Văn hóa - Giáo dục

Trận thắng đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam:

Sáng ngời tinh thần quyết chiến, quyết thắng

09:26, 05/08/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Cách đây 55 năm, ngày 5-8-1964, quân và dân ta đã kiên cường đánh bại cuộc tập kích chiến lược đầu tiên bằng không quân và hải quân hiện đại của đế quốc Mỹ, trở thành ngày đánh dấu chiến thắng trận đầu của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.
 
Vào một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến gặp Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công tại nhà riêng của ông tại thành phố Hồ Chí Minh, đúng lúc ông đang bận rộn chuẩn bị cho ngày họp mặt của các cựu chiến binh hải quân tại thành phố nhân kỷ niệm 55 năm lực lượng Hải quân đánh thắng trận đầu. Ở độ tuổi 76, vị Tư lệnh của lực lượng Hải quân Việt Nam trong giai đoạn 2000-2004 vẫn còn rất khỏe khoắn với nụ cười hào sảng của những thuyền trưởng quen cùng sóng gió biển khơi.
 
Nói về trận đánh lịch sử ngày 5-8-1964 của lực lượng Hải quân Việt Nam, Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công không vội trả lời, mà đưa ra một bức ảnh đen trắng với hình ảnh một chàng trai rất trẻ trung trong bộ đồ Hải quân, đầu đội mũ cối đang chăm chú lái tàu.
 
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công cười rất tươi: “Bức ảnh này của tôi là do một phóng viên TTXVN chụp đúng vào ngày 5-8-1964, khi tôi đang lái tàu rời khỏi bến, trước cuộc tấn công của máy bay địch. Tới tận năm 2004, tôi mới biết mình được chụp ảnh và lần đầu nhìn thấy hình ảnh mình của 40 năm trước”.
Hải đội 111, Vùng 1 Hải quân thường xuyên tuần tra, sẵn sàng chiến đấu. Ảnh:TTXVN.
Hải đội 111, Vùng 1 Hải quân thường xuyên tuần tra, sẵn sàng chiến đấu. Ảnh:TTXVN.
Hồi đó, ông là Tiểu đội trưởng hàng hải (lái chính) của con tàu Tuần la T161 (Tuần tiễu), thuộc Phân đội 5, Khu tuần phòng 2 Hải quân, đang có mặt tại cảng Gianh, Quảng Bình làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ ven bờ, tiếp tế vận tải cho đảo Cồn Cỏ, chống biệt kích xâm nhập, đánh đuổi tàu nước ngoài xâm nhập trái phép…
 
Tàu T161 là loại tàu tuần tiễu hỏa lực mạnh nhất của Hải quân ta vào thời điểm đó, với lượng dãn nước 79 tấn và trang bị hoán cải 2 khẩu 37 ly hai nòng ở phía trước và sau tàu, 2 khẩu 14,5 ly hai nòng ở hông tàu cùng vũ khí dưới nước là 8 quả bom chìm dùng cho đánh tàu ngầm. Trên tàu có 27 sĩ quan, chiến sỹ và sau này có thêm một cán bộ chính trị viên. 
 
Đầu năm 1964, nhận định đế quốc Mỹ có thể mở rộng chiến tranh, leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo mọi đơn vị chuyển sang trạng thái thời chiến. Từ 6-7-1964, lực lượng hải quân cũng chuyển sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
 
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công cho biết, bình thường các tàu tại cảng sông Gianh vẫn neo đậu cách nhau chỉ khoảng 200m. Khi chuyển sang thời chiến thì chỉ có 1 tàu được đậu tại cảng, các tàu khác sơ tán neo đậu trên các đoạn sông theo thế trận phòng không sẵn sàng chống lại sự bắn phá của máy bay Mỹ.
 
Sáng 5-8-1964, chiếc tàu T161 đang nằm đốc để sửa chữa, cạo hà tại cảng Gianh, thì bất ngờ nhận lệnh cấp trên cho hạ thủy gấp, trước 3 ngày so với kế hoạch. Vì vậy, ngày 5-8, tại cảng sông Gianh, ngoài chiếc tàu trực chiến tại cảng còn có thêm tàu T161 vừa hạ thủy đang tiếp vận, tiếp lương. Mọi người trên tàu hối hả tiếp thêm dầu, đạn, gạo nước...
 
Khoảng giữa trưa, khi đó, Binh nhất Đỗ Xuân Công đang vác một quả bom chìm (nặng chừng 30kg) lên tới hầm tàu thì có hiệu lệnh báo động chiến đấu và báo động có máy bay địch. Ông chỉ kịp đặt bom vào giá rồi chạy lên boong chỉ huy, cầm bánh lái và bấm còi tàu báo động gọi anh em lên tàu.
 
Cùng lúc đó, thuyền trưởng Nguyễn Duy Khiêm ra lệnh “tàu rời cảng khẩn cấp” trong tiếng súng nổ râm ran và tiếng rú của máy bay địch. Tàu T161 chặt đứt neo xích, nhanh chóng rời cảng, vừa di chuyển tránh bom, pháo của địch, vừa bắn trả máy bay địch bằng tất cả các loại súng có trên tàu.
 
Đã 55 năm trôi qua, nhưng ký ức cuộc chiến đấu hào hùng ngày đó vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của vị tướng. Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công nhớ lại: “Vì trực tiếp lái tàu trên đài chỉ huy nên tôi có tầm nhìn rất tốt và đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy máy bay Mỹ nhiều và gần đến thế.
 
Trong suốt hơn 20 phút của đợt tấn công đầu tiên, liên tục tốp máy bay tiêm kích, cường kích của Mỹ thay nhau chúi đầu cắt bom, bắn pháo vào các tàu và các mục tiêu trong cảng. Những làn đạn 20 ly của máy bay địch cày tung mặt nước, những quả bom nổ dưới nước làm nước bắn lên tới cả chục mét. Có quả bom địch ném nổ chỉ cách tàu T161 khoảng 40-50m làm nước văng rào rào trùm lên boong và đài chỉ huy của tàu”.
 
Trong vùng cảng sông Gianh, các tàu hải quân thuộc phân đội 5, 6, 7 của Khu tuần phòng 2 di chuyển cách xa nhau khoảng 400-500m, vừa né tránh sự tấn công của máy bay địch, vừa bắn trả bằng các vũ khí được trang bị. Sau khoảng 25 phút giao tranh, tàu T161 và các tàu hải quân khác đã phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng đánh trả các đợt công kích của máy bay địch và bắn rơi 1 máy bay xuống biển phía Đông Nam cửa sông Gianh.
 
Đến khoảng hơn 4 giờ chiều cùng ngày, địch tiếp tục không kích lần hai bằng một nhóm máy bay, nhưng lúc này yếu tố bất ngờ của địch không còn nữa và các lực lượng hải quân, phòng không mặt đất đã có thêm kinh nghiệm nên đồng loạt nổ súng bắt rơi tiếp 1 máy bay địch ngay trong loạt đạn đầu. Đợt tấn công thứ hai kết thúc nhanh hơn đợt một khi địch phải tháo chạy ra phía biển sau bị rơi thêm chiếc máy bay thứ hai.
 
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công nhớ lại, do có sự chuẩn bị chu đáo với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, và tuân thủ đúng các quy tắc được luyện tập từ trước, tàu T161 đã chiến đấu rất hiệu quả cùng lực lượng phòng không mặt đất và các tàu hải quân khác trong cuộc chiến đối đầu với không quân địch. Kết thúc trận chiến ngày 5-8, tàu T161 chỉ trúng một viên đạn pháo 20 ly xuyên qua boong tàu găm vào thùng gạo của anh nuôi.
 
Tự hào về một thời trai trẻ hào hùng, Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công cho biết: “Cuộc đời quân ngũ từ chiến sỹ lên tới Tư lệnh Hải quân của tôi trải qua rất nhiều trận chiến đấu, hải đối đất, hải đối hải đến hải đối không, lớn có, nhỏ có, dữ dội và oanh liệt cũng nhiều, nhưng trận chiến ngày 5-8-1964 luôn là một kỷ niệm khó quên, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, nhiều bài học cho những năm tháng cầm súng”.
 
Nguyên Tư lệnh của lực lượng Hải quân Việt Nam, Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công nhìn nhận, những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày 5-8-1964 luôn rất có giá trị trong những năm tháng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
 
“Trước những yêu cầu của công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay, lực lượng Hải quân chúng ta càng phải coi trọng huấn luyện tinh nhuệ, rèn luyện thực binh, xây dựng cách đánh độc đáo, hiệu quả để trở thành nòng cốt cho dân vươn xa giữ biển, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc”, Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công nhấn mạnh.

Nguồn: Xuân Khu/CAND

Các tin khác