Văn hóa - Giáo dục

Giữ nét xưa trong lòng Tết hiện đại

07:20, 23/01/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong khi tranh cãi về việc có nên bỏ Tết hay gộp Tết cổ truyền cùng Tết Dương lịch vẫn được dấy lên mỗi dịp cuối năm nhưng chưa có hồi kết, nhiều năm trở lại đây, không ít người dân có xu hướng tổ chức đón Tết một cách tối giản.
 
Việc lược bớt đi những thủ tục bị cho là rườm rà từng khiến không ít người ngại Tết để có thể thật sự tận hưởng những giá trị của Tết đang ngày càng thịnh hành.
 
Đón đầu xu hướng đón Tết một cách tối giản, coi Tết là kỳ nghỉ thực sự cho bản thân và gia đình bằng một chuyến du lịch, vài năm gần đây, phần lớn các hãng lữ hành lớn đã coi du lịch Tết là một trong những thời điểm kinh doanh lý tưởng.
Thay vì coi trọng ăn Tết như xưa, người Việt hiện nay lại chuyển sang chơi Tết.
Thay vì coi trọng ăn Tết như xưa, người Việt hiện nay lại chuyển sang chơi Tết.
Từ trước thềm mùa du lịch Tết năm nay, hàng loạt đơn vị lữ hành lớn như Vietravel, Saigontourist... đều đồng loạt công bố nhiều chùm tour mới với những chính sách ưu đãi hấp dẫn ngày thường khá nhiều. Hầu hết các đơn vị này đều dự báo, lượng khách đặt tour năm nay tăng ít nhất từ 20% cho đến hơn 30% so với các năm trước.
 
Về vấn đề này, họa sĩ Đỗ Phấn, một trong những người nổi tiếng “nặng lòng” với Hà Nội cũng cho rằng, niềm vui đón Tết đang mỗi ngày một suy giảm hơn. Trước đây, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, người ta thường gọi là ăn Tết. Khi đời sống còn nghèo khó và thiếu thốn, muốn có thịt lợn để gói bánh chưng, nhiều gia đình phải dành tem phiếu, nhịn ăn thịt mấy tháng.
 
Ngày Tết, cả nhà tập trung nấu nướng, người nhặt rau, người lau lá, trẻ xúng xính áo quần mới chạy ra chạy vào, tíu ta tíu tít. Không gia đình nào không tập trung nấu nướng, làm cơm cúng tổ tiên ông bà ngày 30, mùng 1 Tết. Nhưng bây giờ đời sống sung túc, người ta muốn ăn những món ngày Tết lúc nào cũng được.
 
Ngay cả ngày Tết, chỉ cần đi một vòng quanh chợ, người ta đã có đủ các món, kể cả những món ăn nổi tiếng và cầu kỳ nhất của người Hà Nội xưa nay. Miếng ăn không còn quan trọng, vô tình, không khí Tết cũng mai một. Nhiều người không còn nói là ăn Tết nữa mà chuyển sang chơi Tết.
 
Nhiều bạn trẻ đón Tết đơn giản bằng cách mua 1 vé máy bay, đi chơi xa nên không sắm sửa làm gì cho phí. Những người lớn tuổi cảm thấy mất mát khi niềm vui đón Tết mỗi ngày giảm đi một ít…
 
Đồng cảm với suy nghĩ của họa sĩ Đỗ Phấn, nhà văn Y Phương cũng chia sẻ rằng, ông vốn là người dân tộc Tày, sống miền xuôi nên cảm nhận rất rõ, không chỉ với người Kinh mà Tết của người Tày hiện nay cũng không còn vui, thiêng liêng như xưa. Với người vùng núi nói chung, người Tày nói riêng, nước rất quan trọng.
 
Nếu đêm Giao thừa, sáng ngày mùng 1 Tết, người Kinh có tục đi hái lộc đầu xuân thì người Tày có tục đi lấy nước. Người Tày còn có bài hát tắm cho tổ tiên và hát vào dịp này. Nghi lễ lấy nước của người Tày ngày Tết rất quan trọng.
 
Với những người lớn tuổi, kể cả người trong thế hệ của ông, những phong tục, nghi lễ như thế đã ăn sâu vào tiềm thức. Nhưng bây giờ, khi Tết đã không còn như thế nữa, ông thực sự thấy vô cùng tiếc Tết xưa… Ông vẫn ao ước, có một ngày, Tết truyền thống của dân tộc sẽ trở về trong sự quan tâm hưởng ứng của người trẻ và nhiều thế hệ tiếp nối khác nữa.
 
Tuy nhiên, trao đổi quanh câu chuyện đón Tết một cách tối giản, cây bút trẻ Lữ Mai lại bày tỏ thái độ không quá bi quan. Lữ Mai kể rằng, cô vẫn nhớ như in những cái Tết thuở ấu thơ trong ngôi nhà nhỏ bên dòng sông Mã, bốn bề gió lạnh, nhưng không khí vô cùng đầm ấm. Từ khi con đường tỉnh lộ vắt ngang ngõ nhà cô thì Tết ở quê cũng khác.
 
Mấy ngày Tết, kể cả mùng 1 Tết, thanh niên trong làng mở loa đài, nhảy nhót, ca hát ầm ĩ. Cha của cô, một người lính về hưu rất buồn. Ông chỉ đi thăm một số bà con hàng xóm rồi về nhà đắp chăn. Sau này, nhiều năm mưu sinh ở Hà Nội, Lữ Mai ngại nhất những cuộc liên hoan, nhậu nhẹt cuối năm hay đón năm mới, người ngồi với người nhưng ít quen thân, vẫn chúc tụng nhau rôm rả. Năm sau, những cuộc liên hoan lặp lại, tất cả lại hỏi nhau như từ đầu vì không nhớ ra nhau.
 
Nhưng, Lữ Mai cũng cảm nhận rất rõ, song hành cùng với những nhiêu khê, rườm rà, nhiều giá trị truyền thống vẫn luôn hiện diện dịp Tết cổ truyền, có khác chăng là chúng ta đón nhận chúng như thế nào mà thôi.
 
Ví dụ, có một năm, bố chồng cô mất vào thời điểm ngày Tết đã cận kề. Năm ấy, Lữ Mai cũng mới được biết, ở quê chồng có phong tục làm đèn thủ công thắp cho người đã khuất. Gia đình nào có người mất trong năm đều làm đèn và thắp sáng ở trên mộ ngày Tết. Vì thế, đêm Giao thừa, cả khu nghĩa trang vẫn sáng bừng ánh đèn. Bao nhiêu người năm ấy qua đời thì nghĩa trang Tết năm ấy có bấy nhiêu ngọn đèn thắp sáng…
 
Gần đây, Lữ Mai cũng cảm nhận, Tết cổ truyền xưa đã dần về lại trong tâm thức của không ít người trẻ. Nếu Tết xưa đứt gãy trong thế hệ của cô và em trai thì đến thế hệ con cái của cô, những giá trị ấy đã dần trở lại. Tết thiêng liêng xưa trở về qua sự háo hức của con trẻ, cách chúng mè nheo mua quần áo mới, trang trí nhà cửa, đi chơi Tết…
 
Vì thế, cô tin, giá trị Tết truyền thống có thể đứt gãy ở thế hệ này nhưng sẽ hồi sinh ở thế hệ kia. Ở đó, câu chuyện của sự đoàn viên sẽ làm nên giá trị không thể thay thế của Tết, giá trị của Tết. Và, dù chúng ta đón Tết như thế nào, đón Tết ở đâu thì cũng phải thật tươi vui thì Tết mới thật sự về.
 

Nguồn: CAND

Các tin khác