Văn hóa - Giáo dục
Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo
(Congannghean.vn)-Tiếp bước thành công của chương trình “Tiếp bước em đến trường”, năm học 2019 - 2020, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An đã triển khai mô hình mới “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Mặc dù mô hình mới đi vào hoạt động, song những tình cảm, hành động cao đẹp của người lính biên phòng đã và đang tạo được niềm tin lớn lao cho người dân vùng biên giới; vừa góp phần nâng cao dân trí, vừa thắt chặt tình đoàn kết giữa CBCS với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.
CBCS Đồn Biên phòng Na Ngoi hướng dẫn 2 em Mùa Bá Sâu và Vi Dương Cầm học bài |
Từ nay, 2 cậu bé có hoàn cảnh hết sức khó khăn là Vi Dương Cầm (SN 2011), dân tộc Thái, trú tại bản Tằng Phăn và Mùa Bá Sâu (SN 2008), dân tộc Mông, trú tại bản Phù Khả 2, cùng xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn đã trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Na Ngoi. Hai em có thêm những người “bố mới” và ngôi nhà thứ 2.
Bố đẻ của Mùa Bá Sâu mất sớm, mẹ của Sâu đi thêm bước nữa với người đàn ông Lào và định cư luôn tại đây. Sâu về sống cùng ông bà nội song ông bà thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Ông bà đã tuổi cao sức yếu nên hầu như Sâu phải sống trong đói nghèo, thiếu thốn quanh năm. Còn bố và mẹ của em Vi Dương Cầm thì không có công ăn việc làm, nhà đông con, gia đình thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh cũng đặc biệt khó khăn. Điểm chung giữa Sâu và Cầm đều rất ham học và rất khao khát muốn được đi học nhưng điều kiện gia đình không cho phép.
Biết được hoàn cảnh của 2 em, CBCS Đồn Biên phòng Na Ngoi đã cùng thầy cô giáo và cán bộ ở xã đến tận nhà để tìm hiểu gia cảnh, thông báo chủ trương nhận con nuôi, hỏi ý nguyện của các em và gia đình... Sau khi chính thức trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Na Ngoi, Mùa Bá Sâu và Vi Dương Cầm được các CBCS Đồn bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt phù hợp, có góc học tập riêng, có các đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết.
Ban đầu các em còn bỡ ngỡ vì lạ với môi trường mới nên để các em xem Đồn như ngôi nhà thứ 2 của mình, gắn bó và thoải mái hơn, Đồn phân công cán bộ trực tiếp đỡ đầu, quản lý, kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc hai con... Không giấu khỏi niềm vui, Mùa Bá Sâu chia sẻ: “Ở nhà mới, cháu được các bố rất thương yêu. Ở đây, cháu được ăn đủ bữa với những món ngon và được các bố hướng dẫn sinh hoạt cá nhân và các công việc khác như: Vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, cùng tăng gia sản xuất, trồng rau, luyện tập thể dục… Đặc biệt, trong học tập, những chỗ nào chưa hiểu, cháu được các bố tận tình chỉ bảo. Cháu rất là vui và hạnh phúc”. Niềm vui, niềm hạnh phúc của Sâu và Cầm cũng là tâm trạng chung của các trẻ được các đồn Biên phòng nhận nuôi.
Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” chính thức bắt đầu được thực hiện từ tháng 8/2019. Với mô hình này, các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ đón nhận các cháu trong độ tuổi từ 6 - 15 tuổi (có thể nhận nuôi các cháu có độ tuổi nhỏ hơn nhưng phải đảm bảo được việc chăm sóc), con em của đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, các cháu mồ côi, các cháu con liệt sỹ, thương binh, gia đình chính sách, giúp các em có chỗ ăn, ở, sinh hoạt phù hợp. Chỉ huy đơn vị phân công cán bộ theo dõi, chăm sóc, giúp đỡ các cháu trong quá trình học tập, các cháu ở xa nhà trường còn được đưa đón đến trường. Đồng thời phối hợp với nhà trường nơi các cháu đang học để chăm lo dạy dỗ các cháu học tập tiến bộ. Kinh phí để chăm nuôi các cháu ăn học do cán bộ chiến sỹ BĐBP đóng góp và hỗ trợ.
Ngoài các đồn Biên phòng trực tiếp nhận nuôi thì thủ trưởng Bộ chỉ huy, các phòng ban, văn phòng và các đơn vị không trực tiếp nuôi cháu cũng đăng ký nhận nuôi các cháu bằng cách ủng hộ kinh phí 200.000 đồng/cháu/tháng... Theo đó, thủ trưởng Bộ chỉ huy, mỗi đồng chí nhận đỡ đầu ít nhất 1 cháu; các phòng ban, văn phòng bộ chỉ huy đỡ đầu ít nhất 2 cháu. Hoạt động này sẽ được duy trì đến khi các cháu học xong các cấp học.
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có tổng số 16 cháu học sinh được nhận nuôi trực tiếp tại các đồn Biên phòng thuộc BĐBP tỉnh. Cụ thể, Đồn Biên phòng Môn Sơn nhận nuôi 4 cháu học sinh tộc người Đan Lai, Đồn Biên phòng Mường Ải đảm nhận nuôi 2 cháu người dân tộc Mông và Khơ Mú, Đồn Biên phòng Keng Đu nhận 2 cháu người dân tộc Khơ Mú, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn 2 cháu và Đồn Biên phòng Nậm Càn 2 cháu đều là người dân tộc Mông. Đồn Biên phòng Na Ngoi nhận nuôi 2 cháu và Đồn Biên phòng Thông Thụ nhận nuôi 2 cháu.
Trước đó, BĐBP Nghệ An đã thực hiện hiệu quả chương trình “Nâng bước em tới trường”. Cụ thể, Bộ chỉ huy, các phòng, ban, văn phòng, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, tiếp nhận, đỡ đầu 106 cháu học sinh. Trong đó có 20 cháu thuộc địa bàn biên giới với 3 tỉnh Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng (nước bạn Lào) có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, giúp các cháu có thêm điều kiện sinh hoạt, học tập được cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp ghi nhận và đánh giá cao.
Song song với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, những năm qua, các đồn Biên phòng tỉnh Nghệ An còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng khác tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, thắt chặt tình đoàn kết dân - quân. Những việc làm thiết thực, mang nhiều ý nghĩa nhân văn của những người chiến sỹ “quân hàm xanh” đã và đang để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng dân; góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Thu Thủy