Văn hóa - Giáo dục
Xử lý nghiêm những giáo viên copy sáng kiến kinh nghiệm
(Congannghean.vn)-Viết sáng kiến kinh nghiệm từ lâu đã trở thành phong trào trong ngành Giáo dục. Mục đích nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, bên cạnh không ít sáng kiến kinh nghiệm được thực hiện bằng cả một quá trình lao động miệt mài, cố gắng của giáo viên thì còn nhiều đề tài chạy theo danh hiệu, hình thức.
Giờ học tại Trường Tiểu học Hợp Thành, huyện Yên Thành |
Trên thực tế, nhiều năm qua, danh hiệu thi đua trong ngành Giáo dục gắn tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm. Đây là một trong những tiêu chí cứng để bình xét, đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Theo Nghị định 56 của Chính phủ ngày 9/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, trong đó quy định phân loại, đánh giá giáo viên ngành Giáo dục có 4 mức: Xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu muốn đạt 3 mức đầu thì yêu cầu cán bộ, giáo viên phải có ít nhất 1 sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng và mang lại hiệu quả trong thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận, mới xét các danh hiệu thi đua. Điều này vừa tạo ra phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm trong ngành Giáo dục nhưng cũng vừa tạo ra áp lực cho không ít cán bộ, giáo viên.
Tại Nghệ An, những năm qua, việc viết sáng kiến kinh nghiệm cũng đã được phát động trong toàn ngành. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy một thực tế rằng, việc này đang chạy theo thành tích, làm theo kiểu đối phó. Việc viết sáng kiến kinh nghiệm đa phần giáo viên không hướng tới tính khoa học và hiệu quả của đề tài nhằm chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của mình với đồng nghiệp. Có một số giáo viên không ngại lên mạng internet tải về “cắt, dán”, do vậy, ngoài việc hiệu quả chưa cao thì chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm trở thành một bệnh hình thức, không những người giáo viên, lãnh đạo tốn công sức của mình mà hàng năm phải chi ra một khoản kinh phí lớn để cho người chấm, người đạt giải. Trong khi cái cốt lõi là chất lượng giảng dạy không được coi trọng.
Trước thực tế này, vừa qua, tại cuộc đối thoại với cán bộ, giáo viên các huyện miền núi, G.S Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Từ năm học này, Sở sẽ có nhiều đổi mới trong hoạt động sáng kiến kinh nghiệm của nhà trường. Cụ thể, trước khi viết sáng kiến kinh nghiệm, các giáo viên phải gửi tên, nội dung sáng kiến kinh nghiệm và được Sở GD&ĐT (đối với các trường trực thuộc sở) và Phòng GD&ĐT (đối với các trường trực thuộc phòng) duyệt đề tài mới được viết sáng kiến. Song song với đó, các đề tài phải được gửi trước ngày 30/10 hàng năm. Sau thời gian này, các giáo viên không được thay đổi, tránh tình trạng giáo viên làm đối phó, cuối năm mới viết.
Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho rằng, chất lượng các sáng kiến kinh nghiệm chưa cao, vì thế có không ít sáng kiến “được công nhận mà không dám đưa lên website”. Để các sáng kiến hiệu quả, Giám đốc Sở đề nghị giáo viên không cần phải viết dài đến 100 trang, không cần phải viết lý luận. Thay vào đó, sáng kiến phải “thật”, đi từ vấn đề cụ thể hàng ngày như công tác giáo dục, công tác dạy học để khích lệ giáo viên và phải phổ biến được cho toàn ngành. Thậm chí, sáng kiến có thể chỉ cần viết 30 trang là đủ.
Hiện, Sở GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Trong đó yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm phải là các ý tưởng, sáng kiến mới do tác giả đúc rút kinh nghiệm, sáng tạo từ thực tế. Tuyệt đối không sử dụng các đề tài đã được công nhận ở các cuộc thi khác, các đề tài nghiên cứu ở các trường đại học, cao đẳng, các đề tài đã được hội đồng khoa học ngành công nhận ở các năm học trước. Nếu vi phạm, tác giả phải chịu xử lý theo quy định của ngành.
Phan Tuyết