(Congannghean.vn)-Việc sinh viên vừa đi học vừa tranh thủ tìm việc làm thêm ngoài giờ học là tình trạng khá phổ biến. Thực tế, đây là nhu cầu chính đáng của sinh viên để có thêm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt, nhất là với những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc vừa học, vừa tranh thủ đi làm thêm cũng giúp sinh viên năng động hơn, tự tin hơn và được va chạm, cọ xát từ thực tiễn, qua đó trau dồi, nâng cao kỹ năng sống hơn. Song, những hệ lụy đi cùng cũng không ít. Vì vậy, rất cần sự định hướng, hỗ trợ sinh viên từ gia đình, nhà trường và đặc biệt là kỹ năng sống của chính các em.
Sinh viên, nhóm sinh viên có ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc được vinh danh và trao giải trong chương trình “Ngày hội sáng tạo khởi nghiệp sinh viên” năm 2018 |
Qua tìm hiểu tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP Vinh cho thấy, việc sinh viên đi làm thêm ngoài giờ học hiện nay trở nên khá phổ biến. Nếu như trước kia, chủ yếu sinh viên ở tỉnh, huyện xa, có hoàn cảnh gia đình khó khăn mới đi làm thêm để trang trải thêm cho các chi phí, thì nay làm thêm ngoài giờ học đã trở thành nhu cầu của đa số sinh viên. Có những sinh viên đi làm thêm với những nghề đơn thuần như: Giúp việc, phát tờ rơi, nhân viên phục vụ tại các quán ăn, cà phê…, mục đích là kiếm tiền trang trải cho cuộc sống sinh viên xa nhà. Tuy nhiên, cũng có những sinh viên chọn cho mình những việc làm thêm có liên quan đến ngành học của mình ở trường như gia sư (học ngành Sư phạm, Ngôn ngữ…); cộng tác viên báo chí (học báo chí); phiên dịch, dịch thuật (học Ngoại ngữ)…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc sinh viên đi làm thêm ngoài giờ học cũng có những mặt trái như: Bị khách hàng “bùng” tiền hàng khi làm nhân viên giao hàng; chủ chậm trả/nợ tiền lương; trả tiền lương rất thấp so với mức trung bình lao động phổ thông; bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền… Sinh viên là những người trẻ (thường ở độ tuổi 18 - 22 tuổi), suy nghĩ nhiều khi chưa đủ chín chắn, nên việc sớm va chạm với những mặt tiêu cực từ xã hội mà không được định hướng kịp thời, rất dễ ảnh hưởng đến hành vi, lối sống.
Nguy hiểm hơn, sinh viên dễ trở thành đối tượng tấn công của tội phạm, đơn cử như vụ việc một nam sinh viên làm xe ôm công nghệ bị sát hại ở bãi đất hoang do bị cướp tài sản trong khi chở khách vào cuối tháng 9/2019 vừa qua tại Hà Nội khiến dư luận bàng hoàng, hoang mang, lo lắng. Sự việc này cũng gióng hồi chuông báo động tình trạng sinh viên chọn nghề để làm thêm ngoài giờ học như thế nào cho hợp lý cũng như kỹ năng sống trước những tình huống có thể xảy ra.
Từ thực tế đó cho thấy, để hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đến hoạt động sinh viên làm thêm, giúp sinh viên nhận thức được các nguy cơ rủi ro từ quá trình tìm kiếm việc làm thêm và tự điều tiết được các mục tiêu, không sao nhãng việc học tập, gia đình và nhà trường, các tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh hơn những giải pháp để đồng hành với sinh viên. Đặc biệt, trước hết, chính bản thân mỗi sinh viên phải nhận thức rõ nhiệm vụ chính của mình là học tập. Khi quyết định đi làm thêm ngoài giờ học, cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng công việc phù hợp với ngành học để công việc có thể hỗ trợ cho học tập và ngược lại, đem kiến thức học được phục vụ cho công việc; vừa có tiền trang trải cuộc sống. Khi đi làm thêm ngoài giờ học, mỗi sinh viên phải tự cân bằng thời gian, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe. Cùng với đó, sinh viên phải tự trang bị các kỹ năng sống trước những tác động từ xã hội.
Về phía gia đình, cần có sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên quan tâm, chia sẻ và góp ý, phân tích thêm những dự định của con em mình… Để hỗ trợ và giám sát kịp thời khi các em lựa chọn công việc, sắp xếp thời gian học tập cũng như làm thêm có hợp lý hay không và nhất là khi các em gặp phải tác động tiêu cực, nguy cơ rủi ro gặp phải…
Thời gian qua, nhằm tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và sinh viên, cho các em sinh viên có thêm thu nhập, vừa giúp các em có thêm thu nhập, đặc biệt, khích lệ ý tưởng khởi nghiệp, lan tỏa phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên, Trường Đại học Vinh tổ chức cuộc thi thường niên “Ý tưởng, sáng tạo khởi nghiệp”, thu hút đông đảo sinh viên trong trường tham gia. Hay như hoạt động “Ngày hội sáng tạo, khởi nghiệp sinh viên” do Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên trường tổ chức. Từ cuộc thi, nhiều ý tưởng khởi nghiệp hay của sinh viên đã nhận được sự đầu tư, hỗ trợ phát triển. Đây là hoạt động không chỉ giúp sinh viên thể hiện tính sáng tạo, ứng dụng ngành học của mình trong nghiên cứu, chế tạo mà còn có việc làm, có thêm thu nhập, tạo tiền đề chọn công việc phù hợp cho tương lai rộng mở sau này…
Bên cạnh đó, với vai trò nòng cốt, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Sinh viên Nghệ An thực hiện tốt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức các hoạt động, đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống theo hướng gắn kết giữa lý luận với thực tiễn; thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của sinh viên để có sự hỗ trợ, định hướng kịp thời. Đây cũng được xem là giải pháp nền tảng để sinh viên có nhận thức đúng đắn, tự xác định được cái lợi, cái hại, từ đó có những lựa chọn cách ứng xử và quyết định phù hợp.