thằng không chào và cảm ơn ông à?”. Hai đứa sững lại, cúi chào ông và cùng nói to như hét: “Chúng cháu chào, cảm ơn ông Khiêu ạ!”. Ông xoa đầu khen hai cháu ngoan và kháu khỉnh!
 
Thấm thoắt thoi đưa, trong tôi những ký ức về ông còn nóng hổi. Thế mà ông đã giã từ con cháu, anh em, đồng chí, đồng đội để về cõi Vĩnh hằng đến nay đã 18 năm ròng! Tôi ghi lại mấy dòng hồi ức này thay nén tâm hương thắp trước Linh vị ông vào dịp Tết Canh Tý năm 2020.
          Xuân Canh Tý năm 2020
.

Ngô Trí Sinh

.