Văn hóa - Giáo dục
Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang
'Viết về lịch sử mang đến những bài học giá trị cho ngày nay…'
13:12, 29/01/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Dưới ngòi bút của Nguyễn Thế Quang, những nhân vật lịch sử như Nguyễn Du, bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ), Nguyễn Công Trứ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khắc họa vừa mang tính chân thực của lịch sử, vừa có nét hư cấu của tiểu thuyết. Đặc biệt, cho dù Nguyễn Thế Quang viết về một câu chuyện lịch sử cách đây vài trăm năm hoặc xa hơn, thế nhưng nó vẫn mang đến những bài học giá trị cho đời sống của chúng ta hôm nay.
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nho học ở “xứ nhút” Thanh Chương, từ tuổi ấu thơ, nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang (SN 1942) đã được rèn dạy về đạo hiếu, về nghị lực và sự tận tâm. Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, từ cấp 2 trường huyện, ông trở thành giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh)… Năm 2003, khi đã nghỉ hưu, có thời gian và điều kiện đọc thêm sử sách, tra cứu tài liệu và đặt chân đến những vùng đất, văn hóa của các nhân vật lịch sử mà ông có ý định sẽ đưa vào tác phẩm, ông mới chuyên tâm vào viết lách. Kết quả, chỉ hơn 10 năm, những tiểu thuyết lịch sử như: “Nguyễn Du”, “Khúc hát những dòng sông”, “Thông reo ngàn Hống” và “Đường về Thăng Long” của tác giả Nguyễn Thế Quang lần lượt được xuất bản.
Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang |
Theo nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang, viết văn là lao động sáng tạo nghệ thuật cao quý, thú vị nhưng cũng cực nhọc. Tuy nhiên, viết văn là để sẻ chia suy nghĩ với mong mỏi cho con người gần nhau hơn, gắn bó được nhiều hơn với cộng đồng, tự hoàn thiện bản thân, vươn tới những giá trị cao đẹp của sự sống. Ông chọn viết tiểu thuyết lịch sử, bởi theo ông, hiện nay, nhất là thế hệ trẻ chưa thực sự mặn mà với lịch sử; nhiều sự kiện lịch sử đang bị hiểu sai lệch, phiến diện. “Viết về lịch sử, quan niệm của tôi không phải là hoài niệm mà để khám phá bản chất của nó, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm hiểu quá khứ với hiện tại, truyền thống với tương lai. Đồng thời, suy ngẫm về thời cuộc hôm nay, sống tốt hơn, vươn tới những điều tiến bộ hơn”, nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang tâm sự.
Trong mỗi tác phẩm của mình, ông lúc nào cũng đắm chìm vào nhân vật và thời đại lịch sử của nhân vật ông viết. Bằng ngôn từ giản dị, mộc mạc, giàu suy nghiệm, thi vị, mỗi cuốn tiểu thuyết lịch sử của ông đều đưa người đọc trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc, lắng mình nghe tiếng vọng của quá khứ; đó cũng là cách nuôi dưỡng và gột rửa tâm hồn mỗi người. Ông đi sâu khai thác đời sống nội tâm phong phú, phức tạp của con người qua các xung đột dữ dội, những thành công và thất bại, những bài học đắt giá. Nhờ đó, thế giới nhân vật trong mỗi tác phẩm của Nguyễn Thế Quang trở nên đa dạng, sinh động và chân thực.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử “Đường về Thăng Long” viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa được xuất bản cuối tháng 10/2019 của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang |
Chọn Nguyễn Du để viết trong cuốn tiểu thuyết cùng tên. Khi viết về nhân vật này, ông muốn gửi gắm những suy nghĩ của mình về cụ Nguyễn Du trong suốt cuộc đời dạy học đến với đồng nghiệp và học trò. Nét độc đáo và cũng là thành công của Nguyễn Thế Quang trong tác phẩm này chính là nhà văn đã khắc họa những nỗi niềm, tâm trạng giằng xé phức tạp của Nguyễn Du trước con người và thời cuộc.
Hay từ những trải nghiệm thực tế cuộc sống được gặp, được nghe về người mẹ đáng kính đã thôi thúc ông viết tác phẩm “Khúc hát những dòng sông”. Những trang viết của nhà văn cho ta hiểu hơn về bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ thời kỳ ở Huế. Bà không chỉ tần tảo sớm hôm, lo toan miếng cơm manh áo cho chồng con mà còn mạnh mẽ và quyết liệt chống lại sự cám dỗ của vật chất, giữ tròn phẩm hạnh. Bà Hoàng Thị Loan cũng hiện lên với một đời sống tâm hồn phong phú và giàu đức hy sinh, nghị lực sống.
Trong “Thông reo Ngàn Hống”, nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang viết về danh nhân Nguyễn Công Trứ - một con người xứ Nghệ tài năng lỗi lạc, thanh liêm, chính trực bậc nhất của dân tộc Việt Nam dưới triều Nguyễn. Mặc dù cuộc đời của Nguyễn Công Trứ có nhiều thăng trầm, nhưng dù bất kỳ ở đâu, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hết lòng vì dân. Hay với tác phẩm “Đường về Thăng Long”, tác giả đã khắc họa hình tượng cao đẹp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lúc là một cậu học sinh cho đến khi trưởng thành, trải qua nhiều mốc thời gian phức tạp song vẫn quyết tâm và giữ niềm tin với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tìm con đường để thay đổi vận mệnh của dân tộc. “Đường về Thăng Long” là một cuốn tiểu thuyết lịch sử thể hiện những điều tâm huyết, những suy nghĩ mới mẻ của tác giả về thời cuộc, về cách đánh giá các sự kiện và nhân vật có vị trí quan trọng trong lịch sử hiện đại của đất nước ta.
Để sáng tạo nên những tiểu thuyết lịch sử đồ sộ với ngần ấy thời gian, đã có lúc nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang tưởng như kiệt sức. Thế nhưng, với niềm say mê, nghĩ về sự háo hức đón đợi các tác phẩm của độc giả, ông lại gắng gượng viết tiếp. Ông chia sẻ, để cho ra một tác phẩm, trước đó ông phải đọc hàng trăm cuốn sách từ nhiều nguồn khác nhau, phải tìm tư liệu về thời kỳ, về những con người mà mình muốn nói tới. Đặc biệt, phải đi thực địa, phải tìm hiểu từ nhiều phía để có góc nhìn khách quan nhất. Đó là công việc mất nhiều thời gian, công sức. Song điều khó nhất khi viết tiểu thuyết lịch sử, đó là hiểu làm sao cho đúng nhân vật, lịch sử để phản ánh đúng tầm cỡ của các nhân vật. Lấy nguyên mẫu từ những nhân vật có thật trong lịch sử như cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… thì phải viết làm sao phản ánh được tầm vóc lớn lao của họ.
“Viết về cuộc đời nhân vật lịch sử ít nhiều đã sống trong lòng dân tộc từ lâu tưởng chừng dễ mà lại vô cùng khó. Dễ vì hình tượng đã được định vị, minh chứng, khẳng định qua thời gian. Khó là một mặt không thể phóng bút tưởng tượng tùy tiện, hư cấu nhưng mặt khác làm sao để người đọc nhận diện được chân dung các nhân vật vừa là nhân vật lịch sử, vừa là nhân vật tiểu thuyết với những phát hiện, kiến giải mới, góc nhìn, nhận thức mới”, nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang bộc bạch. Vì vậy, để có mỗi cuốn tiểu thuyết lịch sử (từ 250 đến hơn 600 trang) giới thiệu tới bạn đọc, nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang phải mất tới 4 - 5 năm “thai nghén”, suy nghĩ, viết đi sửa lại bản thảo...
Giải thưởng Văn học ASEAN được bắt đầu từ năm 1979. Giải thưởng này được trao hàng năm cho các nhà thơ và nhà văn nổi tiếng, có nhiều cống hiến lớn cho văn học của Đông Nam Á. Việt Nam tham gia giải thưởng này từ năm 1996. Nhiều nhà văn Việt Nam từng đoạt giải thưởng này, trong đó có Tố Hữu, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khải... Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang với tiểu thuyết “Thông reo Ngàn Hống” được nhận Giải thưởng Văn học ASEAN và là nhà văn thứ 20 của Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng danh giá và uy tín này.
Phạm Thủy