Văn hóa - Giáo dục
Hiệu quả tích cực từ việc đưa trò chơi dân gian vào trường học
08:36, 12/11/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Khi công nghệ thông tin bùng nổ, học sinh bị lôi cuốn với những trò chơi điện tử, trong đó có những trò chơi bạo lực gây ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần thì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học có một ý nghĩa hết sức to lớn. Không những là sân chơi bổ ích, lành mạnh mà qua đó còn góp phần tạo dựng lại bản sắc văn hóa của dân tộc.
Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã được triển khai từ nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây được xem là một trong những chủ trương nằm trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT phát động. Hoạt động này được gắn liền vào các ngày lễ như: Khai giảng năm học mới, Ngày Nhà giáo Việt Nam, hay vào mùa lễ hội… Những năm qua, các trường học đã thực hiện có hiệu quả việc đưa trò chơi dân gian vào trong nhà trường, nhất là ở bậc học mầm non, tiểu học, THCS.
Vào giờ ra chơi, các em hào hứng với trò chơi bịt mắt bắt dê |
Vào giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy, tại nhiều trường học, các em học sinh đã tự tìm cho mình những trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi. Nét phấn khởi hiện lên trên từng khuôn mặt các em. Sân trường trở nên nhộn nhịp hơn bởi những nhóm học sinh nhảy dây, đánh bi, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê…
Ngoài giờ ra chơi, các trò chơi dân gian thường được lồng trong các chương trình ngoại khóa hay đầu giờ các em vào học. Với các em học sinh miền núi, thường được tổ chức vào các ngày nghỉ. Những trò chơi dân gian diễn ra ngoài trời, luôn gắn bó với môi trường tự nhiên, giúp cho các em hòa nhập với thiên nhiên, từ đó, tạo cho các em có những kỷ niệm đẹp về ngôi trường thân yêu.
Trường Tiểu học Hưng Bình, TP Vinh nhiều năm nay đã thực hiện có hiệu quả việc đưa trò chơi dân gian vào trường học. Điều đó được thể hiện ở việc tổ chức tại các lớp, các khối trong trường thi thố với nhau theo các chủ điểm như Hội khỏe Phù Đổng, mừng Đảng, mừng Xuân…Thông qua đó, tạo cho các em một sân chơi lành mạnh sau những giờ học căng thẳng; giáo dục tinh thần đoàn kết, thể hiện sự khéo léo, thông minh và đặc biệt là giúp các em rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống.
Để văn hóa truyền thống thấm dần vào tâm hồn trẻ thơ, không có cách nào hay hơn là việc áp dụng trò chơi dân gian vào trường học. Sự kết hợp các trò chơi dân gian, trò chơi trí tuệ, trò chơi có tính ứng xử trên cơ sở xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực sẽ giúp các em được ôn luyện, trau dồi thêm kiến thức về lịch sử dân tộc, văn hóa dân gian…
Thực tế cho thấy, trò chơi dân gian không đòi hỏi nhiều về mặt thời gian cũng như kinh phí mua sắm dụng cụ. Tuy nhiên, không phải trường nào, lớp nào cũng áp dụng nó một cách hiệu quả. Vấn đề ở chỗ, do khoảng cách lịch sử khá lớn, nên các em học sinh chưa thực sự hiểu hết được ý nghĩa của các trò chơi. Nếu người tổ chức không khéo dễ dẫn đến nhàm chán, không tạo được hứng thú cho các em. Tại một số trường, còn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường như tài liệu hướng dẫn một số trò chơi hạn chế, nhiều trò chơi đòi hỏi phải có không gian. Ngoài ra, để tổ chức một trò chơi thu hút các em học sinh tham gia thì người chỉ huy, người phụ trách Đội phải có những cách thức tạo sự hứng thú, mà điều đó không phải trường học nào cũng làm được, nhất là hiện nay khi mà các trò chơi game online tác động mạnh đến giới trẻ, nhất là đối với các em học sinh.
Thiết nghĩ, để duy trì và nhân rộng mô hình trò chơi dân gian vào trường học, các trường cần bố trí không gian phù hợp tăng cường lồng ghép vào các tiết sinh hoạt ngoại khóa, giờ thể dục. Bên cạnh đó, bồi dưỡng, tập huấn cho các giáo viên phụ trách Đội tham khảo thêm nhiều trò chơi mới tạo nên sự đa dạng, phong phú. Duy trì, phổ biến và nhân rộng các trò chơi dân gian trong nhà trường không những tạo ra sân chơi lành mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Phan Tuyết