(Congannghean.vn)-Mặc dù chưa qua trường lớp đào tạo sư phạm, không bụi phấn nhưng họ lại được gọi là những người thầy đặc biệt đang âm thầm, lặng lẽ chịu bao khó khăn, vất vả khổ luyện để hướng dẫn, chỉ bảo tận tình về điều lệnh, quân sự, võ thuật, diễn tập thực binh cho các học viên. Nhờ những thầy giáo đầy nhiệt huyết, tận tâm, tận tụy giúp các CBCS rèn luyện về trí và lực, chính quy, tinh nhuệ, luôn sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), đảm bảo trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) trên quê hương Xô Viết anh hùng.
Rèn luyện CBCS cả về trí và lực
Tôi đến Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Nghệ An (trụ sở 2) vào một ngày giữa tháng 11, tình cờ cũng là lúc đang diễn ra buổi thực hành bắn súng cho các “tân binh” - chiến sỹ nghĩa vụ. Chưa đến 7 giờ nhưng các chiến sỹ đã tập trung đông đủ, chỉnh tề. Thượng úy Nguyễn Văn Nhân, cán bộ huấn luyện của Đại đội Cảnh sát Cơ động quán triệt và kiểm tra quân số trước khi bước vào thực hành huấn luyện “bắn súng”.
Sau khi nghe Thượng úy Nhân quán triệt mục đích, yêu cầu, những quy định, ký tín, ám hiệu trong huấn luyện, các chiến sỹ nhanh chóng đến các vị trí được phân công. Các tư thế, cách cầm súng… bất cứ một động tác nào cũng cần sự nhịp nhàng, chính xác đến từng chi tiết. Khó khăn nhất khi học nội dung này là kỹ thuật bóp cò và tư thế đứng. Nếu học viên không đứng vững sẽ làm mất đường ngắm cơ bản. Kỹ thuật bóp cò còn quan trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của mỗi lần bắn. Đường cò phải đều, đồng nhất để tránh bị giật, làm mất đường ngắm; thời gian bóp cò không quá ngắn (vì cần thời gian vừa đủ để duy trì được đường ngắm chính xác), cũng không quá lâu (tay cầm súng sẽ bị run)... Mỗi lời chỉ dẫn, mỗi lần thị phạm, thầy luôn cân nhắc kỹ lưỡng, dặn dò học viên những trường hợp có thể dễ dàng gây ra chấn thương, để các học viên lưu ý phòng tránh trong khi thực hành. Chính sự tận tâm, tận tình của các giảng viên đã giúp học viên hoàn chỉnh các kỹ năng qua từng tiết học và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Cán bộ Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Nghệ An hướng dẫn các học viên tập luyện võ thuật |
Bên cạnh làm tốt công tác tham mưu thì việc hướng dẫn cho học viên nắm vững các kiến thức nghiệp vụ, chính trị, điều lệnh, cũng như thực hiện thuần thục các kỹ, chiến thuật võ thuật CAND, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị vào thực tiễn công tác, chiến đấu, vững chắc, chuyên sâu và hiệu quả luôn được CBCS Đội Tham mưu, huấn luyện, Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Nghệ An chú trọng. Nhiệt huyết, tận tình, tận tâm, đoàn kết và trách nhiệm nhưng cũng vô cùng nghiêm túc, kỷ luật là phương châm mà mỗi cán bộ của Đội thực hiện khi tham gia huấn luyện cho các học viên.
Bên cạnh huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật CAND cho hàng trăm chiến sỹ nghĩa vụ phục vụ có thời hạn và CBCS trong CAND, hàng năm, Đội Tham mưu, huấn luyện đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật cho CBCS. Từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị cử 18 lượt cán bộ tham gia hướng dẫn, huấn luyện diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện tại các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nam Đàn; cử 8 lượt cán bộ tham gia huấn luyện nghiệp vụ Cảnh sát Cơ động tại Công an TP Vinh và Huyện đội Nghi Lộc. Phối hợp với Trung tâm huấn luyện của Công an tỉnh huấn luyện cách sử dụng các công cụ hỗ trợ, chiến thuật Cảnh sát cơ động cho chiến sỹ nghĩa vụ năm 2019.
Theo Đại úy Nguyễn Hoàng Nam, Phó Đội trưởng phụ trách Đội Tham mưu, huấn luyện Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Nghệ An: Mỗi chiến sỹ CAND phải hội tụ được các yếu tố như: Sức khỏe dẻo dai, ý chí quyết tâm cao, hoạt bát, khôn khéo, bản lĩnh kiên cường, tinh thông nghiệp vụ và dũng cảm. Bởi trong thực tiễn chiến đấu, lực lượng CAND luôn phải đối diện với các đối tượng manh động, sử dụng vũ khí “nóng”, hoạt động theo kiểu băng, ổ nhóm tội phạm nhằm bao vây, khống chế và gây khó khăn cho người chiến sỹ khi làm nhiệm vụ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của họ. Chính vì vậy, bên cạnh việc học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, mỗi học viên phải thường xuyên rèn luyện, trang bị, tôi luyện cho mình đầy đủ những kiến thức võ thuật CAND, biết cách sử dụng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong từng hoàn cảnh, đối tượng để có thể bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân và đồng đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Niềm vui ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11
Nghề làm thầy vốn dĩ đã vất vả, đặc biệt với đặc thù là huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật, diễn tập cho lực lượng CAND còn vất vả hơn khi điều kiện làm việc hoàn toàn ở ngoài trời. Dù mùa hè với nắng nóng 40, 42oC hay mùa đông mưa rét căm căm cũng đều phải “nếm mật nằm gai” cùng các học viên của mình để “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Là người từng có thâm niên trong công tác huấn luyện, Đại úy Trần Trọng Hùng, cán bộ Đội Tham mưu, huấn luyện là một trong những thầy giáo có nhiều thời gian gắn bó với các học viên. Với kinh nghiệm hơn 10 năm đảm nhiệm công tác huấn luyện đã tôi luyện cho Đại úy Hùng nhiều kinh nghiệm trong công tác sư phạm cũng như phương pháp huấn luyện để các học viên dễ tiếp thu nhất.
Đại úy Trần Trọng Hùng chia sẻ: “Khó khăn nhất là khi huấn luyện cho các tân binh - những chiến sỹ nghĩa vụ. Bởi họ đều có tuổi đời còn trẻ, vừa mới tập làm quen xa nhà, môi trường quân ngũ khắc nghiệt với kỷ luật thép nên thời gian đầu còn bỡ ngỡ, tâm lý chưa ổn định, ngại khó, ngại khổ. Vì thế, trên thao trường, chúng tôi nghiêm khắc giáo dục phẩm chất đạo đức, chính trị cho các chiến sỹ; chỉ bảo từng động tác, kỹ năng chiến đấu nhuần nhuyễn, hiệu quả nhưng khi trở về sinh hoạt tại đơn vị (ăn, ngủ, nghỉ…) thì chúng tôi đóng vai trò như phụ huynh, gần gũi, động viên các em cố gắng rèn luyện, học hành tốt, đơn vị sẽ tạo mọi điều kiện, giúp đỡ các em về mọi mặt. Qua đó, tình cảm thầy trò sâu đậm, gắn bó hơn”.
Cán bộ Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Nghệ An đang hướng dẫn cho các học viên biểu diễn khí công |
Đại úy Trần Trọng Hùng cũng cho biết thêm, làm công tác huấn luyện không đơn giản là việc lên lớp dạy cho học viên thuộc động tác mà phải truyền được hứng thú cho các em. Bởi điều lệnh, quân sự, võ thuật, diễn tập vốn là lĩnh vực khô khan, đòi hỏi sự kiên trì và tập trung. Vì vậy, để các học viên phát huy tối đa năng lực của bản thân, phát triển về tư duy, thể lực cũng như kỹ thuật, chiến thuật, hạn chế thấp nhất những chấn thương không cần thiết, sẵn sàng phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sau này, người thầy phải có con mắt quan sát, nắm bắt được tâm lý của học trò, tìm tòi học hỏi nhằm tìm ra phương pháp dạy phù hợp, hiệu quả để các em thích thú và dễ học nhất.
Chia sẻ về những kỷ niệm trong Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Đại úy Trần Trọng Hùng hào hứng kể: “Cảm giác hạnh phúc, vui nhất là khi đến các đơn vị công tác, gặp lại các học viên, đặc biệt, nhiều học viên nhiều tuổi hơn mình, cấp bậc cao hơn nhưng vẫn “chào thầy” với mình. Ngày 20/11 hàng năm, học viên không tặng hoa như ở các nhà tường nhưng vẫn được anh em nhắn tin, gọi điện chúc mừng và thậm chí là gặp gỡ hàn huyên, tâm sự. Hoặc thỉnh thoảng gia đình có việc gì cũng được các học viên chủ động tìm đến chia sẻ, giúp đỡ. Những tình cảm đó thật đáng quý, đáng trân trọng và càng tự hào hơn với nhiệm vụ công tác mà mình đã và đang được làm”.
Chia tay các CBCS Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh cũng là lúc cơn mưa phùn đầu đông ngày càng nặng hạt, quân phục ướt đẫm mồ hôi nhưng các CBCS vẫn say sưa luyện tập. Tiếng còi cùng tiếng hô vang của người chỉ huy vang dền với những động tác võ thuật chuẩn xác của các CBCS khuất dần sau lưng chúng tôi. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, trang, thiết bị phục vụ huấn luyện và nơi ăn chốn ở vẫn còn nhiều hạn chế, song những người thầy đặc biệt mang sắc phục CAND đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình, đóng góp bền bỉ, thầm lặng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo CBCS trong lực lượng CAND, góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo ANCT, TTATXH trong tình hình mới.
.