Văn hóa - Giáo dục

Dân và Đảng trong Di chúc của Bác Hồ

15:42, 25/07/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Di chúc của Bác cùng với toàn bộ Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta. Di chúc còn là sự thể hiện trách nhiệm, tình yêu thương bao la của Bác dành cho những người ở lại. Nhưng trước tiên là dành cho Dân, cho Đảng. Bác viết: “… tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Bác chuẩn bị cho chuyến đi xa bằng những đúc kết ở tầm cao của bậc vĩ nhân, nhưng lời lẽ lại hết sức giản dị cùng những chỉ dẫn chiến lược là những dặn dò cụ thể nhưng vô cùng sâu sắc… Ai đọc cũng thấy mình được quan tâm, ân cần bằng trái tim mênh mông “Ôm cả non sông, mọi kiếp người”... 

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ quyền được phục vụ và hưởng lợi ích là thuộc về Nhân dân
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ quyền được phục vụ và hưởng lợi ích là thuộc về Nhân dân

Trước hết phải có Đảng vững mạnh. Đây là vấn đề Người luôn đặt lên hàng đầu, luôn được quan tâm trước hết. Bởi, để làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người “trước hết phải có Đảng cách mệnh”; “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Bác tổng kết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Cần hiểu đúng: Thắng lợi rất to lớn, thắng lợi trước hết là do Đảng gắn bó với Nhân dân; là do đoàn kết chặt chẽ, phát huy được “truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của Dân ta”. Đoàn kết có vai trò cực kỳ to lớn, vì thế Người dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Để xứng đáng với vai trò lãnh đạo, Người khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác đã dự báo: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi,… Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân”. Tuân theo chỉ dẫn của Người, suốt 50 năm qua, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, luôn xác định đó là nhiệm vụ then chốt. Nhờ đó, chúng ta đã giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện một cách xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Người. Điều mong ước và lời căn dặn thiết tha nhất của Bác đã thành sự thật. Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc đã sum họp một nhà!

Sau khi cố gắng hàn gắn vết thương do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược, ngay khi bắt tay vào thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng đã đề ra một trong những nguyên tắc chỉ đạo đổi mới là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phê phán những khuynh hướng phủ nhận hoặc hạ thấp sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến trung thực, phê bình những khuyết điểm trong sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng đảng.

Liên tục qua các nhiệm kỳ, Đảng đều có nghị quyết chuyên đề để thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng. Gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Các nghị quyết đã đề ra những chủ trương và biện pháp quan trọng nhằm xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, khắc phục những yếu kém trong hệ thống chính trị. Dân chủ trong Đảng và trong xã hội từ đó được mở rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển. Qua các đợt vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phê bình và tự phê bình đã có những chuyển biến nhất định, sức mạnh và tính chiến đấu của nhiều tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. 

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ giữa Đảng và Nhân dân: Người chỉ dặn lại việc phải làm cho Đảng, còn quyền được phục vụ và hưởng lợi ích là thuộc về Nhân dân
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ giữa Đảng và Nhân dân: Người chỉ dặn lại việc phải làm cho Đảng, còn quyền được phục vụ và hưởng lợi ích là thuộc về Nhân dân

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu là một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, BCH Trung ương đã ban hành 3 quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất. Nêu gương thể hiện rõ ràng nhất việc học tập và làm theo Bác. Đúng như Người răn dạy: Mình phải chính tâm tu thân nghĩa là việc gì cũng phải làm kiểu mẫu; có thế mới trị quốc bình thiên hạ được… Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí, muốn cải tạo xã hội làm sao được.

Đầu tiên là chăm lo đời sống của Nhân dân

Kế thừa truyền thống nhân - nghĩa của dân tộc, nắm vững quan điểm quần chúng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Bác chỉ rõ: “… Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta”. Vì vậy: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Thực hiện Di chúc của Người, từ một nước nghèo, nhiều năm chiến tranh, hậu quả nặng nề, sau 10 năm đổi mới (1986-1996), Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; sau 25 năm (năm 2010) đã ra khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát triển. Năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD. Nhiều học giả nước ngoài coi đó là “những thành tích ngoạn mục”. Năm 2018, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện, hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GDP tăng gấp đôi mức lạm phát, đạt 7,08% trong khi Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2018 của các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chỉ ở mức 6,3%. Chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng được cải thiện, mô hình tăng trưởng dịch chuyển dần sang chiều sâu….

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc duy trì ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Triển khai có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước còn khoảng 5,2-5,7%, giảm khoảng 1-1,5% so với cuối năm 2017. Bà Caitlin Wiesen, quyền đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nói, tiến bộ Việt Nam đạt được trong giảm nghèo là "thành công ở tầm thế giới". Năm 2017, dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Tổng thống Mỹ D. Trump đã thốt lên: “Việt Nam là điều kỳ diệu của thế giới”. Nguyên Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon cũng phát biểu: “Nếu tất cả các nước đều nỗ lực như Việt Nam, chắc chắn thế giới sẽ thực hiện thành công các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới”…

Học và làm theo Di chúc của Bác, chúng ta hiểu: Dân và Đảng là một câu chuyện chủ yếu mà Người để lại.

 “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác

Lên những tầng cao, thẳng cánh bay!” (Tố Hữu)

Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng

Các tin khác