Văn hóa - Giáo dục
Huyền tích về nơi vua Lê Thái Tổ dừng chân
16:22, 25/01/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cách đây 597 năm về trước, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi làm chủ tướng đã chọn một vùng căn cứ làm hậu phương chiến lược cho các trận đánh mang tính quyết định, trong đó có hai trận đánh lịch sử, được Nguyễn Trãi miêu tả trong “Bình ngô Đại cáo” là “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Vùng đất đó nay là bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện tân kỳ nơi có lễ hội Bươn Xao nổi tiếng.
Bươn Xao là lễ hội văn hóa lớn nhất được huyện Tân Kỳ tổ chức quy mô, diễn ra vào ngày 20/8 âm lịch hằng năm. Theo tiếng Thái, Bươn Xao có nghĩa là trăng ngày 20, bắt nguồn từ truyền thống lễ giỗ Mẫu, là dịp để nhân dân xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ tưởng nhớ, tri ân người đã khai sinh ra đồng bào dân tộc Thái. Đây cũng là dịp tưởng nhớ công đức của vua Lê Lợi và tướng sỹ cùng các bậc tiền nhân tham gia đánh đuổi giặc Minh xâm lược, đem lại nền hòa bình, độc lập cho dân tộc ta.
Người dân xã Tiên Kỳ rước lễ tưởng nhớ vua Lê Thái Tổ tại lễ hội Bươn Xao |
Truyền thuyết kể rằng, cách đây 597 năm về trước, núi Pù Loi, thuộc bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ là nơi được nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi làm chủ tướng, chọn làm hậu phương chiến lược chuẩn bị cho các trận đánh mang tính quyết định. Trong đó có trận Bồ Đằng thuộc đất Quỳ Châu và đặc biệt là thành Trà Lân (nay là xã Bồng Khê, huyện Con Cuông) - thủ phủ và là căn cứ trọng yếu của quân Minh. Sau khi giành chiến thắng ở hai trận đánh quyết định này, nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục tiến về xuôi, hạ một loạt thành địch rồi tiến quân ra Bắc, giải phóng kinh thành Thăng Long, xóa bỏ ách đô hộ của nhà Minh.
Ông La Văn Minh, một trong những già làng cao tuổi nhất ở bản Thái Minh cho biết thêm, sử sách lưu truyền minh chứng việc bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ khi xưa là căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn - Bình Định Vương Lê Lợi. “Vào khoảng năm 1423, tức gần 6 thế kỷ trước, từ Thanh Hóa, theo đường thượng đạo, nghĩa quân Lam Sơn tiến vào miền Tây Nghệ An. Trên đường tiến quân, chủ tướng Lê Lợi và quân sỹ đã làm nên chiến thắng vang dội ở trận Bồ Đằng, sau đó chọn vùng đất Tiên Kỳ (cách thành khoảng 15 km) làm hậu phương chiến lược, tuyển thêm binh sỹ, luyện tập võ nghệ, được nhân dân trong vùng chi viện lương thảo và sau hơn 2 tháng thì hạ được thành Trà Lân.
Sau chiến thắng ở thành Trà Lân, nhân dân Tiên Kỳ lấy nếp rẫy và mổ lợn làm bánh moọc để tổ chức lễ hội khao quân. Từ đó đến nay, đến dịp 20/8 âm lịch hàng năm, nhân dân nơi đây lại tổ chức lễ hội Bươn Xao. Lễ hội tổ chức trong 2 ngày 17 và 18/9 với các nghi lễ trang trọng cùng các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể thao sôi động, đặc sắc. Trong đó, phần lễ gồm: Lễ yết cáo, lễ rước, lễ tế, lễ dâng hương, lễ tạ và phần hội gồm các hoạt động: Thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co, giao lưu văn nghệ, tham quan đặc sản địa phương… Hằng năm, cứ đến ngày lễ, các đại biểu và đông đảo bà con xã Tiên Kỳ lại làm lễ dâng hương nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao của nghĩa quân Lê Lợi và các bậc tiền nhân đã có công lao chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Ngày nay, nhiều nơi trên mảnh đất Tiên Kỳ còn lưu giữ các địa danh mà nghĩa quân Lê Lợi chiêu binh, tập mã như bãi Tập Mạ, bãi Quyền, đền Thờ làng Vạn thờ tướng Nguyễn Chích, đền thờ tướng Lê Mạnh và dấu tích thành lũy của nghĩa quân tại núi Pù Pán thuộc bản Kẻ Ỏn, xã Tiên Kỳ.
Cách đây mấy năm về trước, xã Tiên Kỳ cũng đã triển khai phục dựng đền thờ nghĩa quân Lê Lợi tại xóm 2, bản Kẻ Ỏn. Ông Hoàng Xuân Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tân Kỳ cho biết, ngày hội Bươn Xao trở thành nét văn hóa truyền thống mang đậm nét đẹp bản sắc của đồng bào Thái ở Tiên Kỳ. Hiện nay, huyện Tân Kỳ cũng đang có ý tưởng xây dựng bản Thái Minh thành điểm du lịch cộng đồng với điểm nhấn là thắng cảnh hang Mó, nghề dệt thổ cẩm và các phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa Thái. Trước đó, vào năm 2016, bản Thái Minh cũng đã được công nhận danh hiệu Làng nghề dệt thổ cẩm.
Ông Trương Công Thạch, Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết thêm, Tiên Kỳ là xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn nhất của huyện Tân Kỳ tính đến thời điểm này. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, với bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc cùng nhiều danh thắng đẹp và đa dạng sinh học, đặc biệt là với những địa danh gắn với huyền tích của vua Lê Thái Tổ, xã Tiên Kỳ được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và được chú trọng đầu tư theo hướng du lịch cộng đồng. Trong chiến lược phát triển du lịch ở Tân Kỳ, xã Tiên Kỳ được xác định là điểm nhấn với mục tiêu đón 3.500 du khách vào năm 2020.
Cũng theo ông Thạch, thực hiện đề án "Phát triển du lịch cộng đồng xã Tiên Kỳ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025", địa phương vận động các hộ dân trong bản tu sửa, nâng cấp nhà sàn và chọn 8 hộ có điều kiện tham gia thí điểm mô hình, chuẩn bị các điều kiện phục vụ du khách. Cùng với đó, địa phương phục dựng lễ hội Bươn Xao truyền thống bài bảnn
Tháng 3/2019, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã tổ chức nghiệm thu, cho triển khai đề tài khoa học "Nghiên cứu nguồn gốc ra đời và giải pháp phát huy lễ hội Bươn Xao trong phát triển du lịch cộng đồng tại xã Tiên Kỳ", do Ths. Phan Hồng Hải làm chủ nhiệm và đơn vị chủ trì là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An. Đề tài được triển khai trong vòng 20 tháng, với mục tiêu nghiên cứu, phát triển lễ hội Bươn Xao một cách bài bản, tương xứng với giá trị truyền thống, gắn với lịch sử của địa danh này.
Thiện Thành