Văn hóa - Giáo dục

Nâng cao chất lượng công tác y tế học đường

10:05, 10/10/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Y tế học đường góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn và đảm bảo sức khỏe để học sinh phát triển một cách toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay với những khó khăn, bất cập thì để y tế học đường phát huy tối đa hiệu quả là điều không dễ dàng.

Khám sức khỏe định kỳ cho các em học sinh mầm non
Khám sức khỏe định kỳ cho các em học sinh mầm non

Vừa qua, tại Hội thảo, tập huấn hướng dẫn về công tác y tế trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã cung cấp kết quả khảo sát tại các địa phương cho thấy, cả nước hiện có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; tuy nhiên, tổng số nhân viên y tế trường học chỉ chiếm 74,9%, trong đó biên chế là 53,7%, hợp đồng là 21,2%. Số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học là 25,1%, chủ yếu ở cấp học mầm non. Ngành Giáo dục cũng đánh giá, hơn 10 năm thực hiện chỉ thị của Bộ Y tế về chăm sóc sức khỏe học đường, công tác này vẫn chưa có những thay đổi vượt bậc ở hầu hết các địa phương. Tỉ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%, cùng với đó có khoảng 55% số trường thực hiện quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của học sinh.

Có thể thấy rằng, trường học là nơi tập trung nhiều lứa tuổi, là môi trường dễ lây lan dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm. Tại Nghệ An, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả. Theo đó, 100% các trường đều quan tâm đến chương trình phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt trong trường học: Bệnh quai bị, bệnh thủy đậu và tay chân miệng, sốt xuất huyết; có kế hoạch và phối hợp tốt với ngành y tế triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời.

Các trường công lập xây dựng được các phương án xử lý tình huống và thực hiện chế độ báo cáo cung cấp thông tin kịp thời cho ngành Y tế khi có dấu hiệu bệnh, dịch xảy ra trong trường. Hầu hết các trường học phối hợp và tham gia tốt công tác tiêm chủng phòng bệnh theo chiến dịch hoặc dịch vụ mà ngành Y tế triển khai. Đối với các trường khối mầm non thực hiện lịch vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên. Các trường phổ thông thực hiện tổng vệ sinh hàng tuần, không để ổ trung gian truyền bệnh.

Về cơ bản, các trường đều có kế hoạch và phân công kiểm tra hàng ngày, hàng tuần vệ sinh môi trường, ngoại cảnh: loại bỏ những vật chứa nước có thể phát sinh lăng quăng, phát quang nơi muỗi có thể ẩn nấp gây bệnh sốt xuất huyết, Zika. Đặc biệt là trường có học sinh bán trú trang bị đủ các vòi nước, xà phòng rửa tay và điều kiện làm vệ sinh cá nhân cho học sinh. Với các trường có trường hợp học sinh nghỉ học do nghi ngờ bệnh, nhà trường tiến hành thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn lớp học, phòng ngừa lây lan, liên lạc thường xuyên với phụ huynh để nắm vững tình hình bệnh của trẻ theo yêu cầu và hướng dẫn của ngành Y tế.

Có thể khẳng định, vận dụng những thuận lợi, trong các năm học, các đơn vị trường học trong tỉnh hầu hết đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh và công tác phòng, chống dịch bệnh, tai nạn trong học đường; các trường học đã tích cực, chủ động phối hợp với trạm y tế địa phương tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm học 2 lần. Công tác khám, phân loại và quản lý hồ sơ sức khỏe học sinh của các nhà trường được thực hiện bài bản, đúng quy định. Các dịch bệnh được phát hiện, ngăn chặn, khống chế kịp thời và không để lây lan trong các trường học, giảm thiểu các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học cũng như các tai nạn thương tích.

Bên cạnh những kết quả đạt được, những năm qua, công tác y tế trong các trường học còn nhiều bất cập. Cán bộ làm công tác y tế học đường chuyên trách còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều, còn nhiều hạn chế, giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công tác y tế học đường. Ngoài ra, kinh phí phục vụ cho công tác này nhiều cơ sở giáo dục không có, phần lớn là sử dụng trong nguồn kinh phí trích 7% từ quỹ BHYT. Việc hợp đồng với trạm y tế xã, phường nhiều cơ sở giáo dục không thuận lợi, do trạm y tế đóng ở địa bàn xa, đi lại khó khăn; khi xảy ra tai nạn, ốm đau, việc cấp cứu, chăm sóc ban đầu gặp khó khăn. Chế độ khám sức khỏe cho học sinh đầu năm học chất lượng chưa cao, một số trường có tổ chức khám nhưng chưa phân loại sức khỏe để theo dõi.

Ngoài ra, hồ sơ lưu trữ các văn bản chỉ đạo cấp trên chưa được đầy đủ, cẩn thận và khoa học; việc quản lý, theo dõi sổ sách, thuốc men, dụng cụ y tế đang sơ sài, cán bộ phụ trách một số trường chưa làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo nhà trường về lĩnh vực y tế trường học. Cán bộ phụ trách y tế trường học hầu hết chưa được biên chế, thu nhập thấp nên ảnh hưởng đến công việc, chưa phát huy hết chuyên môn. Một số trường cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, kinh phí cho hoạt động y tế chưa đáp ứng được công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh, phòng y tế đang chung với các phòng khác.

Tất cả các cấp quản lý cơ sở giáo dục cần tập trung xây dựng và phát triển công tác y tế trường học nhằm tạo điều kiện cho học sinh có sức khoẻ tốt để đảm bảo học tập và giúp các em trở thành những con người có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục đào tạo một cách toàn diện. Đó là yêu cầu mà Sở GD&ĐT Nghệ An đặt ra trong năm học 2019 - 2020.

Phan Tuyết

Các tin khác