Văn hóa - Giáo dục

Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

14:59, 01/08/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (DCVGNT) mang đậm bản sắc văn hóa của xứ Nghệ, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung. Với tầm quan trọng đó, vào ngày 27/11/2014, UNESCO đã chính thức công nhận di sản DCVGNT vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự vinh danh này đã góp phần thúc đẩy nhận thức về giá trị của di sản, sự đồng thuận giữa các dân tộc và cộng đồng nhưng cũng đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đó.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết: Sau khi UNESCO vinh danh di sản DCVGNT vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo tồn và phát huy DCVGNT theo đúng nội dung đã cam kết với UNESCO; xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đến năm 2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo các địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh cụ thể hóa những chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản DCVGNT trong cuộc sống cũng như đảm bảo sức sống của di sản trong tương lai. Việc xây dựng Đề án này là hết sức cần thiết nhằm hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam với     UNESCO, đồng thời phát huy các tiềm năng, nguồn lực tại địa phương để đảm bảo sức sống của di sản trong cuộc sống hôm nay và tương lai.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, DCVGNT sẽ tiếp tục khẳng định sự tồn tại của nó trong việc góp phần xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Bảo tồn sức sống của DCVGNT cũng đồng nghĩa với việc duy trì bản sắc của cộng đồng địa phương, có sức hút với phát triển du lịch bền vững. Việc tổ chức trình diễn ví, giặm tại cộng đồng, nhà hát ở tỉnh, hay ở các khu du lịch là một hình thức nâng cao dịch vụ văn hóa đối với sự quảng bá hình ảnh địa phương cũng như việc phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, nhiệm vụ phục hồi các phường hát ví, giặm truyền thống là sự tái hiện những sinh hoạt văn hóa truyền thống ở các làng quê xứ Nghệ.

Từ sau khi dân ca ví, giặm được vinh danh, việc bảo vệ, phát huy và quảng bá hình ảnh di sản với công chúng được tăng cường và có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Từ năm 2015 đến nay, Hội Cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu phối hợp với cơ quan hữu quan và các địa phương tổ chức các chương trình “Ân tình ví, giặm”, kết hợp giao lưu và biểu diễn dân ca ví, giặm tại nhiều tỉnh, thành; Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ tổ chức các đợt biểu diễn nước ngoài; bên cạnh đó, UBND tỉnh tổ chức thành công Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Đây là dịp cho các CLB, các nghệ nhân dân ca được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của quê hương xứ Nghệ đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện chương trình hành động bảo tồn DCVGNT nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục và phát huy giá trị với sự hỗ trợ tài chính của các cơ quan Nhà nước và địa phương. Các biện pháp bảo tồn bao gồm: Hỗ trợ cộng đồng có di sản DCVGNT trong việc trao truyền, giảng dạy bằng truyền khẩu cũng như trong chương trình giáo dục ở phổ thông với sự tham gia của các nghệ nhân. Các biện pháp cũng hướng tới việc tư liệu hóa, quảng bá di sản và khuyến khích sự đối thoại giữa các cá nhân, nhóm người và với các cộng đồng khác có các di sản tương ứng.

DCVGNT là sự kết tinh khả năng sáng tạo lời ca và giai điệu của các cộng đồng người Nghệ Tĩnh. Giá trị của DCVGNT nằm ở sự tôn trọng đối với sự tự do thể hiện tư tưởng, tình cảm bằng lời ca tiếng hát, bằng phương ngữ Nghệ Tĩnh. Sự vinh danh của UNESCO nâng cao tầm nhìn đối với DCVGNT ở quốc gia và quốc tế, qua đó khẳng định và khuyến khích sự ứng tác, sáng tạo các biểu đạt truyền khẩu và nghệ thuật diễn xướng bằng phương ngữ, đảm bảo sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa của nhân loại. Như vậy, việc bảo tồn và phát huy DCVGNT không chỉ là nhiệm vụ của cộng đồng nhân dân xứ Nghệ, mà còn là nhiệm vụ của quốc gia dân tộc nhằm bảo tồn một sáng tạo mang tầm nhân loại.

Phan Tuyết

Các tin khác