Thứ Tư, 30/10/2019, 09:41 [GMT+7]

Nâng cao văn hóa đọc cho người khiếm thị

(Congannghean.vn)-Nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho những người khiếm thị, đảm bảo bình đẳng trong cống hiến và hưởng thụ các dịch vụ văn hóa công, những năm qua, Thư viện tỉnh Nghệ An xây dựng phòng đọc, trang bị tài liệu, thiết bị chuyên biệt, tổ chức thư viện lưu động về cơ sở hỗ trợ, giúp đỡ người kém may mắn này.

Đưa văn hóa đọc đến với người khiếm thị tại cơ sở
Đưa văn hóa đọc đến với người khiếm thị tại cơ sở

Hiện nay, Hội Người mù tỉnh Nghệ An có gần 2.500 hội viên ở 19/20 huyện, thị xã. Việc tiếp cận sách báo, thông tin của người khiếm thị vẫn còn nhiều hạn chế do số lượng sách ít ỏi, đơn điệu và việc đi lại của các hội viên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hiện nay việc tiếp cận sách báo, tài liệu của các hội viên còn hạn chế, họ không thể đọc được theo cách thông thường cũng như thiếu đi những kỹ năng, phương tiện tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin.

Đến nay đã tròn 6 năm, Thư viện tỉnh Nghệ An mở cửa phòng đọc tài liệu dành cho người khiếm thị, đã thu hút số lượng hội viên tham gia. Từ những em học sinh đến những người cao tuổi, đến đây, học viên được tiếp cận với các loại hình tài liệu như sách chữ nổi Braille, sách nói, sách nói kỹ thuật số, sách minh họa nổi…; các phương tiện, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh cấp thẻ đọc, mượn miễn phí suốt đời đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng, phục vụ thông qua Hội Người mù các huyện, thành, thị bằng hình thức lưu động và tại chỗ. Không chỉ đọc sách chữ nổi, tạo ra sách nói, các dịch vụ hướng tới người khiếm thị đã tạo ra nhiều hoạt động hướng dẫn, giúp đỡ người khiếm thị có cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức, tạo ra sản phẩm, giúp người khiếm thị tiếp cận và tham gia vào cuộc sống hàng ngày.

Thay vì tổ chức tại chỗ, năm nay, Thư viện tỉnh sử dụng xe thư viện lưu động đi đến tận cơ sở để phục vụ nhu cầu đọc sách cho các hội viên. Điều này cũng dễ hiểu khi việc đi lại của những người khiếm thị gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong năm, Thư viện tỉnh đã tổ chức 3 - 4 đợt lưu động, cung cấp 80 bộ thiết bị sách nói đi đến các huyện như Tân Kỳ, Nghĩa Đàn… để các hội viên có điều kiện tiếp cận với văn hóa đọc. Những tài liệu sách nói phong phú với nhiều thể loại như tâm lý học, xã hội, chính trị, pháp luật, khoa học tự nhiên, ngôn ngữ… Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Hội Người mù thành phố, Hội Người mù tỉnh trao tặng các tài liệu sách nói cho các hội viên.

Ông Dương Duy Tiến, Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An cho biết: Việc mở phòng đọc tài liệu hay tổ chức các đợt thư viện lưu động dành cho người khiếm thị có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là văn hóa đọc cho người khiếm thị, đảm bảo quyền bình đẳng trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu và cống hiến sức lực của người khiếm thị cho xã hội, thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác Hồ kính yêu.

Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất là sách chữ nổi khan hiếm, giá thành cao, để tổ chức một kho sách chữ Braille rất khó, phải đi vận động, trông chờ vào nguồn khác. Trong khi đó, việc đi lại của các hội viên còn gặp nhiều khó khăn, nhân lực thư viện còn hạn chế, không thể dàn trải, kinh phí hạn hẹp, cho nên việc đi sâu, đi sát, thường xuyên vẫn chưa làm được…

Vừa qua, tại lễ ký kết chương trình phối hợp công tác nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị, bà Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Chương trình hướng tới một số mục tiêu cụ thể, xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc, đẩy mạnh các dịch vụ phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị; cải thiện môi trường đọc, tăng cường vốn tài liệu và các dịch vụ giúp phát triển tư duy, nâng cao khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách tâm hồn và hình thành lối sống lành mạnh, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời ở nhiều phương diện khác nhau.

.

Phan Tuyết

.