Văn hóa - Giáo dục
Tự gắn mác 'quốc tế', nhiều trường học đánh lừa phụ huynh
(Congannghean.vn)-Sau sự cố Trường Tiểu học Gateway ở Hà Nội bị lật tẩy là tự gắn mác “quốc tế”, qua tổng kiểm tra, rà soát tại nhiều địa phương, có rất nhiều trường học đã tự phong cho mình danh xưng “quốc tế” để đánh lừa phụ huynh, học sinh. Trên địa bàn TP Vinh và vùng phụ cận, nhiều trường mầm non cũng tự xưng danh xưng này.
Trường Mầm non Ánh Dương tự gắn mác “quốc tế” |
Theo quy định của Luật Giáo dục, ở Việt Nam có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập; trường dân lập và trường tư thục. Trong hồ sơ đăng ký thành lập, các trường học cũng chưa có bất cứ đơn vị nào được các cấp thẩm quyền cấp phép có từ “quốc tế”, vậy nhưng sau khi thành lập, nhiều trường mầm non trên địa bàn đã tự thêm từ "quốc tế" hay "song ngữ" để đánh bóng thương hiệu, thu hút học sinh.
“Trường Mầm non song ngữ quốc tế Việt Nam - Singapore”, trụ sở tại phường Hưng Phúc, TP Vinh từ trước đến nay là địa chỉ được nhiều bậc phụ huynh trao gửi niềm tin, bởi theo chia sẻ của hội chị em, thì ngoài chương trình giảng dạy, chăm sóc các cháu chu tất, nơi đây còn đào tạo song ngữ đạt chuẩn quốc tế. Thậm chí, trên website chính thức của trường, nhà trường còn tự giới thiệu “Trường Mầm non song ngữ quốc tế Việt Nam - Singapore là một trường quốc tế song ngữ đầu tiên trên địa bàn TP Vinh. Trường được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế”. Trên thực tế, tên gọi cũng như sự quảng bá này đều lừa dối khách hàng, nhằm thu hút học sinh bởi trường này trong hồ sơ đăng ký không hề có từ “quốc tế”.
Tương tự, tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh, từ năm 2015 sự ra đời của Trường Mầm non quốc tế Ánh Dương, với những lời giới thiệu có cánh như “cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế”, “ngôi trường chất lượng số 1”… được kỳ vọng sẽ thổi một làn gió mới mang tầm giáo dục “quốc tế” trên địa bàn. Thế nhưng, cũng như nhiều trường mầnm non tự xưng danh xưng khác trên địa bàn TP Vinh, thực tế trong hồ sơ đăng ký, trường này hoàn toàn không có từ “quốc tế”. Thực trạng này cũng là tình trạng chung của nhiều trường mầm non khác hiện nay như Trường Mầm non quốc tế Sun Kids (TX Cửa Lò), Trường Mầm non song ngữ Green (TP Vinh)… Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP Vinh và TX Cửa Lò, có ít nhất 5 trường mầm non có biển hiệu là trường “quốc tế” hoặc trường “song ngữ”. Ngoài ra, còn có hàng loạt cơ sở mầm non có tên gọi sai so với quyết định thành lập, sai tên cơ quan chủ quản...
Trong khi đó, theo ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An), trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay, không có một trường nào đạt chuẩn “quốc tế”. Thậm chí tính trên cả nước, số trường “quốc tế” cũng rất hiếm hoi. Đối với các trường mang thương hiệu “quốc tế” hay “song ngữ” trên địa bàn TP Vinh và TX Cửa Lò, trong hồ sơ đăng ký thành lập trường, các trường này không hề có tên “quốc tế” hay “song ngữ”. “Để đạt chuẩn quốc tế là rất khó. Ở Việt Nam cũng rất hiếm có trường quốc tế. Hầu hết các trường hiện nay đều tự nhận”, ông Sơn cho biết thêm. Để xảy ra tình trạng này, một phần là do tâm lý sính ngoại của phụ huynh, các trường học đã đánh vào tâm lý này, gắn thêm mác “quốc tế” để nâng thương hiệu, thu hút học sinh vào học.
Hành vi tự đánh mác “quốc tế” cũng có thể coi là lừa dối khách hàng, là thủ đoạn của những người làm kinh tế. Điều đáng bàn ở đây là tại sao sai phạm rõ ràng như vậy, nhưng các nhà quản lý lại phớt lờ, để hành vi sai phạm này xảy ra trong một thời gian dài. Chỉ đến khi xảy ra sự cố thì nhà quản lý mới nói ra sự thật và tìm cách chống chế, thoái thác trách nhiệm. Tháng 4/2018, Trường Mầm non Green School đưa vào hoạt động tại phường Hà Huy Tập (TP Vinh), với danh xưng là trường song ngữ, mặc dù trong hồ sơ đăng ký lẫn quyết định thành lập trường, đều không có cụm từ "song ngữ". Sau khi bị phanh phui, mới đây nhà trường đã phải dỡ bỏ cụm từ “song ngữ” ngay trước thềm năm học mới. Chủ đầu tư thừa nhận, trường đã tự thêm mác này vào nhằm thu hút học sinh. Mặc dù vậy, không phải trường nào cũng làm được như Trường Mầm non Green School, thậm chí một số trường học sau khi bị phản ánh, còn tỏ thái độ thách thức.
Được biết, mặc dù mang tên “quốc tế” nhưng tại những trường học này, chương trình giảng dạy phần lớn cũng tương tự các trường khác. Không hề có một yếu tố nước ngoài nào, ngoài việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ như bao trường khác. Theo Điều 29, Nghị định 86/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, thì tên trường có vốn đầu tư nước ngoài phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: Trường, cấp học hoặc trình độ đào tạo và tên riêng. Mô hình này có thể được gọi chung là các cơ sở giáo dục có hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài. Chiếu theo các quy định này, nhiều trường mang tên “quốc tế” hiện nay không được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường với nghĩa danh từ như một tên riêng, không có nghĩa của một tính từ nhằm thể hiện đẳng cấp thực sự của trường. Đây có thể xem là một cách quảng cáo trường không đúng bản chất, là lừa dối khách hàng trong kinh doanh.
Để chấn chỉnh tình trạng này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đã yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát, tự kiểm tra về việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác tham mưu UBND cấp huyện ban hành quyết định về việc cho phép thành lập trường. Song song với đó, cần kiểm tra các trường mầm non trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc ghi biển tên nhà trường, ghi tên trường trong các giấy tờ giáo dục. Trong trường hợp có sai sót cần ban hành văn bản yêu cầu nhà trường gỡ bỏ tên cũ, ghi lại tên mới phù hợp với quyết định cho phép thành lập trường.
Thiện Thành