Văn hóa - Giáo dục
Phải có giải pháp mang tính dài hơi gắn với lộ trình rõ ràng
(Congannghean.vn)-Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, củng cố nền tảng môn học này trong các cấp học phổ thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục chú trọng mỗi năm học. Tuy nhiên, thực tế là chất lượng dạy và học môn tiếng Anh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Để tạo chuyển biến tích cực chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường học, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, rất cần giải pháp mang tính dài hơi gắn với lộ trình rõ ràng và sự đầu tư, nghiên cứu cẩn thận.
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường THCS Nghi Đức, TP Vinh |
Hiện nay, tiếng Anh là môn ngoại ngữ duy nhất được đưa vào dạy học ở các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu của môn học này giúp học sinh sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp ở mức độ cơ bản dưới các dạng nghe, nói, đọc, viết, phù hợp với trình độ, lứa tuổi… Trong xu thế toàn cầu hóa, dạy và học ngoại ngữ có vai trò quan trọng giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.
Để nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp như: Chỉ đạo triển khai dạy học đại trà môn tiếng Anh, cùng với đó là triển khai dạy chương trình 10 năm; đầu tư trang thiết bị phục vụ việc dạy và học tiếng Anh trong trường học; tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; tăng cường các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm, các sân chơi ngoại ngữ để giúp học sinh có cơ hội trau dồi, nâng cao các kỹ năng tiếng Anh ngoài lớp học…
Mặc dù trong thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh như trên, song một thực tế là chất lượng dạy học môn này trong các trường hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo số liệu từ Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, môn tiếng Anh, điểm trung bình của thí sinh cả nước là 4,36, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 68,74%. Tại Nghệ An, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tỉ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 95,24%, đứng thứ 36 cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2018; toàn tỉnh có 650 thí sinh đạt điểm 9,5 trở lên. Tuy nhiên, trong phổ điểm các môn, bên cạnh môn Lịch sử thì tiếng Anh là môn có phổ điểm thấp nhất (chỉ 3,75).
Theo ông Đặng Hiệp Giang, chuyên viên môn tiếng Anh, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay vẫn đang tồn tại 2 hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ ở bậc phổ thông, chương trình hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3). Hệ 10 năm chủ yếu được triển khai ở những tỉnh/thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Vì vậy, cần có vai trò xã hội hóa và sự hỗ trợ của các trung tâm đào tạo ngoại ngữ; đặc biệt, cần khai thác tốt nguồn lực này vào các trường phổ thông, trong đó bao gồm việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa.
Tại buổi tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 20/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, học tiếng Anh là cả quá trình, không thể nóng vội và còn tùy theo mục đích, điều kiện đầu tư, động lực của người học. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là việc vừa trước mắt, vừa lâu dài nhưng không thể chậm trễ hơn nữa.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh diễn ra ngày 23/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh: “Ngành Giáo dục tỉnh ta phải xây dựng đề án tổng thể nâng cao năng lực tiếng Anh, tạo thành phong trào, lan tỏa đam mê, cảm hứng học tiếng Anh rộng rãi. Việc này không thể làm trong 1 - 2 năm mà cần lộ trình dài hơi, có những giải pháp mạnh, mang tính căn cơ, nghiêm túc, gắn lộ trình rõ ràng. Cần phải kiên trì, bền bỉ, bắt đầu từ thái độ, nhận thức của giáo viên, chuyển dần sang học sinh, rồi phụ huynh, gia đình, xã hội”.
Theo nhiều chuyên gia, có nhiều giải pháp để đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập ngoại ngữ trong xu thế hiện nay. Song bên cạnh sự nỗ lực từ các cấp, ngành thì rất cần sự chung tay của nhà trường - giáo viên và học sinh, sinh viên, phụ huynh. Thực tế chất lượng giáo viên hiện nay không đồng đều, ở những huyện vùng nông thôn, miền núi, trình độ giáo viên còn hạn chế. Vì vậy, cần tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tạo học liệu mở. Giáo viên cần tăng cường giao lưu với giáo viên nước ngoài, nâng cao kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức giỏi mà còn đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho người học.
Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên cũng cần thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của tiếng Anh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Từ đó, tạo được động lực cho người học, khi người học nhận thấy học tiếng Anh là cần thiết cho quá trình học hành, thi thố, giao tiếp, tuyển dụng, đi làm… hay để biết thêm một ngôn ngữ, việc học tiếng Anh sẽ dễ dàng hơn và có chất lượng hơn.
Đại Nghĩa