(Congannghean.vn)-Dù không được đào tạo qua trường lớp nào, nhưng mỗi lần đứng trên sân khấu, họ vẫn cháy hết mình vì nghệ thuật truyền thống. Họ là nghệ nhân dân gian - những người nắm giữ, trao truyền hồn cốt của di sản, sáng tạo những giá trị tinh thần mới cho văn hóa dân tộc và quê hương, người “giữ lửa” văn hóa truyền thống.
1. Qua 2 đợt xét tặng, hiện tỉnh Nghệ An đã có 65 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đợt 2 năm 2019, có 26 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp, công lao của các nghệ nhân đã gắn bó cuộc đời với sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị để di sản có sức sống bền vững, lan tỏa sâu rộng như ngày hôm nay.
Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 26 nghệ nhân tiêu biểu |
Nghệ An là nơi hội tụ nhiều màu sắc văn hóa bởi sự chung sống của 6 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ mú, Ơ đu. Những di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc chính là động lực của đa dạng văn hóa. Và những người nắm giữ hồn cốt của di sản ấy - các nghệ nhân - chính là những tài sản quý báu của văn hóa dân tộc. Ở họ toát lên niềm đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo. Qua câu dân ca, giai điệu âm nhạc truyền thống, những nghệ nhân đã để “tiếng lòng” mãi được ngân vang.
Trong số 26 Nghệ nhân ưu tú được vinh danh năm nay, có đến 13 nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian dân ca ví, giặm; 11 nghệ nhân thuộc loại hình trình diễn dân gian khác như ca trù, tuồng, dân ca dân tộc Thái, biểu diễn nhạc dân tộc và 2 nghệ nhân của loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.
2. Gặp nghệ nhân Và Bá Đùa trong buổi lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú tại TP Vinh, anh đã cho chúng tôi được mãn nhãn điệu múa khèn Mông của mình. Tiếng khèn cất lên réo rắt, du dương cùng với sự uyển chuyển, nhịp nhàng của đôi chân kết hợp với màn múa khèn lộn liên vòng đã để lại cho người xem nhiều ấn tượng.
Và Bá Đùa sinh ra và lớn lên ở bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Từ nhỏ, anh đã gắn bó với khèn Mông, thấm đượm giai điệu tiếng khèn từ bố của mình. Năm 12 tuổi, anh đã biết thổi những nốt nhạc đầu tiên trong bài khèn gốc mà khi học khèn ai cũng phải trải qua. Chỉ trong vòng 1 năm, anh đã thổi khèn thông thạo. “Bố tôi không chỉ là một nghệ nhân thổi khèn rất giỏi ở bản, mà ông còn giành thời gian truyền dạy cho con trai thổi và múa khèn để lưu giữ linh hồn của người Mông”, nghệ nhân Và Bá Đùa cho biết.
Trước đây, Và Bá Đùa thường thổi khèn vào các dịp lễ, Tết, trong các phong tục tập quán của người Mông như đám ma, cưới hỏi, lễ hội… Sau này, có thầy dạy múa nên bên cạnh việc thổi khèn là sự kết hợp nhuần nhuyễn các điệu múa. Từng là cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai, sau này là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nhôn Mai, Và Bá Đùa đã cùng với tiếng khèn của mình góp vui trong những đêm diễn văn nghệ quần chúng. Dường như, đằng sau mỗi vũ điệu khèn Mông là một câu chuyện của núi rừng, của những con người trong cộng đồng dân tộc nơi đây. Những ngày lễ Tết, lễ hội quan trọng của đồng bào Mông, tiếng khèn chính là nhịp cầu bắt lời tỏ tình đôi lứa của những chàng trai người Mông, là tiếng reo vui của bản làng khi sương tan, Xuân về tràn trề nhựa sống…
Học thổi khèn và múa khèn rất khó, cần phải có sự kiên trì và niềm đam mê. Thế nhưng, hiện nay, số người lưu giữ nhạc cụ này rất ít, lớp trẻ cũng không mấy mặn mà. Canh cánh giữ hồn của dân tộc qua tiếng khèn, anh Đùa luôn muốn truyền dạy những bài khèn hay cho thế hệ trẻ để lưu giữ văn hóa của dân tộc mình. Được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, anh Và Bá Đùa rất phấn khởi nhưng cũng thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong đó. “Thổi hồn cho di sản, tôi sẽ giữ vững nhiệt huyết, tiếp tục nuôi dưỡng lòng đam mê và sáng tạo đối với di sản văn hóa của dân tộc mình; tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa để góp phần cùng chính quyền, nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị quý báu của di sản văn hóa truyền thống trong cuộc sống thường nhật”, Nghệ nhân Và Bá Đùa chia sẻ.
3. Cứ ngày chủ nhật hàng tuần, lớp dạy hát dân ca Thái cho người dân bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp tại nhà Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Phiên lại rôm rả hẳn lên. Lớp học có từ 12 - 15 người là con em trong bản. Trong ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, các em xúng xính trang phục truyền thống, say sưa hát các làn điệu dân ca Thái.
Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Phiên vui mừng khi được Nhà nước và nhân dân ghi nhận |
Năm nay vừa tròn 70 tuổi nhưng nhìn Nghệ nhân Lương Thị Phiên, hẳn ai cũng thấy độ trẻ trung so với tuổi của bà. Nước da trắng hồng, nụ cười tươi luôn nở trên môi, bà chia sẻ: Sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái, bố mẹ đều là những người có tình yêu sâu nặng với làn điệu dân ca truyền thống, ngay từ nhỏ, bà đã tiếp xúc với các làn điệu dân ca dân tộc mình nên yêu say đắm. Tình yêu đó lớn dần theo năm tháng. Khi chưa đầy 10 tuổi, bà đã có thể tự sáng tác, thể hiện những làn điệu như khắp, xuối, lăm, nhuôn…
Khi trưởng thành, mặc dù theo đuổi nghiệp dạy học, nhưng song hành với đó, bà vẫn luôn dành tình yêu tha thiết cho dân ca. Ngoài giờ lên lớp dạy học, thời gian rảnh rỗi, bà ưu tiên cho việc sưu tầm và sáng tác dân ca. Đầu năm 1969, bà Lương Thị Phiên được điều động đến làm việc tại Huyện đoàn Quỳ Hợp. Thời gian này, bà có điều kiện tiếp xúc với nhiều văn nghệ sỹ hát dân ca và có nhiều cơ hội thể hiện năng khiếu sáng tác, ca hát của mình. “Tôi sung sướng và mãn nguyện khi được thỏa niềm đam mê của mình; vừa được thể hiện, lại là người hướng dẫn cho những “truyền nhân” gìn giữ tinh hoa văn hóa nghệ thuật của dân tộc”, Nghệ nhân Lương Thị Phiên chia sẻ.
Năm 2002, nhận thấy một thực tế, người Thái sống tại Quỳ Hợp khá đông nhưng số người hát được loại hình nghệ thuật này không nhiều, vì vậy, trong bà luôn ấp ủ ước mơ thành lập câu lạc bộ (CLB) dân ca dân tộc Thái. Sau nhiều đêm trăn trở, mơ ước ấy đã trở thành hiện thực. Nhiều năm liền, bà luôn đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhiệm CLB. Ngoài việc duy trì CLB dân ca dân tộc Thái, bà Lương còn đứng ra mở lớp học truyền dạy dân ca Thái cho tất cả con em mọi lứa tuổi ở trong bản. Chia sẻ về những khó khăn, Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Phiên cho biết: “Dù còn thiếu thốn các phương tiện, kinh phí hoạt động còn hạn chế, nhưng bằng tình yêu, đam mê với dân ca, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bảo tồn và phát huy di sản, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hiện, chúng tôi cũng muốn được tập huấn thêm về kiến thức văn hóa dân gian, được giao lưu học hỏi với các CLB khác…”.
Xin được dẫn câu nói của đồng chí Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thay cho lời kết: “Mỗi nghệ nhân được vinh danh hôm nay luôn nêu gương trong việc thực hiện đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đạo đức nghề nghiệp, phát huy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của bản thân trong công cuộc gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa và tiếp tục có những tác phẩm mới có giá trị, xứng đáng với danh hiệu mà Nhà nước và nhân dân trao tặng”.